Nếu nợ xấu được Chính phủ trợ giá thì nợ không còn được xem là xấu nữa mà nó sẽ đem lại một khoản lợi nhuận tương đối lớn, đủ để không ít các tổ chức phải nhòm ngó.


Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đã từng cho rằng, nợ xấu đã khiến ngân hàng không còn tin doanh nghiệp và chính giữa các ngân hàng cũng không còn lòng tin với nhau. Đó đã là vấn đề của quốc gia và chỉ có Chính phủ mới có thể giải quyết được việc này.

Dù chưa có một phương án chính thức về giải quyết vấn đề nợ xấu nhưng ý tưởng về thành lập công ty mua bán nợ xấu quốc gia (AMC) dưới sự trợ giá cho người mua của Chính phủ đang được chú ý hơn cả.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, nếu phương án này được thông qua thì nợ không còn được xem là xấu nữa mà nó sẽ đem lại một khoản lợi nhuận tương đối lớn, đủ để không ít các tổ chức phải nhòm ngó.

Bởi lẽ, giữa năm 2012 NHNN công bố tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam là 8,6% tổng dư nợ nghĩa là vào khoảng 202 nghìn tỷ đồng; các khoản nợ này đều có tài sản thế chấp gấp 1,3 lần, tương đương với 260 nghìn tỷ đồng.

Giả sử nếu các nhà đầu tư tư nhân chỉ nhấp nhận mua với giá bằng 0,5 lần mệnh giá, tức bỏ ra 100 nghìn tỷ đồng. Và cũng giả sử rằng, các nhà đầu tư và các ngân hàng, các doanh nghiệp dự báo giá của tài sản thế chấp sẽ giảm nhiều nhất là 50%, tức là các tài sản thế chấp có giá trị ít nhất là 130 nghìn tỷ đồng. Các ngân hàng đã trích một khoản dự phòng là 30 – 35%, tương đương 60 – 70 nghìn tỷ đồng.

Các ngân hàng không chịu thiệt hại nhiều hơn khoản trích lập dự phòng này, bởi nếu điều này xảy ra họ sẽ bị lỗ, vốn chủ sở hữu sẽ giảm và do vậy đẻ đảm bảo tỷ lệ vốn/tài sản theo quy định, các ngân hàng sẽ phải giảm tài sản, đòi nợ và cho tín dụng tăng âm.


Như vậy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cũng sẽ vì thế mà giảm theo, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng.

Nếu nhà nước không trợ giá, các nhà đầu tư chỉ muốn trả 100 nghìn tỷ đồng để mua nợ xấu, trong khi các ngân hàng muốn thu lại 130 – 140 nghìn tỷ đồng vì họ trích lập dự phòng rủi ro vào khoảng 60 – 70 nghìn tỷ đồng. Như vậy cung sẽ không gặp cầu.

Tuy nhiên, nếu nhà nước trợ giá khoảng 30 – 40 nghìn tỷ đồng, cầu nợ xấu của các nhà đầu tư và cung nợ xấu của các ngân hàng sẽ gặp nhau. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vay nợ sẽ không nhận được gì, họ bị mất tài sản thế chấp.

Điều này có thể dẫn đến những vấn đề về pháp lý hao công, tốn của, mất thời gian. Vấn đề có thể được giải quyết nhanh gọn khi trong mức chênh lệch 60 nghìn tỷ giữa giá trị vay và tài sản thế chấp, các doanh nghiệp được nhận một khoản nào đó, giả định là 1/3 đến 1/2 tức là khoảng 20 – 30 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, quy mô trợ giá của nhà nước sẽ vào khoảng 50 – 70 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ USD.

Với sự trợ giá của nhà nước, các nhà đầu tư sẽ thu lợi ít nhất 30 nghìn tỷ đồng, bởi họ chỉ bỏ ra thực chất là 100 nghìn tỷ đồng và thu về ít nhất 130 – 140 nghìn tỷ đồng, tức là họ chỉ mất số tiền trích lập dự phòng, còn các doanh nghiệp sẽ không bị mất trắng tài sản thế chấp. Còn doanh nghiệp sẽ nhận được một khoản tiền tương đương 20 – 30 nghìn tỷ đồng để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Nợ xấu bản chất đó là một khoản mất mát. Vấn đề là khoản thiệt hại này sẽ được chia cho những ai, ở mức độ nào? Nếu càng nhiều người gánh chịu, mọi việc sẽ dễ dàng. Nếu chỉ một số ít người phải gánh chịu mọi việc có thể sẽ không được giải quyết.

(Theo TTVN)