Văn bản Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời kiến nghị của cử tri vừa được công bố có đề cập đến vấn đề trần lãi suất với những thông tin đáng chú ý.


Văn bản này cho biết, cử tri các tỉnh Cao Bằng và Gia Lai đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bỏ cơ chế trần lãi suất huy động vốn. Đây cũng là vấn đề được dư luận quan tâm trong hơn một năm qua.

Về đề nghị trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, việc bỏ trần lãi suất huy động là chưa phù hợp vì mặc dù thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện tích cực nhưng chưa đồng đều giữa các tổ chức tín dụng, một số tổ chức tín dụng yếu kém vẫn gặp khó khăn về thanh khoản. Nếu bỏ trần lãi suất huy động thì các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn huy động, từ đó đẩy mặt bằng lãi suất huy động tăng cao, kéo lãi suất cho vay tăng theo”.

“Trên cơ sở phân tích, đánh giá, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng tiếp tục duy trì quy định trần lãi suất huy động là chính sách tối ưu trong bối cảnh hiện nay. Khi điều kiện kinh tế vĩ mô và tiền tệ cho phép, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bỏ trần lãi suất huy động”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục duy trì quy định trần lãi suất huy động là chính sách tối ưu trong bối cảnh hiện nay

Trước đó, ngày 3/3/2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2011/TT-NHNN quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam; với các tổ chức tín dụng, mức ấn định tối đa là 14%/năm; với các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tối đa là 14,5%/năm.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng tiếp tục duy trì quy định trần lãi suất huy động là chính sách tối ưu trong bối cảnh hiện nay. Khi điều kiện kinh tế vĩ mô và tiền tệ cho phép, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bỏ trần lãi suất huy động. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Sau một năm áp cơ chế trên, trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước lần lượt có các điều chỉnh về cơ chế trần lãi suất huy động, theo hướng áp trần riêng cho các loại không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên.

Và đến nay, sau khi tiếp tục thay đổi qua Thông tư số 19/2012/TT-NHNN, cơ chế trần lãi suất huy động được tách thành ba nhóm: áp tối đa 2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; áp tối đa 9%/năm với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên các tổ chức tín dụng được ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn.

Với thông tin trả lời từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cơ chế tách ba nhóm như trên vẫn tiếp tục áp dụng, được xem là tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng kích thích nguồn tiền gửi có kỳ hạn dài, có yếu tố cạnh tranh nhất định (dù có thể khác trên thực tế) để tạo thuận lợi hơn trong cân đối cơ cấu vốn…

Cũng trong văn bản trên, cử tri tỉnh An Giang đề nghị Ngân hàng Nhà nước bỏ trần lãi suất cho vay.

Về đề nghị này, Thống đốc trả lời rằng: “Việc Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất cho vay tối đa đối với 4 lĩnh vực ưu tiên nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên được tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với mức lãi suất thấp hơn so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh đối với 4 lĩnh vực ưu tiên. Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi trở lại, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ ổn định bền vững…, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét bỏ trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên này”.

Lãi suất cho vay VND tối đa đối với 4 lĩnh vực ưu tiên là 15%/năm kể từ ngày 8/5/2012, 14%/năm kể từ 28/5/2012 và giảm xuống 13%/năm kể từ 11/6/2012.

(Theo VnEconomy)