Cơn bão kinh tế tàn phá nước Anh từ năm 2008 vẫn chưa tan hoàn toàn. Các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa được phép nghỉ ngơi. Nhưng ít nhất thì bầu trời cũng đã quang đãng hơn trước.
Cứu đồng Euro: Nhiệm vụ số một của châu Âu
Kinh tế châu Âu trước ngưỡng suy thoái
Thời gian dài không được thấy mặt trời
Cuối năm ngoái, có nhiều ý kiến cảnh báo rằng nước Anh sẽ bước vào thời kì suy thoái kinh tế mới - dự đoán có thể làm giảm 1% tổng sản lượng quốc gia. Thực tế 9 tháng đầu năm nay cho thấy dường như mọi việc đã diễn ra theo đúng kịch bản trên. Các số liệu chính thứ công bố vào tháng 7/2012 là bằng chứng về nền kinh tế đã bị thu hẹp quý thứ 3 liên tiếp, với tổng giá trị sụt giảm là 1,3%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã phải tiến hành điều chỉnh giảm dự báo của mình về kinh tế Anh quốc. Văn phòng phụ trách các vấn đề ngân sách - cơ quan thực hiện chức năng giám sát tài chính của Anh - nhiều khả năng cũng sẽ có hành động tương tự sau khi Bộ trưởng Tài chính George Osborne đưa ra những nhận định về nền kinh tế và vấn đề tài chính công. Những ánh mắt bi quan đang chuyển dần sang tuyệt vọng vì chưa tìm thấy tia sáng nào đóng vai trò động lực giúp sưởi ấm quá trình tăng trưởng. Hy vọng về một sự phục hồi nhờ xuất khẩu và đầu tư cũng dần tiêu tan khi 40% kim ngạch xuất khẩu của nước Anh tìm đến khu vực đồng Euro, nơi còn đang phải loay hoay với khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ không còn quá mặn mà.
Vậy mà giữa lúc nước sôi lửa bỏng, vẫn còn đó một số nhân vật cảm thấy "hỉ hả" trước thực trạng nền kinh tế Anh quốc. Trong con mắt của phe đối lập là đảng Lao động và của các nhà chuyên môn Mỹ, cơn bĩ cực mà nước Anh đang phải trải qua là hệ quả tai hại tất yếu mà chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ mang lại.
Mặt khác, theo các nghị sĩ bảo thủ cánh hữu, nó chứng minh sự thiếu linh hoạt trong các nguyên tắc về lao động việc làm. Họ bảo lưu quan điểm rằng cần phải dũng cảm "mạnh tay" trong các quy định về thuế khóa và thị trường lao động thì mới mong đưa đất nước quay trở lại quỹ đạo tịnh tiến.
Trong bối cảnh mây đen bao trùm nước Anh, vẫn còn đó những tín hiệu tốt đẹp khi tăng trưởng có dấu hiệu trở lại với nền kinh tế. Đời sống người dân "dễ thở" hơn khi thu nhập thực tế tăng lên do lạm phát giảm và tiền công tiền lương được cải thiện. Các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động kinh doanh đã sôi động hơn. GDP sụt giảm trong quý II năm nay được cho là kết quả của đợt nghỉ lễ dài ngày trong ngành ngân hàng; tình hình sẽ khác khi mọi thứ trở lại bình thường và cho người ta lý do để tin tưởng GDP sẽ tăng trưởng thực dương. Tốc độ phục hồi nền kinh tế có lẽ vẫn sẽ chỉ ở mức khiêm tốn. Nhưng dù sao thì "có còn hơn không".
Chờ nhân dân... ứng cứu
Sức sống của thị trường việc làm là lý do chính cho sự lạc quan về nền kinh tế Anh. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8,1%, cao hơn mức trước khủng hoảng nhưng đã gần với mức trung bình của các nước giàu. Con số đó chưa phản ánh đúng "thực lực" của thị trường việc làm khi mà số lượng thành viên thị trường - gồm những người đang đi làm và những người đang tìm việc - đã đạt mức cao kỷ lục. Trong số các nước G7 thì chỉ có Canada, nước hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính, là có tỷ lệ việc làm cao hơn nước Anh.
Như vậy có nghĩa là một số giải pháp được khuyến nghị để "kích" nền kinh tế trở nên không thật sự cần thiết nữa. Những ai nghĩ rằng kinh tế Anh bị kìm nén bởi chính sách lao động khắt khe có lẽ chưa được nhìn thấy các số liệu thống kê về việc làm. Nói gì thì nói, nếu so sánh mức độ "gây khó dễ" thì luật lao động ở Anh chưa thấm vào đâu so với nhiều quốc gia khác.
Tình hình việc làm khả quan đã góp phần nâng cao tổng thu nhập, tạo niềm hứng khởi cho tiêu dùng. Không khí ảm đạm những năm qua khiến một lực cầu rất lớn bị dồn nén. Các hộ gia đình đã phải thắt chặt hầu bao kể từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Lạm phát do sự mất giá của đồng Bảng Anh trong khi giá dầu lại không ngừng tăng đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Áp lực tăng thuế khiến vấn đề càng thêm trầm trọng. Giờ thì lạm phát đã hạ nhiệt, thu nhập của người dân được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng sẽ mạnh mẽ hơn.
Mọi thứ đều có giới hạn của nó
Thâm hụt ngân sách 2012 nhiều khả năng sẽ vượt mức dự báo đưa ra hồi đầu năm, nguyên nhân do tổng thu không được như kỳ vọng. Điều này khiến Bộ trưởng Tài chính Osborne khó có thể đạt được một trong hai mục tiêu mà ông đặt ra, đó là: giảm số nợ công trước năm tài khóa 2015- 2016. Mà có lẽ ông Osborne nên dũng cảm "quên" nó đi ngay từ bây giờ, bởi sẽ thật "cố chấp" nếu phải siết chặt cả nền kinh tế chỉ để gặt hái được chừng đó thành tích. Mục tiêu còn lại, giảm thâm hụt ngân sách, tỏ ra thiết thực hơn. Tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một giải pháp hợp lý vì nó có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế nhiều nhất trong các loại hình đầu tư công.
Ngoài ra, cũng có nhiều biện pháp bổ trợ lẫn nhau vì mục tiêu tăng trưởng. Mặc dù gói nới lỏng định lượng (QE) của Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BOE) đã và đang phát huy tác dụng song có nhiều biểu hiện cho thấy kết quả không còn được như lúc đầu. QE chưa thể giúp khơi thông dòng chảy tín dụng chảy về các doanh nghiệp. Rất may đã kịp thời có chiến dịch "vay để cho vay" mà Bộ Tài chính và BOE phát động trong tháng 7, theo đó bơm các nguồn tiền giá rẻ vào hệ thống ngân hàng để thúc đẩy lượng tiền cho vay ra nền kinh tế. Phạm vi rộng khắp cùng cách thức thực hiện khôn ngoan đã giúp chiến dịch gặt hái được nhiều thành công hơn những ý tưởng trước đó nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng.
Cơn bão kinh tế tàn phá nước Anh từ năm 2008 vẫn chưa tan hoàn toàn. Các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa được phép nghỉ ngơi. Nhưng ít nhất thì bầu trời cũng đã quang đãng hơn trước.
PV (tổng hợp)