Ngày 13/10 hằng năm là một ngày ý nghĩa với hầu hết doanh nhân Việt Nam, là ngày họ ngập tràn trong hoa và những lời chúc tụng, tôn vinh. Nhưng có một doanh nhân, cứ mỗi khi nhớ về ngày này là ông lại nghĩ đến nước mắt, khổ đau và tuyệt vọng đã phải trải qua.
TIN BÀI KHÁC


Có lẽ không ai còn xa lạ với cái tên Lê Minh Hải, hay còn gọi là Hải Robert, tử tù trong vụ án Tamexco nổi tiếng năm 1995. Nhưng sau đó, ông may mắn thoát án tử hình. Hiện, ông là Tổng giám đốc Vinashin Vũng Tàu, kiêm phó chủ tịch Công ty CP đóng tàu và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (Vung Tau Shipyard Corporation).

"Lên thác xuống ghềnh"


Đài Truyền hình TP HCM đang công chiếu bộ phim nói về cuộc đời vị doanh nhân này với tựa đề “Tôi - Hải Robert” trên kênh HTV7. Lê Minh Hải cho biết, ông đã xem trọn 10 tập phim và có cảm giác như bộ phim đã tâm sự được một phần nhỏ trong cuộc đời đầy chông gai và gian truân của mình. Lê Minh Hải sinh ra tại miền giáp ranh giữa Cần Thơ và Vĩnh Long, là con một của ông Lê Minh Đức – Anh hùng lao động đầu tiên của Việt Nam.

Ông theo gia đình tập kết ra Bắc năm 1954. Suốt thời gian học tiểu học và phổ thông, Lê Minh Hải luôn là học sinh giỏi toán, không có đối thủ trong lớp và trường học. Ông là 1 trong 20 người điểm cao được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu lúc bây giờ mời gặp và cho chọn ngành nghề, cũng như nước đi du học. Năm 1970 – 1976, Lê Minh Hải du học ở Liên Xô (cũ ) về ngành hàng hải. Về nước, ông là thủy thủ tàu viễn dương, rồi máy trưởng tàu biển. Tháng 9/1989, trong cuộc thi tuyển giám đốc đầu tiên và duy nhất thời bao cấp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ông đã trúng tuyển.
Dù phong cách ăn mặc "bụi bặm" với jeans và mũ cao bồi, nhưng ở Hải Robert luôn toát lên phong thái lịch lãm.

Cuộc đời “lên voi xuống chó” với những lần vào tù ra tù của vị doanh nhân này cứ như là một câu chuyện lạ có thật, bởi mỗi lần ra tù, sự nghiệp của ông lại phất lên một đỉnh cao mới. Lần đầu tiên ông bị bắt giam là vào một đêm khuya năm 1978, Lê Minh Hải bị công an bắt lầm khi đang đi tàu Vàm Cỏ 22 nhưng nhanh chóng được thả ra sau 15 tiếng đồng hồ giam giữ. Sau lần này, sự nghiệp của ông thăng tiến như diều gặp gió. Đến năm 1981, ông Hải trở thành máy trưởng tàu biển Viễn Dương.


Nhưng vào năm 1982, khi Lê Minh Hải đang làm việc trên tàu Định An 20, viên quản trị trưởng tàu bỗng nhiên bị điên nên đốt tàu. Ở cương vị máy trưởng, ông là người cuối cùng rời buồng máy trong bộ đồ chống cháy nhưng vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm trước cái chết và bị thương của một số thủy thủ trong vụ cháy nên phải đi tù 6 tháng. Sau khi ra tù, ông vẫn làm máy trưởng và năm 1989 trở thành giám đốc Nhà máy Sửa chữa tàu biển Sài Gòn sau đợt thi tuyển giám đốc đầu tiên của Việt Nam.

Lần thứ ba bị dính đến vòng lao lý và cũng là lần nặng nề nhất là vụ bán đất cho Phạm Huy Phước trong vụ án Tamexco. Lê Minh Hải bị kết án tử hình vào đúng thứ 6, ngày 13/10/1995. Ông Lê Minh Đức, Anh hùng lao động, cha của Lê Minh Hải đã viết đơn lên Chủ tịch nước xin chết thay con, bên cạnh đó là hơn 300 chữ ký của cán bộ, công nhân viên Nhà máy sửa chữa tàu biển Sài Gòn (nơi trước đây Lê Minh Hải làm giám đốc). Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định giảm hình phạt cho Lê Minh Hải từ tử hình xuống án chung thân. Nhờ cải tạo, lao động tốt, Lê Minh Hải được trả tự do vào ngày 2/9/2005, sau 10 năm bị ngồi tù.

Quý ông “galant”


Nhắc đến Hải Robert, người ra nghĩ ngay đến hình bóng một người lữ hành kỳ dị, nhưng từ con người ấy luôn toát lên cái phong thái lịch lãm và đặc biệt luôn galant với phụ nữ, cảm thông với những người khốn khó, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả trong lao tù.

Người ta đồn Hải Robert có tới 15 bộ quần áo jeans và 6 chiếc mũ cao bồi đều mua ở nước ngoài. Ông chỉ thích mặc quần jeans, áo phông. Hồi trước khi vào tù năm 1995, ông cao lớn, nặng 84 kg và luôn dùng đồ hiệu. Trông ông không khác nào một “tay chơi quý tộc” khi đi ô tô đẹp, xài đồng hồ đắt tiền hiệu Rolex, rượu ngon, thuê hẳn thư ký là người Nga… Sau 10 năm tù đày, giờ ông sụt mất 15 kg, rắn chắc lỳ lợm, trông rõ nét người đàn ông bụi đời quý tộc, phong trần nhưng rất cương nghị. Cộng thêm bộ râu quai nón càng làm tăng vẻ “manly” (đàn ông).

Có lẽ Hải Robert là tử tù được nhiều người xin tha nhất. Ngoài hơn 300 công nhân viên cùng ký tên còn có các bạn bè cùng du học Liên xô cũ 1970 ký xin và hơn 20 người Nga và các công ty Nga xin cho ông được sống. Trong thời gian làm giám đốc, ông không đuổi một công nhân nào và luôn động viên họ, ai muốn nghỉ thì sẽ được bù dắp xứng đáng. Có một câu chuyện mà mọi công nhân ở Nhà máy sửa chữa tàu biển Sài Gòn vẫn nhớ, đó là một công nhân sửa chữa ô tô xong lái thử và lao xuống ụ tàu, theo quy định của nhà máy thì giám đốc Hải phải ký quyết định kỷ luật và đuổi việc công nhân này. Nhưng ông nói “anh hãy đi tìm việc trong 3 tháng, có ai nhận thì tốt, còn không thì quay lại, tôi vẫn đón nhận anh”. Sau đó, anh công nhân này quay lại và trở thành một công nhân tay nghề rất giỏi.

Trong hơn 10 năm Hải Robert ở tù, có hơn 600 đoàn lên thăm ông, từ gia đình, cơ quan, bạn bè, kể cả những người bạn và đối tác người Nga. Ngoài ra, có nhiều người hàng năm vẫn đều đặn lên thăm hỏi ông, động viên và hy vọng ông sớm quay lại với xã hội. Trong thời gian hai lần tù đày bị qua rất nhiều nơi nhưng ông luôn là thủ lĩnh của những người tù. Họ tự tôn ông là đại ca, bởi ông có tướng hình lỳ lợm, không sợ sệt ai, bản lĩnh, lại biết võ nghệ, có tri thức. Đối với cán bộ coi tù, ông luôn giữ nhân cách của mình, không khúm núm hay nịnh bợ.

Thời gian ở tù, ông đã nuôi đà điểu đến lúc ra về phát triển thành hơn 50 con và để lại cho 1 người ở Xuân Lộc tiếp tục nuôi và phát triển thành trang trại nhỏ. Ông nuôi cá khoán mỗi năm 2 tấn. Ngoài ra, ông còn tham gia cày củ hơn 200 ha đất rừng ở Trà Tàu, cày hơn 1000 ha đất để trồng cây cho trại. Trong thời gian ở tù, Hải Robert đã đóng góp rất nhiều cho trại nên vào năm cuối ông được giam lỏng ra ngoài, có trang trại nuôi đà điểu, nuôi cá, vịt, gà và ông làm 1 nhà lục giác bằng gỗ cây, mọi người lên thăm ông và ăn uống ở đó như 1 cuộc đi du lịch trong tù.

Gian nan làm lại cuộc đời


Khi ra tù vào năm 2005, việc đầu tiên Hải Robert làm là về xin lỗi bố mẹ, ông bà, vợ con, tổ tiên vì những gì ông làm đã gây liên lụy và đau khổ cho mọi người. Sau đó, ông ăn bữa cơm đầu tiên với gia đình sau 10 năm xa cách. Rồi ông làm các thủ tục đề trở lại một công dân bình thường (như hộ khẩu, chứng minh thư…), nhờ con trai đứng tên mở công ty và sau 6 tháng thì lập công ty và tiếp tục thực hiện các công việc mà trước đây ông đã làm, đồng thời tìm hướng đi mới mẻ, mạo hiểm trong công việc.

Suốt bao nhiêu năm làm việc, từ trước khi vào tù cho tới sau này, Hải Robert chưa một ngày nghỉ phép

Lúc vào tù, nhà ông bị tịch thu, đất đai của ông bạn bè xấu đứng tên rồi cướp luôn. Ông trở thành người vô sản, khi ra tù được lĩnh 27.000 đồng và phải về ở nhờ nhà ba mẹ ở Vũng Tàu. Tuy nhiên, ông không chùn bước và trở thành thủ lĩnh có một không hai của biển cả. Ông tiếp tục các dự án lớn như mua ụ nổi về Việt Nam (ụ nổi chuyên dụng để đóng mới, sửa chữa tàu biển), mua tàu cánh ngầm nhằm tiếp tục khai thác Ngọc san hô đỏ có ở khu vực Trường Sa và Hoàng Sa của nước ta. Hiện, Hải Robert là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam về việc nuôi cấy cá tầm tại Việt Nam và Myanmar, loài cá được đánh giá là quý và đắt. Tại thị trường Myanmar, ông nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp nước bạn. Theo kế hoạch phát triển, số lượng thu hoạch cá tại Myanmar thời gian tới sẽ rất lớn, đem lại nguồn thu đáng kể cho kẻ tự nhận là “đại gia tay trắng”.


Dường như những khó khăn, gian truân chưa bao giờ tha cho Hải Robert. Bên cạnh việc nuôi cá tầm, ông tiếp tục kế hoạch mua ụ nổi từ Nga về Việt Nam. Song “tai nạn” lại bắt đầu từ đây. Dưới tư cách pháp nhân Chủ tịch HĐQT của Vinashin Vũng Tàu, Hải đã cùng người Nga mua 1 ụ nổi từ Vladivostok về. Ngày 22/6/2006 đoàn rời Nga, đi đến Đài Loan, gặp siêu bão Billis ngày 14/7/2006, ụ nổi bị chìm. Mặc dù mua bảo hiểm 110% của Công ty bảo hiểm Bảo Minh nhưng Bảo Minh vẫn không đền bù. Cực chẳng đã, Hải đã cùng một công ty của Nga gửi đơn lên tòa án London, Anh. Ngày 19/10/2010 vừa qua, vụ án mới được đưa ra xét xử. Theo đó, Tòa án Tư pháp Tối cao, Tòa án Thương mại Luân Đôn đã tuyên án phần thắng thuộc về Vinashin Vũng Tàu Việt Nam và một công ty khác của Nga, buộc Bảo Minh phải bồi thường tổng số tiền là 8.388.600 USD. Hải Robert cho biết, ông có dự định đòi lại đất của mình ở Vũng Tàu để làm dự án Khu đô thị sinh thái bắc Phước Thắng cho những người Liên Xô cũ - để lấy lại một "đồng" danh dự.

Hải Robert tâm sự, ông thiếu nhất hai thứ trên đời để làm việc. Một là thời gian, vì ông đã già do ngồi tù lâu quá nên quỹ thời gian còn lại quá ít, mặc dù ông luôn cảm giác như đang ở tuổi 30 và làm việc không mệt mỏi. Hai là tiền mặt để thực hiện dự án lớn. Ông rất cần những người có năng lực tài chính và kiến thức muốn cộng tác làm các dự án lớn, hữu ích cho xã hội.

Hải Robert may mắn có được người vợ tảo tần, chung thủy và 2 đứa con ngoan hiền, tài năng. Thời gian chịu án phạt tù, vợ ông, chị Nguyễn Thanh Hồng đã phải nghỉ dạy học, tần tảo chạy chợ để nuôi con và theo chăm nuôi chồng ở trại. Hiện nay, hai con trai của ông, một đang học ở Mỹ, đi theo con đường khoa học, còn một đã tốt nghiệp Quản trị kinh doanh ở Mỹ và sẽ về làm việc cùng ông tại Myanmar (vì theo Hải Robert đây là một đất nước còn nhiều bí ẩn và đầy tiềm năng). Còn ở Việt Nam, Hải Robert vẫn miệt mài lao động để làm điểm tựa cho hai con mình thực hiện những gì ông mơ ước, mà không làm được vì rất nhiều lý do.

Ông cho hay, suốt bao nhiêu năm làm việc, từ trước khi vào tù cho tới sau này, ông chưa một ngày nghỉ phép. Ông nói rằng, thời gian 10 năm trong tù là khoảng thời gian nghỉ phép quá dài của đời ông. Hiện, ông không có thời gian để chơi thể thao hay giải trí, vì ông muốn tận dụng mọi thời gian cho công việc. Ngày trước, lúc trẻ ông chơi bóng bàn, bóng đá, tennis, sau khi ra tù ông có đi tập golf để rèn luyện một số kỹ năng cho công việc. Nhưng từ khi ụ nổi chìm vào giữa năm 2006 thì không thấy ông xuất hiện ở bãi tập golf bao giờ nữa.

Hải Robert tâm niệm, mọi thứ trên đời nhanh đều tốt nhưng có hai việc cần chậm là yêu và ăn uống. "Nhưng tôi vẫn không có thời gian để thưởng thức hai việc đó vì thời gian được sống ở đời là vô cùng quý và tôi đã đối diện với cái chết nên yêu quý tự do hơn bất cứ ai trên đời này. Vì vậy, tôi đang nỗ lực làm lại tất cả chỉ để xin một đồng danh dự cho cuộc đời một doanh nhân", ông nói.

(Theo Đất Việt)