Xin được giấy phép của NHNN chuyển đổi vàng từ vàng phi SJC sang SJC lập tức có lãi tiền tỷ. Cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng đang khiến cho những "người trong cuộc" hưởng lợi lớn.
Đã gia công xong 30.000 lượng vàng SJC
Chênh lệch giá lớn: Vàng SJC bị làm giả
Xuất hiện vàng nhái SJC
Bỗng dưng có tiền tỷ
Trước ngày 20-9, khi chưa có quyết định của NHNN về việc cho dập lại 13 tấn vàng (tương đương 350 ngàn lượng), các thương hiệu vàng miếng khác thường xuyên có mức giá bán thấp hơn vàng miếng SJC từ vài trăm tới vài triệu đồng mỗi lượng.
Các loại thương hiệu vàng miếng khác thường bán giá thấp hơn vàng SJC, thấp nhất là Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, thấp hơn SJC 3 triệu đồng mỗi lượng.
Còn vàng AAA của Tổng Cty kinh doanh vàng Agribank thấp hơn SJC 2 triệu. Một số thương hiệu vàng như ACB (của Ngân hàng ACB), Thần Tài (của Sacombank)... thì mức chênh thấp cũng vài trăm ngàn đồng mỗi lượng.
Nên thời điểm đó, những doanh nghiệp sở hữu thương hiệu vàng khác nếu được NHNN cho gia công lại thành vàng SJC, lập tức có lời bạc tỷ, nhờ tính chất độc quyền của vàng SJC.
Ví dụ như một doanh nghiệp tại Hà Nội, xin gia công lại số vàng miếng còn tồn khoảng 5.000 lượng, cuối tháng 9 vừa rồi đã được NHNN cho phép gia công sang vàng SJC 1.000 lượng.
|
Tới nay, việc gia công đã hoàn tất, và chỉ bán sang tay, DN này đã có lời khoảng 3 triệu đồng mỗi lượng, nhân với 1.000 lượng, chênh lệch lợi nhuận sau khi trừ chi phí chính thức (khoảng dưới 100.000 đồng/lượng) được khoảng gần 3 tỷ đồng.
“Khi được dập chuyển đổi chúng tôi nghiễm nhiên thu một khoản tiền không nhỏ, sau khi trừ các chi phí. Số lượng vàng sau khi chuyển đổi dù nằm trong kho vẫn phát sinh lãi. Lộ trình từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ cố gắng để xin chuyển đổi hết số lượng vàng miếng của mình sang SJC”, chủ DN này tiết lộ.
Hay như Tổng Cty Kinh doanh vàng Agribank, được cho gia công 4 tạ vàng miếng AAA (trên tổng số 6 tạ vàng), mới đây cũng đã nhận được 2.000 lượng vàng SJC (trên tổng số 11.000 lượng vàng), bán sang tay cho phía ngân hàng, cũng lời tiền tỷ từ chênh lệch giá.
Ông Nguyễn Thanh Trúc – Tổng Giám đốc Cty vàng Agribank cho biết: Khi gia công, ngoài chi phí 50.000 đồng/lượng cho phía Tổng Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn, DN còn mất thêm tiền vận chuyển vàng từ Hà Nội vào TPHCM để dập rồi sau đó lại vận chuyển ra Hà Nội. Tổng các chi phí để gia công một lượng vàng miếng sang SJC chưa đến 100.000 đồng/lượng.
Nhẩm tính, nếu gia công hết 11.000 lượng vàng AAA, mức chênh lệch giá (giữa vàng AAA và vàng SJC) tại thời điểm này khoảng trên 1 triệu đồng mỗi lượng, thì DN của ông Trúc đã lời khoảng trên chục tỷ đồng.
“DN tôi được chuyển đổi ít nên tiền lãi không đáng kể, với các doanh nghiệp khác xin dập lại hàng tấn thì tiền lãi lên tới nhiều chục tỷ đồng”, ông Trúc nói.
Tù mù xin - cho
Trong nền kinh tế thị trường, khổ nhất là dính phải cơ chế độc quyền. Càng khổ sở hơn, khi sự độc quyền này lại không rõ ràng.
Cho tới thời điểm này, việc xin “lệnh” cho dập vàng thương hiệu khác sang SJC khá tù mù, bản thân NHNN cũng không hề công bố và công khai điều kiện như thế nào thì được dập lại vàng miếng, để DN biết.
Nên tất cả phụ thuộc vào cán bộ xem xét hồ sơ và quan điểm của lãnh đạo NHNN.
Trong quyết định cho dập lại vàng miếng và chuyển đổi các thương hiệu vàng khác sang SJC ngày 20-9, các thương hiệu vàng đều được dập lại, theo kiểu ai cũng có phần, chỉ khác là nơi nhiều, nơi ít.
Số lượng của từng đơn vị cũng không được công khai, mà chỉ có con số chung là 13 tấn (tương đương khoảng 350.000 lượng), trong đó của Tổng Cty SJC 30.000 lượng (dập lại vàng SJC cong vênh), còn lại của các DN và ngân hàng.
Theo tìm hiểu, Tổng Cty kinh doanh vàng Agribank xin gia công chuyển đổi 6 tạ vàng AAA, nhưng đợt này chỉ được cấp phép chuyển đổi 4 tạ (tương đương 11.000 lượng).
Còn một DN khác tại Hà Nội có khoảng 5.000 lượng, thì chỉ xin chuyển đổi được sang vàng SJC 1.000 lượng. Còn số vàng xin chuyển đổi của một số ngân hàng và DN phía Nam, được giấu kín.
Ngay cả ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Tổng Cty SJC, đơn vị được giao gia công lại vàng, cũng không tiết lộ.
Một vài DN khi được phóng viên hỏi, cũng lắc đầu không biết việc xét duyệt số lượng vàng được chuyển đổi sang vàng SJC của NHNN dựa theo tiêu chí nào. “Lãnh đạo NHNN chỉ nói đại khái là ưu tiên một số ngân hàng và DN có số lượng lớn, thương hiệu lớn”, một DN nói.
Chưa kể, để xin được chuyển đổi, cũng mất khá nhiều thời gian. Ví dụ như Tổng Cty Kinh doanh vàng Agribank, gửi văn bản xin chuyển đổi từ tháng 5-2012 nhưng mãi đến cuối tháng 9-2012 mới có câu trả lời chính thức từ phía NHNN.
“Suốt quá trình 4 tháng đó, phía NHNN yêu cầu chúng tôi kê khai từng số sê ri, ký hiệu của từng miếng vàng”, ông Trúc cho biết.
Chưa hết, khi đã xin chuyển đổi rồi, còn phải chuyển vàng đến Tổng Cty SJC tại Sài Gòn, và “xếp hàng” chờ được họ gia công lại. Trong tổng số 350.000 lượng được giao gia công lại, đến nay phía SJC mới gia công được khoảng hơn 50.000 lượng.
“Tất nhiên, phía SJC họ phải ưu tiên dập vàng cho mình trước, sau đó mới đến các DN khác. Trong bối cảnh giá vàng các thương hiệu khác còn thấp hơn giá vàng SJC như hiện nay, được gia công sớm là kiếm lời lớn. Nên nếu cần phải xin xỏ, lobby thì cũng ráng làm để được gia công sớm”, một DN cho biết.
Đại diện một DN từng được sản xuất vàng miếng (xin không nêu tên) cho biết: “Trước đây khi có một đơn vị dập vàng miếng gia công, chúng tôi cũng như các DN khác từng bị họ ép. Cụ thể, với công suất ấy, đơn vị này dư sức dập vàng miếng cho chúng tôi bán, nhưng họ lấy lý do này nọ để không chịu dập ngay mà lưu một tháng sau từ khi nhận vàng nguyện liệu, mới trả vàng miếng theo đơn đặt hàng. Trong một tháng này, họ lấy vàng của chúng tôi để làm lời. Vì bị o ép và không được xem là thượng đế nên chúng tôi mới phải đầu tư máy móc thiết bị dập vàng miếng rất tốn kém. Nay trở lại độc quyền sản xuất vàng miếng, sẽ không tránh khỏi tình trạng tương tự”.
(Theo Tiền Phong)