- Trước kiến nghị tăng giá xăng dầu lần thứ 3 tới mức 1.400 đồng/lít của các DN trong vòng một tháng, nhiều người dân ngán ngẩm “cũng dễ hiểu thôi bởi lẽ cái điệp khúc này cũng lặp đi lặp lại nhiều lần rồi mà!”
Doanh nghiệp kiến nghị tăng giá xăng lên 1.400 đồng/lít
Chấn chỉnh việc 'loạn' cách tính giá xăng dầu
Khi xăng tăng giá không còn là 'cú sốc'
Tăng theo giá xăng cũng không dễ
Tính tổng thể từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại, giá xăng dầu trong nước đã có 9 lần điều chỉnh với 4 lần tăng và 5 lần giảm. Thực tế cho thấy tổng số 4 lần tăng, giá xăng tăng tới 4.300 đồng/ lít, trong khi sau 5 lần giảm, mức giá chỉ hạ xuống 3.200 đồng. Số lần giảm nhiều hơn nhưng cũng chỉ bằng 2/3 số tiền của các lần tăng giá.
Huỳnh – sinh viên năm nhất đại đại học Ngoại Thương chia sẻ: “Chưa đầy 1 tháng mà mức xăng đã tăng gần 2.400 đồng/lít, vậy mà khi giảm chỉ nhỏ giọt vài trăm đồng. Người nghèo, sinh viên như mình làm sao chịu nổi kiểu tăng giá vù vù đó, vật giá thì leo thang theo hàng ngày”.
Nghe chuyện xăng dầu rục rịch tăng, anh Sự, nhân viên văn phòng Công ty vận chuyển Kiến Lửa ngán ngẩm nói: “Nghề của tôi là vận chuyển nên một ngày phải đi ít nhất 300 – 400 ngàn tiền xăng, nhưng hơn một tháng này xăng tăng đã nuốt thêm của tôi ít nhất mỗi tháng 200 ngàn nữa. Những người đi lại ít thì không sao nhưng với những doanh nghiệp lớn làm vận tải hành khách hay vận chuyển hàng hóa thì là cả một vấn đề lớn!”
Kịch bản giảm nhỏ giọt, tăng dồn dập đã trở nên quá quen thuộc đến mức, nhiều người tiêu dùng chỉ biết than trời “chịu thua”. |
Cùng lĩnh vực vận tải, vị giám đốc công ty TNHH Thành Thắng tên Thành bức xúc: “Cũng vì giá xăng tăng đến chóng mặt mà mỗi khi đưa khách lên xe chúng tôi đều bị phàn nàn, “sao giá vé liên tục tăng?”
Anh Thành cho biết thêm: “Ngay từ mấy tháng trước, do gia xăng dầu cộng với tiền phí cầu đường quá lớn chúng tôi chỉ dám tăng giá vé từ 80 ngàn lên 100 ngàn/vé. Từ đó đến nay không dám tăng, cũng đành gánh cùng khách thôi. Nếu tăng giá tiếp thì chắc chắn lượng khách và hàng hóa luân chuyển sẽ giảm đi rất nhiều”.
Chuyện giá xăng luôn khiến những người hành nghề xe ôm đau đầu. Hỏi chuyện liệu có tăng giá theo xăng nữa không, một bác xe ôm ở bến xe Mỹ Đình lắc đầu: “Trong hoàn cảnh muốn thứ đều chạy đua tăng giá như thế này, giờ nếu mình tăng giá nữa thì ai dám đi xe ôm. Xăng tăng thì mặc xăng tăng, mình tăng thì chỉ còn cách bỏ nghề thôi chú à!”
Hy vọng nhà nước cải thiện giá cả leo thang
Trong khi nhiều người chỉ còn biết than thở và trút giận trên các diễn đàn cũng như các trang báo thì cũng có những người dân lại hy vọng Nhà nước có một chính sách thích hợp để giảm bớt nguy cơ tăng nhiệt giá nhiên liệu này.
Chị Hoa, nhân viên kế toán trong công ty nội thất Sài Thành than thở: “Chỉ còn biết mong Nhà nước có chính sách làm sao trong thời gian sớm nhất cải thiện được tình hình giá cả leo thang vô tội vạ như thế này. Nhiều ông cứ bảo ở do giá ở Singaspore và các nước xung quanh giá xăng, ga hay điện cao hơn ở mình, nhưng nếu tính so sánh với thu nhập ở Việt Nam thì giá điện, xăng, ga ở Việt Nam chắc chắn cao hơn rồi!”
“Sao không thấy doanh nghiệp đầu mối nào xin đề nghị giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống mức 0%, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất đang điêu đứng và người tiêu dùng đang chịu nhiều sức ép với bao gánh nặng chất lên vai?” chị Hoa nói.
Tài Tiến