- Mitt Romney - ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hoà, được cho là có nhiều lợi thế về khả năng điều hành, quản lý kinh tế so với đương kim tổng thống và được trông đợi là sẽ vực dậy nền kinh tế số một thế giới.
Thất nghiệp: 'Gót chân Achilles' cản đường Obama
Hành trình làm giàu của Tổng thống Obama
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn khởi động nhưng dự báo đây sẽ là một đợt tranh cử hấp dẫn. Điều tra của một số tờ báo lớn của Mỹ cho biết tỷ lệ ủng hộ hai ứng viên Tổng thông chênh lệch khá sít sao. Đảng Cộng hòa đã lựa chọn ra được gương mặt triển vọng nhất tại đại hội Đảng vào cuối tháng 8 vừa qua - Mitt Romney - với hy vọng giành lại ngôi vị đứng đầu Nhà trắng sau 4 năm vắng bóng. Ông được cho là có nhiều lợi thế về khả năng điều hành, quản lý kinh tế so với đương kim Tổng thống và được trông đợi là sẽ vực dậy nền kinh tế số một thế giới.
Chính sách của giới nhà giàu
Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa tại bang Florida đã chính thức đề cử ông Mitt Romney cùng Chủ tịch ủy ban Ngân sách Hạ viện Paul Ryan là liên danh của đảng ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay. Trong bài phát biểu tại đại hội, ứng viên Romney đã gay gắt chỉ trích khả năng điều hành của chính quyền Obama đồng thời cam kết chấn hưng nền kinh tế Mỹ vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông hứa hẹn sẽ giúp Mỹ có thể tự cung ứng nhu cầu năng lượng, tự do hóa thương mại và nhất là cam kết sẽ tạo ra khoảng 12 triệu việc làm thông qua chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này sẽ đánh vào đúng tâm lý của cử tri Mỹ hiện nay.
Theo một khảo sát của báo Washington Post, kinh tế và việc làm đang là vấn đề quan trọng nhất chi phối sự lựa chọn của cử tri Mỹ. Nhà triệu phú này cũng hứa sẽ làm giảm thâm hụt ngân sách của cường quốc số một thế giới, vấn đề đau đầu của Mỹ trong suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống gần đây. Thâm hụt ngân sách hiện nay của Mỹ đã vào khoảng 70% GDP, mức cao nhất kể từ năm 1950 và gần gấp đôi so với 5 năm trước khi kinh tế Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái.
Nhưng ông Mitt Romney vẫn chưa có những biện pháp rõ ràng để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách của Mỹ hiện nay (ảnh biography.com) |
Để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri, ông Romney đã tập trung vào lĩnh vực kinh tế, tấn công vào những điểm yếu của Obama về điều hành kinh tế. Ông phản đối việc cắt giảm chi tiêu dành cho quốc phòng, dọa sẽ thay đổi đạo luật về chăm sóc sức khỏe của tổng thống Obama. Dường như chính sách của "nhà giàu" Romney đã đụng chạm tới quyền lợi của bộ phận dân chúng thuộc tầng lớp dưới, trong khi đó chính quyền đương nhiệm lại cam kết sẽ không cắt giảm chi tiêu của liên bang dành cho tầng lớp nghèo khổ, gồm những người có thu nhập thấp và người cao tuổi và có chủ trương điều chỉnh khoảng cách thu nhập của các tầng lớp trong xã hội.
Một khảo sát tại Mỹ cho biết khoảng 56% các nhà đầu tư có tài sản từ 500.000 đến 1 triệu USD dự định sẽ bỏ phiếu cho ông Romney. Đây là điều không quá ngạc nhiên bởi trong dư luận Mỹ, người ta coi Obama là tổng thống của tầng lớp bình dân, còn triệu phú Mitt Romney chắc chắn sẽ đại diện cho quyền lợi của giới nhà giàu Mỹ. Do vậy, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay còn là một cuộc đấu tranh trong xã hội giữa 99% tầng lớp bình dân của nước Mỹ và 1% các đại gia của cường quốc này.
Những khó khăn chồng chất
Bức tranh kinh tế Mỹ hiện khá u ám. Cỗ máy kinh tế đang được vận hành trong điều kiện bị "khô dầu" và những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu khiến tương lai của cường quốc này trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2012 đang suy giảm, từ 1,9% trong quý I xuống còn 1,7% trong quý II và được dự đoán sẽ chỉ duy trì ở mức 1,7% trong nửa cuối năm 2012. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. Các nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu chiếm khoảng 14% trên 20% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường châu Âu của Mỹ.
Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ sáu tháng đầu năm cũng đã tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 290 tỷ USD, trong đó thâm hụt với nền kinh tế thứ 2 thế giới lên tới 145 tỷ, tức khoảng 50% thâm hụt thương mại của Mỹ. Chính việc liên tục bị thâm hụt thương mại đã lấy đi của Mỹ 2,7 triệu việc làm trong giai đoạn 10 năm qua, từ 2001-2011, trong đó chủ yếu là công việc trong công nghiệp chế tạo.
Trong suốt 4 năm tại vị của Obama, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chưa bao giờ xuống dưới mức 7,8% và thậm chí còn dao động lên trên mức 8% trong thời gian gần đây. Thâm hụt tài chính của Mỹ luôn ở trên ngưỡng 1.000 tỷ USD trong suốt 4 năm bất chấp những nỗ lực của chính quyền đương nhiệm. Ông Obama cho rằng tình hình bi đát của kinh tế Mỹ hiện nay là hậu quả tất yếu của chính sách kinh tế dưới thời cựu tổng thống Bush.
Như vậy, tình hình khó khăn hiện nay chính là một lợi thế của bộ đôi Romney - Ryan của đảng Cộng hòa, bởi họ được xem là có nhiều kinh nghiệm hơn trong quản lý và điều hành kinh tế. Chính việc lựa chọn Chủ tịch ủy ban Ngân sách Hạ viện Ryan với "kế hoạch Ryan" gây nhiều tranh cãi (kế hoạch cắt giảm chi tiêu gồm các chương trình Medicare, Medicaid dành cho người già và thu nhập thấp) được xem là một quyết tâm muốn giải bài toán thâm hụt ngân sách mà ông Romney muốn gửi tới các cử tri.
Mặc dù ông Romney khẳng định ông có thể làm một lúc hai việc, nhưng dường như việc cắt giảm mạnh các khoản thuế và xử lý nợ công khổng lồ của Mỹ đang mâu thuẫn với nhau (Mỹ là nước có mức nợ công lớn thứ hai thế giới, đạt gần 11 ngàn tỷ USD, sau Nhật Bản, theo Economist). Ông Mitt Romney vẫn chưa có những biện pháp rõ ràng để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách và đây sẽ là vấn đề mấu chốt quyết định thắng lợi của ông Romney trong cuộc đua vào Nhà trắng.
A Vũ (Tổng hợp)