Sau một ngày xin vào làm thêm tại cửa hàng thời trang trên phố Tây Sơn, phóng viên đã được “huấn luyện” cách nhận biết nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng như bí quyết "lên đời" hàng hiệu cho quần áo.

TIN BÀI KHÁC
Dưa hấu "đại gia" bán giá cắt cổ
Sự thật về thuở hàn vi của hoa hậu Ngọc Trinh

Chiêm ngưỡng trong chiến hạm của hải quân VN

Cô bé “thần đồng” 11 tuổi không đạt điểm 5

Nhập vào với giá chỉ khoảng 60.000 đồng và bán ra từ 150.000 đồng/sản phẩm trở lên, những người kinh doanh quần áo fake (nhái các nhãn hiệu lớn) đang dễ dàng bỏ túi những khoản lãi đáng mơ ước.

Nhan nhản thời trang Lacoste, Burberry… siêu rẻ

Đang bước vào thời tiết giao mùa, các cửa hàng thời trang trên tuyến phố Hàng Nón, Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Quý Đức (Hà Nội)... đua nhau tung nhiều chiêu khuyến mãi giảm giá hàng hè và “bán đúng giá” hàng thu đông mới nhập về.

Bước vào một vài cửa hàng thời trang trên phố Tây Sơn hay Nguyễn Quý Đức, dễ nhận thấy bên cạnh hàng loạt sản phẩm made in Trung Quốc, mẫu mã bắt mắt treo la liệt trên giá, luôn có một khu vực riêng biệt trưng bày hàng thời trang gắn mác Tommy, Lacoste, Buberry và được treo rất cẩn thận.

Thời trang hè đang được các cửa hàng ô ạt giảm giá

Khi hỏi về xuất xứ của các sản phẩm cao cấp này, phóng viên được chủ hiệu quần áo trên đường Tây Sơn đon đả: “Hàng của chị toàn nhập từ Thái Lan. Em xem này, Burberry, Lacoste giá cực rẻ luôn. Hàng chị bán đúng giá, không mặc cả”. Theo đó, những chiếc áo phông gắn mác Buberry, Tommy… treo trên giá này dao động từ... 180.000 đến khoảng 300.000 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, nếu có dịp quan sát kỹ, khách hàng tinh mắt dễ nhận ra, có những áo mang mác của Buberry nhưng vẫn còn dòng chữ made in China đằng sau mà người bán chưa kịp... xử lý.

Tình trạng cùng một sản phẩm, cùng treo biển bán đúng giá nhưng tại hai cửa hàng khác nhau, giá lại chênh lệch nhau từ 20.000 đến 50.000 đồng dường như trở nên quá quen thuộc với những bạn trẻ có sở thích “lượn lờ" mua sắm đến mức, không ít người “tặc lưỡi": "Không hiểu cửa hàng nào mới thật sự là cửa hàng bán đúng giá, thấy phù hợp với túi tiền thì “móc hầu bao” thôi".

“Bóc mẽ” chiêu thổi giá hàng hiệu nhái

Chỉ mất một ngày xin vào làm thêm ở vị trí nhân viên bán hàng tại một cửa hàng quần áo trên phồ Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội), phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã được “huấn luyện” cách nhận biết nguồn gốc sản phẩm cũng như bí quyết "lên đời" hàng hiệu cho quần áo.

Theo cô nhân viên trẻ tại cửa hàng trên phố Nguyễn Quý Đức, mỗi tháng bà chủ cửa hàng lại sang Quảng Châu (Trung Quốc) "đánh" hàng một lần. Thỉnh thoảng có người chị gái của bà chủ ở Lạng Sơn gửi hàng xuống.
Những chiếc áo thế này sau khi được "bắn" mác hàng hiệu sẽ nghiễm nhiên đội giá lên gấp 3-4 lần.

Chủ cửa hàng thường nhập quần áo tại các cửa khẩu gần Trung Quốc vì giá ở đây thường rất rẻ, mua cả lô còn rẻ hơn, chỉ tầm 25 tệ/áo (khoảng 80.000 dồng/áo). Nếu có người quen, thân ở gần nơi cung cấp thì chỉ cần chọn mẫu qua mạng, đặt hàng… chi phí sẽ giảm đi rất nhiều.

Sau khi hàng về, chủ cửa hàng sẽ cùng nhân viên tiến hành thay mác cho cả hộp lẫn sản phẩm bên trong bằng cách gỡ hết mác trên sản phẩm và sử dụng máy bắn mác để thay mác của các hãng thời trang nổi tiếng vào. Những mác này, được chủ cửa hàng mua theo lô trên phố Hà Nội. “Muốn mác gì đều có thể mua được mác đó, giá thì rẻ khỏi bàn…”, cô nhân viên bán hàng vui vẻ tiết lộ.  “Công đoạn gỡ mác với bắn mác dễ và nhanh lắm, 1 tiếng là xong cả lô hàng ấy chứ”, Mai – nhân viên cửa hàng cho biết. Từ đó, các sản phẩm sẽ được bán với giá gấp 3, 4 lần tùy từng hãng và hàng fake cấp 1, 2 hay 3.

“Mình cũng biết đấy không phải là hàng thật, làm gì có áo Tommy giá 150.000 đồng hay Buberry giá 180.000 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhiều người như tụi mình cũng có tiền để mua hàng hiệu mà hàng fake cũng không nhiều người nhận ra nên cứ mua về dùng. Giá cả lại phải chăng”, Linh (22 tuổi, sinh viên) chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ ngại mặc cả khi mua hàng hiệu nhái là cơ hội làm giàu cho các chủ cửa hàng quần áo

Theo tiết lộ của chủ cửa hàng trên phố Tây Sơn: “Chị lấy công làm lãi chứ lời lãi bao nhiêu đâu em, làm việc cho đỡ buồn thôi", nhưng cũng theo lời nhân viên của cửa hàng này: “Trung bình mỗi ngày bán được hơn hai chục sản phẩm, tính ra cả tháng lãi đến vài chục triệu ấy chứ”.

“Mình đi mua hàng ở chợ mới trả giá thôi, chứ vào các cửa hàng ngại mặc cả lắm. Mình cũng biết là họ đội giá lên nhiều nhưng cùng lắm chỉ dám trả 5.000 đến 10.000 đồng để lấy chỗ đi lại là vui lắm rồi không lại mang tiếng đã thích hàng hiệu lại còn đi trả giá”, Nga (sinh viên) nói.

Đi mua hàng fake, nếu khách hàng vui một vì mua được hàng “hiệu” giá hời thì chủ cửa hàng phấn khởi gấp nhiều lần vì với việc khách hàng ngại trả giá, chủ cửa hàng chẳng ngại tăng giá, một vốn bốn lời là mức lãi mà bất cứ ai buôn hàng hàng hiệu fake cũng có thể dễ dàng bỏ túi.

(Theo Giáo dục Việt Nam)