(VEF.VN)- Bộ Công Thương đã chính thức bác đề nghị của Bộ Tài chính về việc đưa xăng dầu vào danh mục hàng tiêu dùng nhập khẩu phải nộp thuế ngay.

Như VietnamNet đã đưa tin, để phòng chống gian lận trốn thuế, gây thất thu ngân sách trong công tác hải quan, hồi tháng 8, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương đưa xăng dầu vào danh mục hàng tiêu dùng nhập khẩu. Mục đích là để bắt buộc các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải nộp thuế ngay khi thực hiện thủ tục mở tờ khai thông quan hàng hóa mà không được ân hạn thời gian nộp thuế là 30 ngày như hiện hành.

Khi đó, thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, có những chủng loại xăng dầu ô tô, xe máy là mặt hàng phục vụ tiêu dùng nên không có lý do gì được ân hạn thuế như các loại hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất kinh doanh.

Trong công văn hồi âm tới Bộ Tài chính mới đây, Bộ Công Thương cho biết, chủng loại xăng dầu mà Bộ Tài chính đề nghị “siết chặt” chính sách thuế là xăng động cơ và dầu diesel cho ô tô. Trên thực tế, ngoài việc phục vụ đi lại cho người dân như xăng dầu cho ô tô, xe máy cá nhân thì một lượng lớn xăng dầu chủng loại này còn phục vụ cho các phương tiện vận tải khác hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận chuyển hành khác, hàng hóa…. Đây cũng là các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mặt khác, xăng dầu là mặt hàng có giá trị lớn nên số tiền nộp các loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng rất lớn. Nếu phải nộp ngay thuế để được thông quan thì chính sách này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, nhất là trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu còn khó khăn. Điều này sẽ có hệ lụy xấu là làm tăng giá thành xăng dầu, ảnh hưởng tiến độ nhập khẩu và khả năng đảm bảo nguồn cung trong nước.

Với các phân tích trên, Bộ Công Thương bày tỏ, việc đề nghị bổ sung xăng dầu vào danh mục hàng tiêu dùng để xác định thời hạn nộp thuế của Bộ Tài chính là chưa hợp lý và chưa có cơ sở thực hiện.

Không chỉ ở lĩnh vực xăng dầu, việc phải nộp thuế ngay khi thông quan cũng đang là vấn đề gây tranh cãi, bức xúc cho các doanh nghiệp ngành dệt may.

Theo dự thảo sửa Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính dự kiến bỏ ân hạn 275 ngày đối với nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp sẽ chỉ được hưởng ân hạn này khi có bảo lãnh tín dụng từ ngân hàng. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế khi hàng hóa xuất đi.

Hiệp hội Dệt may đã gửi văn bản phản đối. Ước tính nếu thực thi, ngành dệt may phải chi 800 triệu USD/năm để tạm nộp thuế trước rồi chờ hoàn thuế sau, vừa lãng phí cơ hội sử dụng nguồn vốn, vừa gây mất thời gian, gia tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Phạm Huyền