- Hành lang pháp lý dành cho các hoạt động của tập đoàn kinh tế hiện nay tương đối hẹp nhưng mỗi tập đoàn được thành lập thường được kỳ vọng và giao quyền quá lớn. Điều đó đã tạo ra những bất cập, để lại những bài học lớn.

Quy định chung, quản lý đặc thù

Hành lang pháp lý dành cho các hoạt động của tập đoàn kinh tế hiện nay tương đối hẹp. Các văn bản mang tính luật thì hiện tại còn hiệu lực chỉ có Luật Doanh nghiệp 2005 đề cập tới tập đoàn kinh tế nhưng rất sơ sài: “Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế.”

Chính phủ cũng đã ban hành nghị định số 109/2010/NĐ-CP quy định về thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế với nhiều quy định chung. Mỗi tập đoàn lại đều hoạt động theo điều lệ, quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ. Đây đều là những văn bản cá biệt.

PGS.TS. Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã từng nói rằng: “Vì đây là những văn bản mang tính cá biệt, áp dụng riêng cho từng tập đoàn kinh tế, nên chúng không phải là các văn bản áp dụng chung cho các tập đoàn kinh tế nhà nước. Rốt cuộc là các văn bản này không đủ cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát và bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu Nhà nước trong các tập đoàn”.

Và quả thực, các tập đoàn này có quá nhiều đặc thù, từ việc nhỏ nhất là đặt tên cũng có quy định riêng, không chịu sự điều chỉnh chung như các doanh nghiệp khác đến công tác quản trị…

Từ các đặc thù này dẫn đến vị thế cũng các tập đoàn cũng quá đặc thù. Ở đây, nhiều ý kiến đã cho rằng các tập đoàn quá nhiều quyền lực, các bộ cũng gần như không thể “quản” nổi các tập đoàn. Một hành lang pháp lý chung chung nhưng quyền lực giao cho các Chủ tịch HĐQT/HĐTV lại quá lớn đã là cơ sở để dẫn đến những sai phạm.

Chính vì những hạn chế trong quy định pháp lý nên việc kiểm soát các tập đoàn luôn là một vấn đề nổi cộm. Các tập đoàn, tổng công ty đều thành lập ban kiểm soát. Nhiệm vụ của những người này là kiểm tra, kiểm soát đảm bảo sự hoạt động đúng đắn của doanh nghiệp, kiểm soát sự điều hành của Hội đồng thành viên, Ban Điều hành nhằm đảm bảo sự tuân thủ. Tuy nhiên, sai phạm vẫn cứ sai phạm. Hệ thống kiểm toán nội bộ cũng rất lỏng lẻo, đa phần các doanh nghiệp vẫn chưa có hệ thống này vì vướng vấn đề biên chế, tổ chức và kinh phí.


Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế là cơ sở pháp lý cụ thể nhất tạo hành lang pháp lý hoạt động cho các tập đoàn kinh tế. Tuy nhiên, nghị định này chưa xác định được cụ thể vị trí độc lập, “sức mạnh” của Ban Kiểm soát, vẫn “bó chân” Ban Kiểm soát bằng những quy định về quy trình làm việc. Bản thân các Ban Kiểm soát tại các tập đoàn này cũng gần như là không có cơ quan giúp việc.

Trong khi đó, các tập đoàn hình thành quá nhiều các công ty con, công ty liên kết cũng sẽ dẫn đến những khó khăn cho việc kiểm soát đồng vốn nhà nước. Ở đây, những tập đoàn như Sông Đà có tới 230 công ty con, công ty liên kết, HUD có tới 183 công ty con, công ty liên kết. Với độ dài như vậy thì hiệu quả kiểm soát đồng vốn nhà nước ra sao? Lúc này, có lẽ, việc kiểm soát để không sai phạm dẫn đến thất thoát đã khó, chứ chưa muốn nói đến việc làm ăn có hiệu quả.

Và Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã khẳng định khi nói về sai phạm tại các doanh nghiệp nhà nước: “Các sai phạm này là sự thất bại của kiểm soát nội bộ”.

“Dấu ấn” đa ngành, đa lĩnh vực

Những đề án thành lập các tập đoàn kinh tế đều có mục tiêu biến các tập đoàn thành các đơn vị kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Và quả thực, các tập đoàn rất quán triệt tôn chỉ này thông qua việc chăm chỉ đầu tư ra ngoài ngành, mà nôm na gọi là “đánh bắt xa bờ”. Nếu ra quốc tế thì các tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc (Chaebol) thì họ hầu hết đều rất thành công trên việc đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực.

Các con số đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty cũng rất ấn tượng. Theo số liệu của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thì 21 trong 31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư ngoài ngành lên tới 22.590 tỷ đồng. Còn con số của Bộ Tài chính chốt cho năm 2010 thì tổng số tiền đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước rơi vào khoảng 21.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đầu tư vào 4 ngành rủi ro cao là chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và ngân hàng lần lượt là khoảng: 3.500 tỷ; 2.200 tỷ; 5.300 tỷ và 10.000 tỷ đồng.

Còn nếu nhìn bề nổi hơn thì có thế thấy chỉ cần qua hệ thống ngân hàng đã thấy các tập đoàn kinh tế nhà nước đều tham gia góp vốn vào các ngân hàng. Thậm chí, Công ty mẹ - Tập đoàn góp vốn vào một ngân hàng - công ty con lại góp vốn vào một ngân hàng khác. Và chính các tập đoàn này cũng có mặt trong việc vào việc gây ra tình trạng sở hữu chéo rất phức tạp hiện nay của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc đầu tư ngoài ngành thì còn phải bàn cãi nhiều, mà đại đa phần đều cho rằng không hiệu quả. Điển hình chính là EVN với sự thua lỗ riêng lĩnh vực viễn thông đã là 805 tỷ đồng và bắt buộc phải giao “con nợ” EVN Telecom về cho Viettel. Trên lĩnh vực chứng khoán thì EVN cũng dính vào “quả đắng” khi góp vốn vào Công ty chứng khoán Hà Thành. Đây là công ty chứng khoán thuộc diện yếu kém nhiều năm liền và tháng 4/2011 thì ông Chủ tịch HĐQT đã bỏ trốn để lại khoản thâm thủng 100 tỷ đồng của tài khoản công ty.

Nếu nhìn vào sự chững lại của thị trường chứng khoán, bất động sản thì chắc hẳn nhiều người sẽ không khó đoán số tiền lãi mà các tập đoàn kinh tế thu về từ trên các thị trường này nhiều hay ít.

Rất may mắn, Chính phủ đã khá “mạnh tay” yêu cầu các tập đoàn kinh tế phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là các lĩnh vực tài chính – ngân hàng – bảo hiểm – chứng khoán – bất động sản. Tuy nhiên, chắc công cuộc thoái vốn sẽ còn nhiều khó khăn. Như TKV (Vinacomin) những vẫn liên tục thất bại thoái vốn, mà mới nhất là tập đoàn này thất bại khi thoái vốn khỏi Công ty bảo hiểm SHB – Vinacomin.

Trần Anh Tuấn