Gần đây trên thị trường Việt Nam người ta chứng kiến một làn sóng của cái gọi là những “phát hiện mới” gây chấn động dư luận.
Sản xuất giá đỗ bằng…hóa chất
Hóa chất có trong nho, lựu gây vô sinh
Thực phẩm nhiễm độc: Sờ đâu cũng có
Sau khi một loạt những phát hiện rùng rợn lần lượt được các cơ quan chức năng côn bố, khiến dư luận sôi sung sục lên cao trào rồi rồi tan biến trên thị trường hàng hóa nước ta ví như đồ chơi ngoại nhập có chất độc hại, thậm chí có thể gây ung thư, trong sữa có melamin, trong mực khô có ký sinh trùng gây bệnh…
Gần đây nhất một “phát hiện” gây chấn động lại tiếp tục xuất hiện trong ngành y tế Việt Nam, khi cơ quan này vừa được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin gây sốc: thuốc Đông y có trộn... xi măng!.
Số là trong đợt kiểm nghiệm của Bộ Y tế về chất lượng thuốc Đông y ở chính các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư sau khi lấy gần 400 mẫu dược liệu thì có tới 60% mẫu chưa đạt chất lượng.
Trong đó, 20% số thuốc còn bị trộn rác như cát, xi măng, lẫn tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại…
Thông tin trên khiến nhiều bệnh nhân tá hỏa, bởi xưa nay không ai nghĩ uống thuốc Đông y trong bệnh viện lại có thể có độc.
Nhưng lần này kể cũng lạ vì sao mà ngay cả bệnh viện cũng bị “nhầm lẫn” thuốc? Lý do chung chung được đưa ra là do “kỹ nghệ” làm giả thuốc đông dược ngày càng cao và rất khó kiểm định vì “để trên bàn là thuốc nhưng dưới đất có thể là rác”.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50.000 tấn dược liệu, nhưng có đến 60-70% là thuốc nhập ngoại, và trong số này 80% là thuốc nhập lậu, trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh một số đối tượng ham lợi bất chấp luật pháp, đạo lý kinh doanh và sự quản lý, kiểm soát lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, còn có nguyên do không nhỏ từ các biện pháp và chế tài xử lý khi vi phạm bị phát hiện quá nhẹ nên tất cả đều “nhờn”.
Nhiều vụ thuốc Đông y bị làm giả, nhưng chỉ xử phạt hành chính với số tiền vài triệu đồng, nên “đâu lại vào đấy”. Chuyện xử lý hình sự với hành vi buôn bán, sản xuất thuốc chữa bệnh là thuốc Đông y giả có khi còn hy hữu hơn chuyện thuốc có trộn xi măng vậy!
Cũng như thuốc cam nhiễm chì hồi trước, những ai xấu số mắc phải thuốc đông y trộn xi măng lần này đương nhiên là phải gánh chịu những hậu quả khôn lường rồi, vì xi măng là để xây nhà, cầu cống và công trình chứ đâu phải chữa bệnh cho lục phủ ngũ tạng, cốt nhục của con người?.
Chỉ hơi buồn là ngay từ sau sự cố thuốc cam nhiễm độc chì xảy ra, dư luận và ngay cả các lương y chân chính từng lên tiếng cảnh tỉnh và đòi cơ quan chức năng phải “xử” các đối tượng buôn bán các loại “thuốc cam” trôi nổi. Nhưng rồi mặc cho dư luận “đòi” thế này, lương y “đòi” thế kia rút cục thì cũng “đá ném ao bèo”, “cam chì” vẫn thoát tội. Mà khi “cam chì” đã không được xử dứt điểm thì “đông y xi măng” sẽ nối gót, có gì lạ đâu…
Những phần từ làm hàng giả hàng nhái đã không mệt mỏi, “lao động”cật lực, thậm chí miệt mài sáng tạo, rồi liên tục tung ra những “phát minh mới”, những “phát minh thế kỷ” về những loại hàng hóa oái ăm, phản cảm và đi ngược lại với đạo đức kinh doanh và báo hại người tiêu dùng.
Trong khi đó, các lực lượng chức năng có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát thị trường, chất lượng hàng hóa đang ngày đêm miệt mài truy đuổi hòng phát hiện, lôi ra anh sáng và loại bỏ những phát minh ghê rợn này ra khỏi cuộc sống.
Trong cuộc đấu tranh sinh tử ấy, có lúc có nơi ưu thế tạm thời có thể nghiêng về bên này hay bên kia. Nhưng rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay những “phát minh” của các đối tượng xấu có vẻ đang thắng thế so với những “phát hiện” của cơ quan chức năng.
Chẳng thế, hết vụ làm hàng giả này, hết vụ làm hàng nhái kia bị phát hiện xử lý, nhưng trên thị trường vấn nạn hàng giả, hàng cấm vẫn hoành hành ngày càng phức tạp, khó lường.
Chỉ tội nghiệp người tiêu dùng, bị kẹp chặt trong vòng xoáy thật giả khôn lường trên thị trường cuộc sống của họ quả ngột ngạt. Chưa nói đến chuyện phải sử dụng những loại hàng hóa ghê rợn này, chỉ cần đọc qua những thông tin trên đài báo, hẳn nhiều người đã tim đập, chân run… Đúng là những “nỗi lo thế kỷ”
Tâm Thời