- Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện đề án thành lập công ty mua bán nợ với nhiệm vụ chính trước mặt là tập trung xử lý nợ xấu các ngân hàng. 

Thông tin cho biết, dự kiến, vào giữa tháng tháng 11/2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình bày đề án này trước Chính phủ để thống nhất ý kiến trước khi Chính phủ trình xin ý kiến các cơ quan lãnh đạo cấp cao.

Được biết, Công ty mua bán nợ nếu ra đời sẽ đặt dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước bởi vì Ngân hàng Nhà nước là đơn vị quản lý các ngân hàng và hiểu rõ vấn đề nợ xấu như thế nào và nằm ở đâu, cách xử lý thế nào thì phù hợp.

Tuy nhiên, trong công ty này, ngoài Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm ác thành phần khác tham gia quản lý và tư vấn.
Theo một chuyên gia Ngân hàng Nhà nước, nếu công ty này hoạt động sẽ dự kiến xử lý được 60-100.000 tỷ đồng nợ xấu.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc thành lập công ty xử lý nợ là cần thiết nhưng dừng tuyệt đối hóa vai trò của công ty mua bán nợ, vì nó chỉ là một công cụ giải quyết nợ xấu thôi. Về nguyên tắc, công ty này sẽ chỉ xử lý các khoản nợ còn xử lý được, bên cạnh đó sẽ còn nhiều phương pháp khác để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả.



Thực tế, thời gian qua, dù chưa có công ty mua bán nợ nhưng Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các ngân hàng đã xử lý được 36.000 tỷ đồng nợ xấu, nhờ cơ cấu lại các khoản nợ, hoãn nợ, xóa nợ…

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc các ngân hàng tăng cường trích lập thêm dự phòng rủi ro là một biện pháp xử lý nợ xấu. Vì thế, dấu hiệu trích lập dự phòng rủi ro tăng nhanh trong quý III là một tín hiệu tốt. Đây là điều đáng mừng vì ngân hàng làm ăn có lợi nhuận và phải cắt giảm bớt lãi để tăng khả năng xử lý nợ xấu, tạo điều kiện ổn định và lành mạnh tình hình tài chính ngân hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 10 khoảng 8,8 - 10%. Trong số này, 84% nợ xấu là có tài sản đảm bảo và hiện tại các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được dự phòng rủi ro lên tới 70.000 tỷ đồng.

Đại diện NHNN cho biết, "các khoản nợ xấu chủ yếu có tài sản đảm bảo là bất động sản. Vì vậy, nếu khơi thông thị trường này, nợ xấu sẽ cơ bản được giải quyết. Thế nhưng, để làm được điều này đòi hỏi phải có sự tham gia của các bộ, ngành chứ không chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ như giảm giá phù hợp với túi tiền, bán cho người có nhu cầu thật, diện tích phù hợp...

Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, rất nhiều chuyên gia đã cho rằng, để đẩy nhanh tiến trình giải quyết nợ xấu thì không nên chỉ coi là nợ xấu của ngân hàng, mà phải hiểu đó chính là nợ xấu của nền kinh tế. Từ đó, có các giải pháp tổng thể để xử lý nợ xấu, kể cả việc "giải tỏa" 93.000 tỷ đồng tiền nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Ngọc Sơn