Ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính tiền tệ quốc gia - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia - cho biết, đến nay, giai đoạn 1 đã đạt được kết quả quan trọng.
Đã nợ xấu còn tham đòi giá cao?
Nợ xấu ngân hàng được giấu như thế nào?
Nợ xấu: Chưa nắm rõ, khó xử lý
Hoạt động thị trường liên ngân hàng đã được chấn chỉnh theo hướng minh bạch hơn. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng khá ổn định và giảm mạnh từ mức trên 20% xuống còn 10% - 12%, tùy thuộc vào kỳ hạn.
Nhiều ngân hàng thương mại quy mô vừa trở lên đều có dự trữ vốn khả dụng tốt. Tăng trưởng huy động vốn từ dân cư khá cao, kể cả nội tệ và ngoại tệ.
Với giai đoạn 2 là xử lý nợ xấu, ông Nghĩa cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành hành loạt các quy định tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tái cơ cấu lại nợ, như giãn nợ, giảm lãi suất, đẩy mạnh thủ tục pháp lý để xử lý nợ...
Ngân hàng Nhà nước cũng trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn giảm một số loại thuế, phí đối với các ngân hàng được xử lý mua bán, sáp nhập.
"Đặc biệt, NHNN đã trình Chính phủ Đề án thành lập công ty mua bán nợ tập trung để xử lý trên quy mô lớn nợ xấu - vật cản chủ yếu đối với việc bình thường hóa quan hệ tín dụng, tạo ra dòng chảy hợp lý về vốn của nền kinh tế", ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, quy mô nợ xấu là khá lớn, vượt quá khả năng tự xử lý các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, vì vậy, nhất thiết phải đưa vào nguồn vốn của Nhà nước. Vốn cần nhiều hay ít lại phụ thuộc vào vòng quay của mua nợ và bán nợ nhanh hay chậm, ông Nghĩa cho biết thêm.
Với giai đoạn 3, các chương trình tái cơ cấu cũng đã được NHNN chuẩn bị, bằng việc chuẩn bị ban hành một số quy định sửa đổi Quyết định 493 về phân loại tài sản, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, các quyết định về chỉ tiêu an toàn hệ thống, về công khai minh bạch tài chính, về chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính ...
"Nếu các thao tác pháp lý thuận lợi thì năm 2013 sẽ là năm trọng tâm của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và có thể kết thúc vào năm 2015", ông Nghĩa nói.
Để giải quyết tình trạng đóng băng tín dụng do nợ xấu khi chưa có công ty mua bán nợ tập trung, ông Nghĩa cho rằng, Chính phủ nên quyết định cho phép NHNN và ngân hàng thương mại sử dụng dự phòng rủi ro để khoanh nợ xấu (đưa ra ngoại bảng, không thu lãi) và cho vay mới đối với các doanh nghiệp có nợ xấu nhưng có khả năng phục hồi và phát triển. Đặc biệt là cho vay vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, ổn định kinh tế - xã hội lấy lại lòng tin cho doanh nghiệp.
(Theo Vneconomy)