Để kiếm tiền bất chính, một số cơ sở giết mổ trâu bò đã sử dụng công nghệ bơm nước để biến bò gầy thành béo và "phù phép" cho mỗi con tăng trọng từ 20-30kg.

TIN BÀI KHÁC


Bơm cả nước ao vào thịt

Nhờ một "đồ tể" tên K đã giải nghệ, 2 giờ sáng, chúng tôi đột nhập vào cơ sở giết mổ ở xã T, huyện Đô Lương, Nghệ An. Cơ sở này do bà P làm chủ, tường cao, cửa đóng kín mít có cả người canh gác. Tại đây, người đến mua sỉ về bán lẻ nhộn nhịp, 5 đồ tể đang lôi từng con bò ra buộc mũi vào chiếc cọc bê tông rồi lạnh lùng giáng chiếc búa tạ vào giữa đầu bò. Con bò chỉ kịp rống lên một tiếng thảm thiết rồi cả khối thịt đổ rầm xuống đất.


Tình trạng giết mổ mất vệ sinh, bơm nước vào thịt để tăng trọng lượng diễn ra khá phổ biến (ảnh minh hoạ).

Chúng tôi nhìn 16 con bò bị hành quyết chỉ trong vòng 15 phút mà chóng mặt, sởn da gà. Các “đồ tể” dùng dao dài nhọn hoắt thọc thẳng vào cổ bò, những dòng máu đỏ ồng ộc phun ra trong chiếc chậu nhựa cáu bẩn.

Chọc tiết xong, những đồ tể này dùng nhiều ống nhựa dẫn nước to bằng ngón tay, phía đầu được cắm chiếc kim tiêm loại lớn, đâm kim tiêm vào cổ họng bò, có con đâm thẳng vào động mạch để “ăn nước”. Con bò lúc đầu gầy guộc, nhưng được "ăn nước", nên con nào, con nấy béo căng.

Khi những con bò được xẻ thịt ra, những đồ tể này tiếp tục đưa vòi nước gắn kim tiêm chích vào thịt bò. Kim tiêm cắm đến đâu thì từng thớ thịt căng phồng đến đó. Thậm chí phần nội tạng tim, gan… cũng được chích nước cho căng phồng. Người vào mua sỉ thịt trâu bò vẫn bình thản ngồi chờ chủ lò mổ “truyền nước” để lấy thịt.

K bật mí: "Tiếp nước như thế này, để lợi thịt vận chuyển trong thời tiết nắng nóng cũng không bị hao hụt. Thường thì những người nhập sỉ về bán tại các chợ họ sử dụng xi lanh loại lớn để tiếp tục bơm để kiếm lãi. Nhưng họ chỉ bơm vừa, không bơm đến nỗi nước chảy lõng bõng ra ngoài thịt. Còn tại lò mổ, mỗi con bò, người ta thường tiếp nước, bò tăng trọng thêm được khoảng 20-30kg.

Với cách làm ăn kiếm lãi theo kiểu bất chính này các chủ lò mổ ở xã T, Đô Lương ai nấy cũng giàu sụ. Điều đặc biệt nghiêm trọng là một số bà con địa phương phản ánh, trong quá trình truyền nước cho trâu bò, một số chủ lò mổ còn truyền cả nước ao vào thịt bò, chỉ tội người tiêu dùng ăn phải loại thịt bò đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Điều lạ là việc bơm nước để tăng trọng lượng trâu bò diễn ra một cách công khai trắng trợn, diễn ra từ rất lâu nhưng cán bộ thú y, chính quyền địa phương đều không biết.

Giết mổ không an toàn

Sẽ kiểm tra ngay

Hiện nay các lò giết mổ gia súc có giấy phép trên địa bàn Nghệ An đều có cán bộ thú y kiểm soát chặt chẽ và đóng dấu kiểm dịch. Nhưng đúng là có một số cơ sở giết mổ chui nên rất khó kiểm soát. Còn việc một số lò giết mổ có giấy phép mà không có cán bộ thú y kiểm dịch ở Đô Lương, chúng tôi sẽ lập tức cho kiểm tra ngay -

Ông Nguyễn Thế Độ - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An

Khoảng 2 giờ 30 sáng, tất cả các con bò đều được các “đao phủ” xẻ thịt ngổn ngang, có khoảng hơn 40 người đang đồng loạt làm việc tích cực tại điểm giết mổ này. Quan sát, chúng tôi thấy rằng quy trình giết mổ hoàn toàn không đảm bảo an toàn vệ sinh. Thịt trâu, bò xẻ ra được người ta bày ra giữa nền xi măng nhớp nhúa, chưa kể là phần nội tạng cũng không được cho vào chậu, mà họ đổ ngay bên hố nước thải đen ngòm vương vãi phân trâu bò. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc, khách hàng tứ xứ nối đuôi nhau vào lấy thịt.

Tại xã T, Đô Lương có 3 điểm giết mổ trâu bò, theo thống kê mỗi ngày giết mổ từ 25-30 con trâu bò. Do thực hiện giết mổ bừa bãi đã gây ô nhiễm nghiêm trọng về nguồn nước và không khí, ảnh hưởng sức khoẻ tới bà con quanh vùng.

Bà Phan Thị N ở gần lò mổ cho biết: "Hàng ngày, lượng trâu bò tập kết về khá nhiều thải ra cơ man là phân, cỏ, rác… Lượng nước thải hôi thối từ lò mổ được xả thải bừa bãi ra ao hồ, thẩm thấu vào cả nguồn nước sinh hoạt của nhân dân".

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Vinh Hạnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y huyện Đô Lương cho biết: "Hiện nay, toàn huyện có 19 điểm giết mổ gia súc tập trung. Tuy nhiên, công tác kiểm dịch, kiểm tra ATVSTP chưa được thực hiện, vì các cơ sở này đang trong quá trình tái hoạt động trở lại".

Về vấn đề các chủ cơ sở giết mổ bơm nước vào thịt trâu bò, ông Hạnh nói là không biết và cho rằng không thể quản lý được vì đó là ý thức của các chủ cơ sở giết mổ (!?).

(Theo Dân Việt)