- Sau khi tăng vụt lên đỉnh cao trên 46 triệu trong vòng vài tiếng đồng hồ chiều qua, vàng đã nhanh chóng hạ nhiệt. Đến sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm sâu. Người mua vàng trong thời điểm cao giá hôm qua đã gánh mức lỗ ít nhất 300 ngàn đồng/lượng.
Lại xuất hiện vàng miếng SJC giả
Vàng vẫn quá đắt so với thế giới
Vàng tăng giá, rủi ro đầu tư đám đông
Sáng 7/9, giá vàng trong nước quay đầu giảm 250 nghìn đồng so với chiều qua, đẩy giá vàng dời khỏi mốc 46 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 9h, vàng rồng Thăng long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá ở 42,55 - 42,85 triệu đồng/lượng.
Vàng SJC tại Hà Nội của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC lúc 15h18 là 45,7 - 45,92 triệu đồng/lượng. Tại TP.HCM là 45,7 - 45,92 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng đã có dấu hiệu điều chỉnh tăng lên mức 1.700 USD/ounce. Lúc 6h sáng nay, giá vàng giao ngay theo Kitco đứng ở 1.700,7 USD/oz, tăng 7,3 USD so với giá chốt phiên trước đó.
Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 12 chốt phiên tăng 11,6 USD lên 1.705,6 USD/oz. Mức đỉnh trong phiên đạt tới 1.716,9 USD/oz, cao nhất kể từ đầu tháng 3.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá vàng duy trì trên 1.700 USD/oz sẽ tạo lực mua vào nhiều hơn nữa. Theo trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Goldman Sachs, giá vàng sẽ lên 1.840 USD/oz vào cuối năm nay.
Chiều hôm qua, dưới áp lực lo ngại giá vàng còn tăng, nhiều người dân và ngân hàng đã đổ xô đi mua vàng khiến giá vàng bị đẩy lên cao, qua mức 46 triệu đồng.
Cụ thể, đầu giờ chiều ngày 6/9, giá vàng bắt đầu được điều chỉnh theo từng phút, SJC niêm yết giá bán 45,8 triệu đồng/lượng. Đến 15 giờ, giá vàng trong nước chạm mốc 46 triệu đồng/lượng. 15 giờ 30', con số vọt lên 46,15 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau đó giá đã dần hạ nhiệt.
Như vậy, chỉ trong vòng một ngày, giá vàng đã tăng 850.000 đồng/lượng so với ngày hôm trước. Nếu chỉ tính từ tháng 8 đến nay, giá vàng đã tăng lên 4,2 triệu đồng/lượng. Đây cũng chính là đỉnh cao nhất suốt nửa năm qua.
Ở ngưỡng này, giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng. Theo quy đổi thì hiện giá vàng chỉ ở khoảng hơn 43 triệu đồng/lượng.
Tính từ tháng 8 đến nay, giá vàng đã tăng lên 4,2 triệu đồng/lượng. Vàng hiệu khác thấp hơn SJC gần 3 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng mua cắt lỗ
Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh sỉ Công ty SJC, cho biết, nhu cầu mua lấn át bán. Trong ngày 6/9, SJC mua vào 4.500 lượng, bán ra đến 5.500 lượng. Lực mua đến từ cả phía người dân và các tổ chức.
Lý giải về việc giá vàng tăng đột biến, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), cho hay, đó là do ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, trong hai ngày qua, giá vàng thế giới tăng liên tục, từ 1.690 USD/ounce - 1.695 USD/ounce đến 1.700 USD/ounce. Thứ hai, do tâm lý đón đầu xu hướng của nhà đầu tư, khi giá vàng thế giới phá mốc trên 1.700 USD/ounce, theo giờ Việt Nam là 13 giờ chiều, nhà đầu tư đã tranh thủ mua vào. Thứ ba, do thị trường gần như chỉ có cầu trong khi cung quá thấp. Điều này lại càng tạo lực đẩy cho giá vàng trong nước tăng vọt.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguồn cầu nào chủ lực gây ra sự đột biến trên. Theo nhiều chuyên gia, nguồn cầu lớn nhất đến từ chính phía các ngân hàng. Lãnh đạo một công ty vàng cho biết liên tục nhận được điện thoại của các đại lý lớn hỏi mua vàng SJC. Những đại lý này cho biết họ gom vàng SJC để bán cho ngân hàng, họ gom ở những đại lý nhỏ không đủ nên phải quay qua các công ty vàng lớn.
Theo đó, giá vàng trong nước liên tục gia tăng cách biệt với giá vàng thế giới là do lực mua để cắt lỗ. Ba tháng trước khi vàng ở mức 41 triệu đồng/lượng, nhiều ngân hàng đã chuyển vàng sang VND để hưởng chênh lệch lãi suất. Từ cuối tháng 8 đến nay giá vàng đã tăng khoảng 11,2% buộc họ phải mua vào để cắt lỗ.
Việc mua vàng này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu chi trả cho một bộ phận người dân đáo hạn gửi vàng có nhu cầu rút vàng ra bán. Theo ông Hải, từ các động thái trên cho thấy số vàng hơn 1,7 tấn mà SJC gia công hầu như không đi ra ngoài thị trường mà chủ yếu đáp ứng thanh khoản cho vốn vàng đã chuyển thành VND trước đây.
Chuyên gia từ SJC, cho hay: Người mua vàng chủ yếu là doanh nghiệp, tổ chức - là ngân hàng - chứ người dân mua không đáng kể. Một số ngân hàng trước đây đã bán vàng ra, bây giờ giá vàng tăng thì phải mua vào để đảm bảo thanh khoản.
Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo một công ty vàng nói: “Đó gọi là buôn lãi suất. Giả sử khi giá vàng ở mức 41 triệu đồng/lượng, ngân hàng nhận định xu hướng giá vàng đi xuống nên bán ra. Sau đó, họ lấy VND để cho vay lãi suất cao. Và trong phạm vi giá vàng khoảng 42, 43 triệu đồng/lượng thì ngân hàng có thể chịu được. Nhưng khi giá vàng vượt lên ngưỡng 45-46 triệu đồng/lượng thì lãi suất VND không đủ bù cho giá vàng. Bởi vậy họ phải nhanh chóng cắt lỗ bằng cách mua vào.
Đây cũng là nguyên nhân khiến lực mua nhiều hơn lực bán trên thị trường hiện nay và lợi dùng điều này, giới kinh doanh vàng đã tranh thủ làm giá.
PV