Thị trường thời trang những ngày giáp Tết đang dần sôi động bởi nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên. Lợi dụng tâm lý này, nhiều shop thời trang “phù phép” hàng Trung Quốc thành hàng hiệu để móc túi người tiêu dùng.

TIN BÀI KHÁC

Hàng chợ phù phép


Dạo qua các con phố tập trung nhiều hàng quần áo của Hà Nội như: Trần Nhân Tông, Hàng Đào, Cầu Giấy… chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi hàng loạt các shop thời trang mọc lên như nấm. Những tấm biển quảng cáo như mời gọi khách hàng: “Hàng mới về”, “Hàng xịn, giá siêu rẻ”, “Giảm giá 50-70%”.

Bước chân vào một shop thời trang trên phố Cầu Giấy, đập vào mắt chúng tôi là những kệ quần áo đủ loại với những thương hiệu nổi tiếng, với giá cũng hết sức “mềm”. Một chiếc quần bò Louis Vuitton, Gucci… chỉ có giá từ 250 - 600 nghìn đồng.

Khi khách hàng hỏi nhân viên bán hàng liệu đây có phải hàng hiệu “xịn” hay không, cô nhân viên đon đả và khẳng định chắc nịch: “Cửa hàng em mới nhập lô hàng này về, hàng xịn 100%. Anh cứ yên tâm mua và mặc một lần sẽ biết…”.
Quần áo Trung Quốc “phù phép” thành hàng hiệu

Người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là hàng Trung Quốc, đâu là hàng hiệu

Trong khi chủ hàng thao thao về "hàng chính hãng", một nữ khách hàng khác thẳng thắn: Hàng hiệu gì, ngoài chợ bán đầy, giá rẻ hơn ở đây bằng một nửa. Em không tin cứ lên chợ Đồng Xuân mà xem, chiếc quần bò này (chiếc quần chúng tôi đang cầm trên tay, giá ghi 600 ngàn đồng) giá chỉ 150-200 nghìn.

Thấy khách trả lại không mua, cô nhân viên đang đon đả bỗng đổi nét mặt, lầm lì rồi cầm chiếc quần treo vào chỗ cũ.

Tại chợ Đồng Xuân và một số chợ quần áo khác như: chợ Hôm, chợ Ngã Tư Sở, la liệt các chủng loại quần bò gắn mác Gucci, giá bán rẻ hơn một nửa, từ 180-250 nghìn đồng. Một chủ hàng tại chợ Đồng Xuân còn nói, "nếu mua, chị bớt cho 30 nghìn, chỉ còn 220 nghìn". Chủ sạp quần áo tại đây cho biết, chị vẫn giao hàng cho các shop thời trang trong thành phố, hàng nhập về từ Trung Quốc.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc các cửa hàng quần áo trà trộn hàng hiệu với hàng Trung Quốc không phải bây giờ mới xảy ra, mà nó đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Để trách bị móc túi, không còn cách nào khác là người tiêu dùng nên tự trang bị kiến thức cho mình để phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.

Người tiêu dùng "dễ tính"


Theo khảo sát của PV, không chỉ quần áo Trung Quốc được các shop thời trang “phù phép” thành hàng hiệu, mà ngay cả các loại phụ kiện thời trang khác như: khăn len, tất, giầy dép… cũng được gắn mác thành các thương hiệu nổi tiếng, xuất xứ từ châu Âu.

Chị Ngọc Mai, nhà ở Hoàng Mai chia sẻ: “Tuần trước, tôi đi mua một đôi giầy tại một shop giầy dép trên phố Tây Sơn với giá 1,5 triệu đồng. Họ bảo, đây là giầy nhập từ Ý. Thấy dáng cũng đẹp, giá cũng chấp nhận được nên tôi đã quyết định mua. Mấy hôm sau, tôi đi chợ, thấy có một đôi giầy y hệt như thế mà giá chỉ 500 nghìn đồng. Tôi biết mình đã bị hớ”.
Quần áo Trung Quốc “phù phép” thành hàng hiệu

Ai dám khẳng định những đôi giầy này là hàng hiệu?

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thì việc người bán bán hàng không đảm bảo chất lượng, hàng nhái là vi phạm các quy định về kinh doanh hàng hóa, cũng như vi phạm về luật bảo vệ người tiêu dùng. “Quyền của người tiêu dùng là được cung cấp thông tin chính xác về hàng hóa họ mua. Những hành vi như vậy là lừa đảo người tiêu dùng. Và người tiêu dùng có thể làm đơn kiện đến Hội và Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương” - ông Hùng nói.

Mặc dù Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực, thế nhưng khi được hỏi nếu mua phải hàng kém chất lượng, không đúng với thông tin ghi trên nhãn mác hàng hóa thì có làm đơn kiện không? Nhiều người cho rằng hàng tiêu dùng thường có giá trị nhỏ. Nếu chót mua phải hàng giả, hàng nhái thì đành chịu, vì có kiện cũng mất thời gian mà chưa chắc giải quyết được vấn đề.

(Theo Infonet)