Đoàn Nguyên Đức có thể trở thành tỷ phú thế giới như “lời thề” của ông. Nhưng muốn thế, HAGL phải trải qua một khúc ngoặt không êm dịu trên con đường của mình.

TIN BÀI KHÁC

Nếu không có gì thay đổi, khúc ngoặt có tính quyết định này sẽ dẫn đến điểm cuối: năm 2014.

Nếu Hoàng Anh Gia Lai (HAG) không bất ngờ bị Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Mỹ Standard & Poor (S&P) hạ bậc tín nhiệm từ ‘B’ xuống ‘B-’ vào tháng 12/2011, có lẽ giấc mơ trở thành “tỷ phú thế giới” của ông Đoàn Nguyên Đức sẽ có cơ hội được hiện thực hóa sớm hơn.

Vào tháng 10/2011, trong một sự kiện gây chú ý không kém động thái hạ bậc của S&P, ông Đức đã được chọn là nhân vật đại diện duy nhất cho giới doanh thương Việt Nam tham dự giải thưởng Doanh nhân toàn cầu của Ernst & Young tại Monte Carlo, Monaco sẽ diễn ra vào tháng 6/2012.

Còn ngay trước tháng 10/2011, Wall Street Journal - một tờ báo có uy tín bậc nhất trong hệ thống truyền thông tài chính của Mỹ, đã bình chọn Đoàn Nguyên Đức là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.

“Chú Sam” của Việt Nam?

Tất nhiên, có nhiều tiêu chí để xác định điều được gọi là “đẳng cấp quyền lực” theo cách nhìn của riêng Phố Wall. Nếu chỉ đơn thuần xem xét tiêu chí tài sản, người mà báo giới và túc cầu giáo ở Việt Nam vẫn thường đề cập như biệt danh “bầu Đức” có lẽ không thể sánh nổi với giới tỷ phú đô la của những quốc gia mới nổi như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, hay đặc biệt là Trung Quốc với số lượng tỷ phú đột ngột dâng cao, chỉ xếp sau Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Quyền lực của cá nhân chính trị và cá thể doanh thương không chỉ được tượng trưng bằng những hình thức phô bày không kém tính tượng trưng. Hiểu theo góc cạnh ẩn ý và có văn hóa hơn, khái niệm về quyền lực còn tựu trung ở tư tưởng và phong cách của cá nhân lãnh đạo.

Dĩ nhiên, không nên quá cường điệu vai trò của một tỷ phú Việt Nam, chẳng hạn thông qua cách gán cho Đoàn Nguyên Đức một cái mác nào đó mang tính tư tưởng hay điều gì đó đại loại như thế.

Ông Đoàn Nguyên Đức được coi là doanh nhân dám nghĩ, dám làm trong giới làm ăn Việt Nam

Trong đời sống hàng ngày, đây là một con người đơn giản về sinh hoạt, nhưng có sức làm việc kiên trì, lấy công việc làm niềm vui và có lẽ là lẽ sống của đời mình. Tiền đẻ ra công việc, và công việc lại sinh sôi ra tiền – một chuỗi suy luận tất yếu để một cá nhân như ông Đức, dù muốn hay không, cũng bắt buộc phải được xếp vào hàng ngũ những người có đẳng cấp về kinh doanh theo quan niệm không chỉ là tiêu chí của những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Quyền lực còn thuộc về phong cách lãnh đạo. Không nhất thiết phải là một nhân vật sở hữu quá nhiều cổ phiếu hay bất động sản, nhưng có lẽ Đoàn Nguyên Đức đã từ lâu trở thành một trong số hiếm hoi doanh nhân dám phơi bày về bản thể của mình, cả mặt tốt lẫn hạn chế.

Cái tính cách dám phơi bày ấy được biểu hiện bởi sự phô bày một cách đơn giản, chứ không nhằm phức tạp hóa, về nhận thức xã hội cũng như về công việc điều hành của mình.

Khó tìm thấy những triết lý thâm sâu hay ẩn dụ cấp độ cao trong những bài trả lời phỏng vấn báo chí của Đoàn Nguyên Đức. Hiểu một cách đơn giản, ông không né tránh nguồn gốc nông dân của mình khi cố gắng biểu hiện phong cách “bình dân hóa đại gia”.

Đối với người phương Tây, đặc biệt là giới tư bản ở Mỹ vốn đang mang truyền thống của “Chú Sam”, phong cách có thể tạo nên tư cách riêng biệt. Những “huyền thoại” như “Chú Sam” không mặc cảm với xuất xứ chân đất và vị trí một người làm công của mình, hoàn toàn có đủ tư cách để đứng vào hàng ngũ những người lãnh đạo kinh doanh, tất nhiên với điều kiện anh ta gặt hái sự thành công.

Ở Việt Nam, tâm lý xóa bỏ mặc cảm về “nền văn hóa lúa nước” đã chưa được tạo dựng đủ nhiều và đủ sâu để giới doanh thương đất nước này vươn lên một tầm cao dân trí mới. Chính vì thế, phong cách khá bộc trực của Đoàn Nguyên Đức, tiêu biểu là mục tiêu trở thành tỷ phú thế giới, đã vô hình trung làm cho nhân vật này nổi bật hơn hẳn những doanh gia trưởng giả khác.

Khúc ngoặt đầu tiên

Nhưng con đường của HAG cũng có những chỗ gập ghềnh.

Có lẽ dấu hiệu đầu tiên của khúc ngoặt khó khăn là vào đầu năm 2009, khi Đoàn Nguyên Đức bắt buộc phải tiến hành một hành động chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tồn tại của HAG: giảm đến 40% giá bán tại một dự án căn hộ cao cấp ở quận 2, TP.HCM.

Tất nhiên theo cách tính toán riêng của ông Đức, với một lượng lớn đất thu gom với giá rất rẻ (so với thời giá hiện nay) từ những năm 2002-2003, hoạt động bán căn hộ của ông, dù có bị những người trong giới BĐS coi là hành vi bán tháo hay phá giá thị trường, vẫn còn có lãi.

Nhưng nếu hạch toán đầy đủ cả những khoản bị “thất thoát” do các dự án căn hộ bị ngâm vốn, cùng với lãi vay ngân hàng, tình hình của năm 2011 đã trở nên khác biệt khá nhiều so với thời gian trước.

Quý 2/2011 đã bắt đầu ghi nhận một dấu hỏi về thực chất tình hình tài chính của HAG. Tại một báo cáo riêng lẻ trước đó, công ty này công bố mức lỗ 114 tỷ đồng. Con số này đã ngay lập tức gây tác động ở mức độ vừa phải đến thị trường BĐS. Mặc dù sau đó trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của quý 2, HAG đã điều chỉnh lỗ thành lãi với con số mới là dương 260 tỷ đồng, nhưng nhiều người trong và cả ngoài giới BĐS đã bắt đầu cảm nhận về một cái gì đó bất ổn từ HAG.

Sự bất ổn trên có lẽ xuất phát từ việc các khoản chi phí đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có những khoản mà HAG phải trả lãi vay cho ngân hàng, đặc biệt là lãi vay ngắn hạn.

Những cảm nhận về khó khăn tài chính của HAG cũng làm ảnh hưởng đến tính xác thực của con số 2.400 tỷ đồng mà vào tháng 4/2011, Đoàn Nguyên Đức đã phát đi như một thông điệp đầy bất ngờ trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp BĐS đang bị xem là “chết lâm sàng”, là sẽ dùng số tiền dư dật hiếm có này để săn mua đất nền giá rẻ.

Đến tháng 11/2011, khi câu chuyện về 2.400 tỷ trên đã trôi vào quên lãng, kết quả kinh doanh quý 3 của HAG lại cho thấy công ty mẹ chỉ đạt 293 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng điểm hết sức đáng lo ngại là trước đó, HAG đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 của công ty mẹ với lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng!

Một lần nữa, chi phí lãi vay và chi phí bán hàng tăng vọt lại là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hiệu quả của HAG. Đến lúc này, người ta đã có thể nhận ra là công ty này không còn nằm trong diện khó khăn bình thường, mà đã thật sự lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan - một tình trạng rất phổ biến đối với hầu hết doanh nghiệp BĐS ở Việt Nam trong cùng bối cảnh.

Chưa bao giờ trong lịch sử hoạt động của mình, HAG lại bị tồn một lượng hàng với giá trị lớn đến như thời gian năm 2011 - gần 3.000 tỷ đồng - chủ yếu nằm trong khối căn hộ chưa thể tiêu thụ được. Nửa cuối năm 2011 cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của các doanh nghiệp BĐS khi khối này đã hầu như chẳng bán được dù vài phần trăm sản phẩm.

Tất nhiên không đại gia nào, dù trong hoàn cảnh bĩ cực, lại tự vạch áo cho người khác xem lưng. Thế nên cách nhìn và đánh giá về các đại gia cũng cần tự khách quan, tự minh bạch trước khi chờ những đại gia đó tỏ lòng minh bạch.

Và có lẽ cách nhìn đó cũng nên tham khảo phương pháp luận biện chứng lịch sử. HAG sẽ lấy đâu ra tiền để đầu tư đến hết năm 2012, như một tuyên bố của Đoàn Nguyên Đức vào giữa năm 2011?

(Theo Dân trí)