Từng tự hào về dự án căn hộ siêu sang dành cho “giới lắm tiền nhiều của” nhưng đến giờ nhiều chủ đầu tư cũng phải xuống nước tìm mọi cách lấy lòng khách hàng.
Cách đây không lâu việc công bố các dự án căn hộ triệu đô này đã khiến dư luận xôn xao và hoài nghi về thành công của dự án trong tình cảnh thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay.
Trái với số lượng dự án căn hộ triệu đô được công bố, những dự án “mắt thấy tai nghe” hiện vẫn còn đang xa vời. Thực tế, thời gian qua đã có một số dự án sau thời gian triển khai rầm rộ rồi “im hơi lặng tiếng”, thậm chí đi vào dĩ vãng. Địa ốc khủng hoảng, những căn hộ hạng sang có nguy cơ ế ẩm.
Điển hình như dự án Habico Tower trên đường Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội. Với giá chào bán căn hộ thấp nhất từ 21 tỷ đồng và cao nhất là 85 tỷ đồng, dự án này đã từng được coi là khu nhà ở đắt nhất Việt Nam. Sau mấy năm triển khai, dự án vẫn đang “đắp chiếu”, thời điểm bao giờ dự án hoàn thành vẫn là câu hỏi khó trả lời trong lúc này.
Tương tự như vậy, dự án New Pearl Residence tại TP.HCM cũng từng hét giá 90 triệu đồng/m2 .Tuy nhiên, sau đợt mở bán đầu tiên, thông tin về 2 đợt mở bán tiếp theo rất im ắng.
Thấp cấp hơn một chút những căn hộ cao cấp cũng đang trong tình cảnh tương tự. Hàng loạt chủ đầu tư buộc phải hạ mình hạ giá bán bằng cách cắt bớt nội thất, bàn giao nhà xây thô hay ưu đãi cho vay 0%. Ở thị trường thứ cấp, người mua cũng đua nhau cắt lỗ hàng tỷ đồng để thoát khỏi thị trường. Căn hộ Indochina Plaza Hà Nội đang chào bán với mức giá khoảng 48 – 49 triệu đồng/m2, dự án Keangnam chỉ khoảng 45 triệu đồng/m2 hay căn hộ The Manor có giá từ 40 – 42 triệu đồng/m2.
Trong 3 năm gần đây, lượng cung căn hộ được tung ra thị trường nhiều nhất. Trung bình mỗi năm có khoảng 15000 căn hộ được đưa ra thị trường. Khi thị trường bất động sản rơi vào suy thoái từ giữa năm 2011, nhà đầu cơ, đầu tư tháo chạy khỏi thị trường dẫn đến nhu cầu giảm mạnh. Đến nay lượng hàng tồn kho, dư thừa nguồn cung căn hộ tương đối lớn, phân khúc căn hộ cao cấp gần như bão hòa, không có nhiều giao dịch như trước đây.
Hiện tại căn hộ cao cấp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất kể từ trước đến nay nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn tự tin phát triển dự án của mình một cách bài bản, có tầm nhìn xa. Trong khi đó, đa số nhiều chủ đầu tư tiềm lực tài chính yếu lại đang tìm cách xoay xở với xu hướng của thị trường chuyển dang phân khúc bình dân.
Bà Võ Thúy Anh, Phó Tổng giám đốc Novaland, chủ dự án Sunrise City vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng, của sống của căn hộ cao cấp vẫn rộng mở, doanh nghiệp vẫn tin vào sức mua của thị trường. Bà Anh cho rằng, khi khủng hoảng kinh tế năm 2009 đến nay, hầu hết các chủ đầu tư đều ngại triển khai mới các dự án phân khúc cao cấp, nên nguồn cung căn hộ hạng A và B trong giai đoạn 2013 - 2016 sẽ giảm rất nhiều. Do vậy, phân khúc thị trường bất động sản cao cấp còn nhiều cơ hội cho chủ đầu tư.
Trong khi đó, các đơn vị tư vấn vẫn cho rằng, phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Theo Knight Frank VN, thị trường căn hộ để bán sẽ tiếp tục đối mặt với cạnh tranh gay gắt giữa các chủ đầu tư. Mảng thị trường trung cấp và bình dân sẽ là mảng thị trường chính đáp ứng được nhu cầu thực của người mua nhà. Còn CBRE VN nhận định, triển vọng kinh tế không mấy khả quan cho đến năm 2013 sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, khiến họ tìm nơi trú ẩn an toàn bằng cách đẩy mạnh tiết kiệm thay vì đầu tư. Tiền trong dân vẫn còn, nhưng không đổ vào bất động sản. Điều này dự kiến thay đổi khi nền kinh tế có tiến triển rõ nét, qua đó giúp thị trường đảo chiều.
Bà Võ Thúy Anh, Phó Tổng giám đốc Novaland chia sẻ, mỗi doanh nghiệp đều phải có những chiến lược riêng để tiêu thụ sản phẩm. Chiến lược của Novaland không đánh vào giá, mà tập trung vào chất lượng sản phẩm và hỗ trợ tài chính cho khách hàng.
Theo ông Richard Leech, giám đốc điều hành CBRE VN, chủ đầu tư sẽ tiếp tục tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược kinh doanh do thị trường hiện nay đang kỳ vọng vào các sản phẩm có chất lượng tốt hơn tại mức giá phải chăng hơn.
Duy Anh