- Chúng tôi đến “thánh địa na” Chi Lăng khi mùa na đã vào cuối vụ. Năm nay, Na Chi lăng “thắng” lớn, được mùa, được giá nên bán hết veo trong một thời gian ngắn, khác hẳn với mọi năm ế chỏng, ế chơ. Và để thoát cái cảnh năm ế năm đắt người dân ở đây đã tạo ra một đặc sản mới… Rượu na


Thu tiền tỷ từ na

Xưa nay nhắc đến Chi Lăng điều trước hết người ta nghĩ đến là na bởi đây là thánh địa của na xứ Lạng. Cây na đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân, có hộ với trên 2.000 gốc na, mỗi năm thu trung bình trên 80 triệu đồng.

Riêng vụ thu hoạch năm ngoái, cả xã với hơn 300 ha na đã cho thu trên 1.400 tấn quả. Với giá trung bình 10.000 đồng/kg, rừng na đã đem về cho dân trong xã tới 14 tỷ đồng.

Còn vào niên vụ năm nay, tuy xã chưa thống kê, nhưng theo dự kiến thì thu hoạch còn cao hơn nữa bởi giá na năm nay luôn giữ ở mức cao. Nhờ na, giờ Chi Lăng đã không còn hộ đói, số hộ giàu và khá chiếm tới 61%.

Mùa thu hoạch Na từ giữa tháng 7 âm lịch đến tầm đầu tháng 9 âm lịch thì hết. Nhưng cũng có năm vì khó tiêu thụ nên vụ thu hoạch na cứ kéo dài lê thê qua tháng 9, 10 âm lịch rồi chết đen thui trên cây.

Năm nay, Na Chi Lăng đắt như tôm tươi, vừa được mùa, được giá nên chỉ độ 1 tháng là đã được hái sạch khỏi vườn. Gia đình chị Vi Thi Loan tại thôn Quán Thanh –một trong những hộ trồng na lớn nhất tại đây với hơn 1.000 gốc thì hầu như khu vườn rộng lớn đã không còn một quả na nào.


Các năm trước mỗi vụ nhà chi Loan chỉ thu được 80-90 triệu đồng, năm nay có “thắng” thì cũng chỉ thu về được 120 triệu đồng đó là. Trừ đi khoảng 1 nửa để chi phí cho phân, thuốc trừ sâu, nửa phần còn lại cũng chỉ bù được đúng vào tiền lương công nhật dành cho 7-8 người cả gia đình anh suốt nửa năm qua. Chứ dành dụm cũng chẳng được bao lăm….

Món lạ rượu na

Năm nay na Chi Lăng “thắng” to nhưng điều này không thể xóa đi được một thực tế là cho đến nay vấn đề đầu ra cho cây na hiện đang là nỗi trăn trở của bà con nơi đây. Hiện tại, đầu ra cho thứ quả đặc sản mới ở Chi Lăng này chỉ trông cậy vào tư thương, nên luôn bị ép giá mỗi khi na chín rộ. Đã có năm, do không bán kịp, người dân đã phải gánh na đổ ra đường. Cũng vì xót của, mỗi khi na không bán hết, nhiều hộ trong xã đã có sáng kiến ủ na nấu rượu.

Ông Phan Tiến Dũng thôn Đông Ngầu là người đâu tiên đưa công nghệ ủ rượu từ quả Na, quả Hồng vốn là đề tài khoa học cấp Sở của HTX dịch vụ và phát triển nống nghiệp Đoàn Kết Chi Lăng.về với Chi Na từ năm 2008

Trong nhà xưởng, kiêm cả kho chứa bằng Pro xi măng thấp lè tè là với thiết bị ngâm ủ chiết xuất được nhập từ nước ngoài trị giá hơn 100 triệu đồng và vài chục cái thùng nhựa cao tầm 1mét như thùng đựng nước. Mở 1 vỏ thùng để vớt Na, Hồng mới bắt đầu ngấu ra cho chúng tôi xem, ông Dũng cho biết, đây là những quả na, quả hồng mới ủ. Khi ngấu hẳn thì chiết xuất nấu ra thành rượu.

Mỗi năm xưởng ông sản xuất được khoảng 3 ngàn lít, được bán xung quanh vùng cho bà con cũng chưa đi đâu xa. Tuy chưa thành hàng hoá, nhưng rượu na, rượu hồng ở đây uống rất thơm, màu vàng óng bắt mắt. Và biết đâu đấy, chỉ một thời gian nữa thôi, xứ Lạng vốn đã ngất ngây bởi đặc sản rượu Mẫu Sơn, lại có thêm thứ rượu na, rượu hồng Chi Lăng quyến rũ.

Dọc con đường từ Chi Lăng về lại thành phố Lạng Sơn chúng tôi ghé vào thăm cơ sở chế biến hoa hồi xuất khẩu của một DN. Cũng như cây na, đầu ra cho hoa hồi luôn là vấn đề nan giải của thứ nguyên liệu này.

Vậy là bóng dáng công nghiệp chế biến nông sản cũng đã xuất hiện ở Chi Lăng thông qua bóng dáng những dây chuyền chiết xuất rượu, sơ chế hoa hồi đã bắt đầu xuất hiện ở vùng quê chỉ rặt núi đá khô cằn này. Tuy vẫn ở dạng sơ khai đơn giản, nhưng những người nông dân một nắng hai sương có thể hy vọng công sức, thành quả lao động của họ sẽ được bán với giá cao hơn

Tâm Thời