Nhiều chủ thẻ chưa có thói quen chủ đồng bảo mật thông tin thẻ của mình trong khi thủ đoạn của tội phạm thẻ ngày càng tinh vi.

TIN BÀI KHÁC


Hiện nay, các hình thức ăn cắp thông tin thẻ từ máy ATM ngày càng tinh vi, làm cho nhiều khách hàng lo lắng khi tiến hành các giao dịch với ngân hàng thông qua các cây thẻ ATM. Trong khi đó, nhiều người cho rằng công nghệ thẻ ở Việt Nam còn yếu, phát triển thì ồ ạt, mức phí dịch vụ khá cao, người tiêu dùng lại bị thiệt đơn thiệt kép, phiền nhiễu mỗi khi gặp vấn đề về thẻ.

Cách đây không lâu, một khách hàng của Tien Phong Bank đã bị đánh cắp các thông tin cá nhân sau khi giao dịch với máy ATM của Vietcombank trên phố Đại La (Hà Nội) do máy bị gắn thiết bị đọc trộm thông tin. Sau khi đã được cấp lại thẻ cùng với những thông tin mới đảm bảo hơn, khách hàng này vẫn không hoàn toàn yên tâm với việc giao dịch tại các máy ATM.


Chủ thẻ ATM nên tự biết cách bảo vệ mình (Nguồn ảnh minh hoạ: Internet)

Trao đổi với PV, ông Matthew Keating, Giám đốc các Kênh phân phối phi vật lý của Ngân hàng Quốc Tế VIB tại Việt Nam cho biết, điều cần thiết đơn giản nhất sau khi nhận thẻ các khách hàng bắt buộc phải đổi mã PIN.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của một số chuyên gia, tội phạm công nghệ cao thường lắp đặt một camera tại cây thẻ ATM để ghi lại mã pin và một thiết bị giống như đầu đọc thẻ vào khe ATM để đánh cắp thông tin trên băng từ của máy.

Chỉ một phút sơ suất hoặc nếu không tinh ý, chủ thẻ sẽ bị đánh cắp các thông tin quan trọng trong quá trình họ thực hiện các giao dịch với ngân hàng tại cây thẻ đó. Sau khi có được các thông tin cần thiết, bọn chúng sẽ sử dụng các dữ liệu này để làm thẻ giả, rút trộm tiền từ tài khoản đó.

Để ngăn chặn tình trạng này, ông Matthew Keating khuyến cáo: “Có rất nhiều cách giúp bạn thực hiện giao dịch an toàn với ngân hàng, nhưng cách đơn giản nhất là khi nhập mã mật khẩu, chủ thẻ nên lấy tay hoặc dùng giấy che bàn phím nhằm tránh tình trạng bị lấy cắp mật khẩu.

Ngoài ra, một cách hiệu quả nữa là chỉ mất phí khoảng 5.500 đồng/tháng khi sử dụng dịch vụ SMS banking, nghĩa là nhắn tin mỗi khi có giao dịch tài khoản. Như vậy, mỗi lần bạn có giao dịch với chúng tôi, tin nhắn sẽ báo số dư tài khoản thay đổi, khách hàng (KH) sẽ lập tức phát hiện bất thường và báo ngân hàng khóa thẻ ngay để bảo vệ tài sản của mình”.

Bên cạnh đó, các chủ thẻ ATM cũng có thể sử dụng nhiều gói giải pháp toàn diện sau khi mở tài khoản thẻ tại các ngân hàng như: dịch vụ SMS banking, Internet banking, Email banking… để có thể quản lý tài khoản của mình một cách đơn giản và thuận tiện nhất.

Qua khảo sát có thể thấy, cùng với sự hỗ trợ của dịch vụ thông báo tự động giao dịch tài khoản qua SMS và email của khách hàng, nhiều ngân hàng cũng đã lắp đặt các hệ thống công nghệ được tăng cường các tính năng bảo mật, camera giám sát, thiết bị phòng chống đột nhập từ bên ngoài, hệ thống tự động báo động khi bị gắn các thiết bị lạ …tại các máy ATM của họ. Ngoài ra, họ cũng đã tăng cường kiểm tra thực địa các cây ATM.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi trong khi các chủ thẻ chưa có thói quen chủ động bảo mật thông tin thẻ của mình, hoặc chủ thẻ còn chủ quan cho người quen hoặc người thân mượn thẻ giao dịch.

Chủ thẻ cũng chưa thường xuyên đổi mã số cá nhân PIN, hoặc chọn mã số cá nhân dễ suy đoán như ngày sinh, số CMND, vv…nên khi bị mất thẻ ATM, bọn trộm có thể dễ dàng đăng nhập và rút tiền từ tài khoản của họ.


Hiện nay công nghệ thẻ ở Việt Nam còn yếu, phát triển thì ồ ạt, mức phí dịch vụ khá cao trong khi người tiêu dùng lại bị thiệt đơn thiệt kép, phiền nhiễu mỗi khi gặp vấn đề về thẻ (Nguồn ảnh minh hoạ: Internet)
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng các chủ thẻ ATM không nên để mã số cá nhân PIN dễ suy đoán như ngày sinh, số CMND hay dãy số thông dụng 123456… đồng thời nên thường xuyên đổi mã số cá nhân, tránh chuyện cho mượn thẻ hoặc dùng chung thẻ với người khác.

Một lưu ý khác nữa đó là, trước khi rút tiền, chủ thẻ ATM nên dành một chút thời gian để ý xem có những dấu hiệu bất thường nào như: có vệt băng dính, vết keo dán, tem niêm phong bị rách … trên máy ATM mình đang chuẩn bị thực hiện các giao dịch hay không.

Thông thường, những chỗ có thể lắp đặt thiết bị trộm thông tin thẻ ATM cũng là nơi được dán tem niêm phong có chữ ký của cán bộ quản lý ATM. Trong trường hợp tem không còn nguyên vẹn hoặc sai chữ ký, nhiều khả năng chúng đã bị bọn trộm lén cài các thiết bị theo dõi lên đó.

Do vậy, nếu phát hiện thấy điều trên, chủ thẻ nên báo với cán bộ quản lý ATM để họ kiểm tra thiết bị và báo cho bộ phận liên quan thay vì tiếp tục rút tiền trong tài khoản của mình.

Khách hàng cũng có thể báo tin qua các đường dây nóng của ngân hàng – nơi họ mở tài khoản hoặc các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để họ cử cán bộ chuyên trách tới kiểm tra các cây ATM. Nếu có các thiết bị lạ, ngân hàng sẽ nhanh chóng khoanh vùng các thẻ có nguy cơ bị lộ thông tin, khóa khẩn cấp và tư vấn khách hàng đổi mã số cá nhân PIN.

Trong trường hợp, chủ thẻ phát hiện tài khoản của mình bị trộm hoặc có biến động, việc báo ngay với ngân hàng để họ khoá tài khoản là điều cần thiết bởi khi đó, ngân hàng sẽ tích cực và chủ động phối hợp tối đa với Hội thẻ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức chuyển mạch trong nước, các ngân hàng liên minh và chính chủ thẻ để xác minh các khiếu nại, tra soát của khách hàng.

Ngoài ra, họ cũng sẽ phối hợp với khách để xác minh và xử lý. Nếu đúng như khách hàng phản ánh, ngân hàng đó sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng, đồng thời tiến hành làm lại thẻ và hoàn trả số tiền đã mất cho khách hàng.

(Theo VTC News)