Dự án giãn dân phố cổ được TP Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư theo hình thức xã hội hoá.
Ngày 25-9, Công an Hà Nội khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của một số lãnh đạo Cty CP Vật liệu xây dựng và XNK Hồng Hà về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc chào bán bất hợp pháp căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ, chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng của khách.
Lãnh đạo mất tích, khách hàng bủa vây Cty
Sáng 25-9, trong khi cơ quan điều tra đang khám xét nơi làm việc của một số lãnh đạo Cty (gọi tắt là Cty Hồng Hà), bên ngoài trụ sở của Cty này tại 109 Trường Chinh (quận Đống Đa) có rất đông khách hàng mang theo băng rôn vây kín để đòi lại tiền đã góp vốn mua căn hộ tại dự án giãn dân phố cổ.
Trao đổi với PV, anh Sơn ở quận Ba Đình cho biết, từ cuối năm 2010, anh và nhiều khách hàng được môi giới mua căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ với giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2 (tiền chênh lệch 800.000 đồng/m2 đến 2 triệu đồng/m2).
Khi giới thiệu, các sàn giao dịch bất động sản và phía đại diện Cty Hồng Hà đã đưa ra một số giấy tờ để chứng minh tính pháp lý của dự án, trong đó có bản photo Quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm về việc giao Cty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ… Khi ký hợp đồng, Cty Hồng Hà cam kết thời gian bàn giao nhà dự kiến từ 24-30 tháng kể từ ngày khởi công; nếu trong quý II-2011 dự án chưa khởi công thì bên góp vốn được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, đồng thời phía Cty Hồng Hà sẽ hoàn lại số tiền đã góp cùng lãi suất là 3%.
Tuy nhiên, đến nay khu đất dự án vẫn chỉ là một bãi đất cỏ mọc um tùm. Nghi ngờ tính khả thi, nhiều khách hàng đòi lại tiền góp vốn song Cty Hồng Hà luôn tìm cách khất lần.
Tại thời điểm khám xét, ông Trần Ứng Thanh, Tổng giám đốc và ông Nguyễn Quốc Xương, Phó tổng giám đốc Cty Hồng Hà không có mặt.
Trong lần làm việc với cơ quan chức năng trước đây, Cty Hồng Hà cho hay đã chuyển cho ông T. (ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình) hơn 70 tỷ đồng lo thực hiện dự án. Trong khi đó, ông T. không phải là cán bộ của Cty Hồng Hà.
Tối 24-9, CQĐT thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp đối nơi ở của ông T., song ông này không có mặt tại nơi cư trú.
Rao bán căn hộ ảo
Theo tìm hiểu của PV, dự án giãn dân phố cổ được TP Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư theo hình thức xã hội hoá.
UBND quận Hoàn Kiếm đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án, trong đó có Cty Hồng Hà.
Cụ thể, ngày 23-8-2010, UBND quận Hoàn Kiếm có quyết định số 1917 về việc giao cho Cty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng.
Theo quyết định này trên cơ sở đề nghị của Cty Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm yêu cầu đơn vị này thực hiện đúng các quy định trong việc thực hiện dự án.
Cụ thể, Cty Hồng Hà có trách nhiệm liên hệ với các cấp, ngành của thành phố và quận để làm các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ; lập dự án; thiết kế kiến trúc quy hoạch và các bước khác để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy chỉ có những văn bản chấp thuận về nguyên tắc, nhưng thời gian qua Cty Hồng Hà đã ký kết với nhiều nhà đầu tư thứ phát và khách hàng rao bán căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ khi chưa được phê duyệt.
Trao đổi với PV, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết các quyết định và văn bản trên chỉ là cơ sở để Cty Hồng Hà nghiên cứu chuẩn bị lập dự án và phải trình UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt mới được triển khai.
Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, trong quá trình triển khai dự án, quận đã phát hiện Cty Hồng Hà rao bán căn hộ chưa được phê duyệt, nên đã yêu cầu đơn vị phải chấm dứt hành vi này.
UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã có thông báo chấm dứt việc nghiên cứu lập dự án giãn dân phố cổ đối với Cty Hồng Hà. Tuy nhiên, những thông tin này đã được phía Cty Hồng Hà giấu kín và vẫn tiếp tục huy động vốn của hàng trăm khách hàng.
(Theo Tiền Phong)