Kinh tế đất nước đang trải qua giai đoạn khó khăn. Có rất nhiều ý kiến từ mọi nơi, mọi giới đã và đang góp ý từ nhiều tháng qua về các giải pháp gỡ khó, thúc đẩy phát triển kinh tế. Các ý kiến và giải pháp đó cần được nghiên cứu và tập hợp trong gói chính sách toàn bộ nhằm tìm ra các biện pháp giải cứu, và tái cấu trúc nền kinh tế.

Chưa thể lạc quan

GDP năm nay được dự báo ở mức 5,2% thấp hơn năm ngoái 2011 và thua xa mức 7%-8% của nhiều năm trước không thể cho chúng ta niềm lạc quan. Và ngay cả con số 5,2% này cho cả năm 2012 theo một số đông chuyên gia thống kê cũng là “lạc quan” vì phải dự báo mức tăng GDP cho quý 4 là 6,5%, nghĩa là cố đi theo theo quy “quý sau tiếp tục hơn quý trước” cho cả năm nay, mặc dù trên 40.000 doanh nghiệp tiếp tục phá sản hay đóng cửa hàng loạt, khó tiếp cận tín dụng, nhập khẩu vẫn xuống thấp .

Một thành tích được nói đến nhiều nhất là giảm tốc độ lạm phát trong năm nay. Nhưng kết quả mới nhất cho thấy CPI tăng 6% từ cuối tháng 12/2011 (nhưng đã tăng bình quân 9,66% trong 10 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm ngoái) và khoảng 8%-9% dự kiến vào cuối năm. Tuy nhiên, đổi lại chúng ta phải đói mặt với nguy cơ trì trệ sản xuất, doanh nghiệp phá sản và thất nghiệp dâng cao.

Hơn nữa, cũng phải lưu ý rằng, lạm phát nước ta vẫn còn rất cao, gấp 2 hay 3 lần so với các nước trong vùng!


Một thành tích đáng kể khác là tỷ giá ổn định. Nhưng việc này cũng cần được nhìn khách quan trong bối cảnh trì trệ toàn diện của nền kinh tế với nhu cầu nhập khẩu giảm toàn diện. Ngoài ra một giải thích đáng kể khác là chính sách quản lý thị trường vàng, cho độc quyền vàng miếng SJC khiến việc nhập lậu vàng khác chuẩn SJC ngưng hẳn và giúp bớt áp lực lên tỷ giá trong suốt năm.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến tình trạng tài chính dễ tổn thương hiện nay của hệ thống tài chính. Bên cạnh mối lo về nợ xấu và tín dụng BĐS cùng những vấn đề rủi ro và yếu kém của lĩnh vực này không chỉ ảnh hưởng hệ thống này mà còn khiến cho cả nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Nợ công chính thức được công bố đang vào khoảng 57% GDP, nhưng nếu kể thêm vào đó món nợ thật sự của các doanh nghiệp nhà nước (43% GDP) mà Chính phủ sẽ phải “lo hộ” thì con số này sẽ lơn hơn. Ngoài ra, khối nợ xấu khổng lồ của khối doanh nghiệp tư nhân và các hộ gia đình với hệ thống ngân hàng (trong tổng tín dụng cho khu vực này là 2,34 triệu tỷ đồng) là “cục máu đông” cần được giải quyết sớm, mà phần lớn nằm trong các bất động sản bị “đóng băng”.

Tập trung trí tuệ tái cơ cấu nền kinh tế

Trong khi những chính sách chi tiết vẫn còn được xây dựng, các chính sách nhất thiết cần xác định hai nguồn gốc cơ bản của tình hình kinh tế hiện nay: khó khăn trong điều hành, nhất là việc giải quyết món nợ xấu ngân hàng khổng lồ và việc quản lý các công ty quốc doanh, và vấn đề niềm tin.

Để giải quyết cả 2 vấn đề, chúng ta cần sự tập trung trí tuệ của nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu và quản lý. Thậm chí, có thể tính đến việc tập hợp một Hội nghị tầm cỡ như một “Hội nghị Diên Hồng về kinh tế” .

Đối với những khó khăn trong điều hành: Các chuyên gia kinh tế và giới quan sát của nền kinh tế Việt Nam khá bận rộn để xem xét các sự kiện hàng ngày và phân tích những thay đổi chính sách trong vài năm qua. Tuy nhiên, chúng ta có xu hướng bỏ qua hoặc quên rằng tình hình hiện nay chủ yếu là do thiếu bốn yếu tố cơ bản của việc điều hành tốt: khả năng dự báo, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của tất cả các tác nhân kinh tế trong quá trình tăng trưởng.

Bên cạnh đó, những vấn đề trong nước như lạm phát hai con số và sự giảm xuống của tỷ giá hối đoái trong vài năm qua đã ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chính sách. Người dân đang tránh việc giữ trái phiếu và cổ phiếu ngay cả bất động sản đang tiếp tục “đóng băng” nghiêm trọng, và tìm thấy nơi trú ẩn khác ở vàng và ngoại tệ.

Tương tự như vậy, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có một thái độ hờ hững hơn trước đối với Việt Nam. Bắt đầu với một sự suy giảm từ năm 2008, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm đều cho đến 9 tháng đầu năm 2012. Vốn đầu tư FII (foreign indirect investment) mới gần như vắng mặt với chỉ số VN-Index ở mức ảm đạm dưới 400 trong suốt 2 năm qua, và nay như là thị trường kém nhất ở châu Á. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đều đang có thái độ “chờ và xem xét”.

Kinh tế khó khăn, đã có nhiều góp ý từ mọi nơi mọi giới đã và đang góp ý từ nhiều tháng qua về các vấn đề và giải pháp trong nhiều ngành khác nhau trong đó tập trung ba vấn đề lớn về vấn đề tái cấu trúc: ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước…

Trong lúc này, cần tiếp tục kêu gọi và quy tụ các ý kiến từ nhiều lãnh đạo, đại diện doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế để gộp lại các ý kiến rải rác vào một gói chính sách toàn bộ khả thi trình gấp lên QH và Chính phủ trong tháng 12/2012, nhằm hướng dẫn các chính sách kinh tế tài chính vĩ mô cụ thể cho 2013 và một chương trình trung hạn cho 3 năm 2013-2015 để đích thực tái cấu trúc toàn nền kinh tế.

Phạm Đỗ Chí