Những năm gần đây, nhiều khoản đầu tư lớn của các DN không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí trở thành “trái đắng”. Đầu tư không hiệu quả, nhưng DN muốn rút ra cũng không dễ.
Thua lỗ đậm, kinh doanh nhỏ tháo chạy
Thua lỗ, đại gia CK nào tiếp tục 'ngã ngựa'?
Đối với Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Dự án Xi măng Cẩm Phả là một "nỗi đau". Chính việc đầu tư quá nhiều tiền vào dự án xi măng trong bối cảnh ngành xây dựng, vật liệu xây dựng gặp khó đã khiến Vinaconex bị đẩy vào nguy cơ mất thanh khoản cuối năm 2011. Đến thời điểm này, những khó khăn về thanh khoản của Tổng công ty đã được giải quyết, nhưng bài toán về cơ cấu tài sản, làm tăng hiệu quả đầu tư vẫn chưa được giải và nguồn vốn cho các dự án dang dở chưa được giải quyết, nếu nút thắt chính là Xi măng Cẩm Phả chưa được gỡ.
Tại CTCP 584 (NTB), báo cáo tài chính các năm từ 2009 đến nay cho thấy, Công ty có khoản phải thu nội bộ lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm. Năm 2009 là năm đầu tiên NTB xuất hiện khoản phải thu nội bộ này, với giá trị tại thời điểm 31/12/2009 là hơn 385 tỷ đồng, trên tổng tài sản 1.540 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 229 tỷ đồng, vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, đây thực chất là giá trị đầu tư qua Mỹ theo Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 80/BKHĐTTRNN ngày 6/11/2007 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp.
Đến cuối năm 2010, giá trị khoản đầu tư này của NTB tăng lên 539 tỷ đồng, được hạch toán là khoản phải thu Văn phòng 584 tại Mỹ. Thời điểm đó, vốn điều lệ của Công ty tăng lên mức 360 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu hơn 558 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 2.104,8 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, giá trị khoản đầu tư qua Mỹ chiếm tới gần 97% vốn chủ sở hữu của NTB và hơn 25% tổng giá trị tài sản.
Sang năm 2011, khoản đầu tư qua Mỹ nêu trên của NTB tăng lên 592 tỷ đồng vào thời điểm kết thúc năm tài chính. Đáng chú ý, báo cáo tài chính năm 2011 của NTB bất ngờ xuất hiện khoản phải trả dài hạn CTCP Bất động sản Đại Hưng 527 tỷ đồng. Đây chính là khoản phải trả, phải nộp liên quan đến khoản đầu tư qua Mỹ của Công ty.
Trên thực tế, hơn 2 năm (từ năm 2009 đến năm 2011), khoản đầu tư qua Mỹ có giá trị lớn so với tổng vốn chủ sở hữu, nhưng nghiên cứu chi tiết các báo cáo thu nhập của NTB trong 3 năm qua cho thấy, Công ty vẫn chưa thu được lợi ích gì. Năm 2009, khoản đầu tư này chủ yếu có giá trị làm tăng tổng tài sản và khoản phải trả của Công ty, nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn. Tuy nhiên, báo cáo tài chính bán niên năm 2012 cho thấy, tài sản của NTB chủ yếu là hàng tồn kho, các khoản phải thu dài hạn và Công ty bị lỗ. Thanh khoản của NTB rõ ràng đang gặp khó khăn.
Hai trường hợp khác là CTCP Tập đoàn Thái Hòa (THV) và CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) là ví dụ về những doanh nghiệp đi xuống vì những dự án mở rộng kinh doanh. THV thua lỗ nặng, hiện phải bán bớt tài sản để trả nợ, sau khi sử dụng vốn lưu động ngắn ngày để phục vụ mở rộng đầu tư quá lớn. Tuy nhiên, áp lực trả nợ vẫn chưa dừng đeo bám THV. Những khoản vay ngắn hạn đã trót dùng đầu tư mở rộng kinh doanh, nay đến hạn trả, cộng thêm lãi vay cao đã "nhấn chìm" một đơn vị kinh doanh cà phê tầm cỡ hàng đầu như THV.
Đối với TNG, dù chưa đến mức bị thua lỗ, nhưng giá trị tài sản ngắn hạn thấp hơn nhiều so với các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khiến đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục trong báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2012. Tương tự như THV, theo giải trình của Ban giám đốc TNG, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu đến từ việc Công ty sử dụng vốn vay ngắn hạn để mở rộng đầu tư.
Ngoài các DN nêu trên, thời gian gần đây, hàng loạt DN rơi vào tình trạng thua lỗ lớn, nguy cơ mất thanh khoản do trót đầu tư nhiều vào bất động sản, xi măng, tàu thủy..., nhưng không mang lại hiệu quả.
(Theo ĐTCK)