Từ tháng 11/2011 đến nay, giá bán của 5 thương hiệu vàng SJC, PNJ, SBJ, BTMC, AAA trong các ngày cuối tháng cho thấy giá vàng SJC thường cao hơn giá thương hiệu khác từ 30 đồng đến 3.270.000 đồng/lượng. Giới kinh doanh đặt câu hỏi, mức chênh giá trên sẽ thu hẹp khi NHNN hoàn tất chuyển đổi vàng “phi SJC” sang SJC?

Qua theo dõi giá bán của 5 thương hiệu vàng tại Việt Nam (SJC, PNJ, SBJ, BTMC, AAA) trong các ngày cuối tháng từ tháng 11/2011 đến nay cho thấy giá vàng SJC thường xuyên cao hơn giá vàng miếng các thương hiệu khác từ 30 đồng đến 3.270.000 đồng/lượng. Có những lý do dẫn đến tình trạng trên.

Nhu cầu vàng uy tín cao

Trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 (NĐ 24) được ban hành, trên thị trường có 8 thương hiệu vàng miếng khác nhau được lưu hành. Tuy nhiên, thị trường đã lựa chọn thương hiệu SJC là thương hiệu có uy tín.

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và một số tổ chức kinh doanh vàng tại Việt Nam thì vàng miếng SJC chiếm trên 90% lượng vàng miếng giao dịch trong lưu thông, chiếm khoảng 85% lượng vàng cất trữ của các tổ chức (có tổ chức tín dụng) và dân cư.Vì vậy, giá vàng miếng SJC thường cao hơn giá vàng miếng các thương hiệu khác. Từ tháng 11/2011 đến tháng 5/2012 (thời gian trước NĐ 24 có hiệu lực thi hành), vàng SIC đã thường xuyên cao hơn giá vàng các thương hiệu khác từ 30 đồng đến 1.500.000 đồng/lượng.

Nghị định 24 cho phép NHNN tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Như vậy, Nghị định 24 cho phép NHNN quyết định lựa chọn phương thức sản xuất vàng miếng phù hợp trong thời kỳ. Trong điều kiện, vàng miếng SJC chiếm trên 90% trong lưu thông, để tiết kiệm chi phí cho Nhà nước, xã hội, NHNN sử dụng thương hiệu SJC để sản xuất vàng miếng của NHNN (Công ty SJC chỉ còn chức năng thực hiện gia công vàng miếng cho NHNN).

Việc thu hẹp đối tượng được cấp phép sản xuất vàng miếng đã khiến cho tính thanh khoản của các loại vàng phi SJC trở nên kém hơn. Các tổ chức và người dân có nhu cầu đầu tư, tích trữ, giao dịch...càng có xu hướng thích/chọn vàng SIC. Đây là tâm lý tự nhiên của thị trường, cộng thêm việc các tổ chức tín dụng (TCTD) có huy động và cho vay vốn bằng vàng gia tăng mua vàng để giảm số dư huy động vàng đã sử dụng, Bản thân nhiều TCTD cũng có xu hướng chọn mua SJC để đáp ứng nhu cầu người gửi vàng.



Ăn nhau ở thương hiệu

Thương hiệu là một nhân tố quyết định đến giá cả. Giá vàng cũng phụ thuộc rất lớn vào thương hiệu và khả năng bảo hành thương hiệu. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng các thương hiệu khác so với giá vàng miếng SJC cũng có sự khác nhau, một số thương hiệu vàng miếng (PNJ, SBJ) có mức giá gần sát giá vàng miếng SJC, giá bán của các thương hiệu trên trong gần một năm nay thường bằng/hoặc thấp hơn giá SJC chỉ từ 20 đồng đến 150.000 đồng/lượng. Giá vàng các thương hiệu còn lại, nhất là của Bảo Tín Minh Châu (BTMC) và AAA thấp hơn giá vàng SJC khá lớn.

Cùng thời gian từ tháng 11/2011 đến nay, giá bán BTMC và AAA thường thấp hơn giá vàng SJC từ 720.000 đồng đến 3.270.000 đồng/lượng. Ngày 12/11/2012, giá mua vàng Rồng Thăng Long của BTMC thấp hơn giá mua của vàng miếng SJC của SJC 3.800.000 đồng/lượng. Có thể do tính thanh khoản thấp của một số loại vàng miếng phi SJC làm đọng vốn, giảm lợi nhuận nên một số doanh nghiệp hạ giá mua/bán vàng chính thương hiệu của mình.

 Tuy nhiên, có một thực tế là dù có thấp hơn so SJC nhưng so với giá thế giới quy đổi thì vàng miếng hầu hết các thương hiệu khác JSC tại Việt Nam vẫn tương đương với giá vàng quốc tế quy đổi trong từng thời kỳ. Do vậy, nếu nói giá SJC cao hơn thì chỉ cao hơn nhiều so với một vài thương hiệu vàng miếng khác trên thị trường Việt Nam chứ không phải tất cả. Nguyên nhân vì sao đã nêu trên. Tuy nhiên, do giá chênh lệch này là rất lớn nên hay bị đưa ra làm ví dụ và gây hiểu lầm cho mặt bằng giá chung.

Thu hẹp chênh giá phụ thuộc năng lực chuyển đổi

Nghị định 24 và các quy định khác của pháp luật không có quy định nào bắt buộc phải chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi vàng miếng khác SJC sang vàng miếng SJC của người dân, TCTD và doanh nghiệp, NHNN đã yêu cầu Công ty SJC gia công vàng miếng SJC từ vàng miếng SJC móp méo và vàng miếng thương hiệu khác và quá trình gia công vàng miếng SJC được thực dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN.

Chi phí chuyển đổi từ vàng miếng phi SJC đủ chất lượng 99,99% đã và sẽ được NHNN công bố công khai trong từng thời kỳ, trong giai đoạn hiện nay chi phí này là 50.000 đồng/lượng. Nếu vàng miếng đưa vào gia công lại không đủ chất lượng, không đủ tuổi vàng thì phải cần thời gian để phân kim, tinh luyện lại và phải mất thêm chi phí bù đắp để tinh luyện và chuyển đổi thành vàng miếng SJC đủ quy chuẩn chất lượng.

Hiện nay, khối lượng đăng ký chuyển đổi vàng khác SJC sang vàng miếng SJC còn lại chưa gia công là tương đối lớn, khoảng 12,29 tấn. 

Tiến độ chuyển đổi vàng miếng khác sang vàng miếng SJC diễn ra tương đối chậm do khâu kiểm định chất lượng vàng trước khi đưa vào gia công lại đòi hỏi nhiều thời gian, công suất kiểm định hiện nay của công ty SJC chỉ đạt 60kg/ngày. Hiện tại, NHNN đang nghiên cứu và khẩn trương áp dụng biện pháp để xử lý vấn đề kiểm định chất lượng vàng nhằm đẩy nhanh tốc độ gia công vàng miếng SJC. Nếu vấn đề này được xử lý, chênh lệch giá của một số thương hiệu vàng miếng khác so với giá vàng miếng SJC có thể sẽ thu hẹp đáng kể.

Đại diện Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối (NHNN), cho đến nay, NHNN đã cho phép chuyển đổi phần lớn lượng vàng miếng khác SJC sang vàng miếng SJC và có cơ chế chuyển đổi phù hợp khi người dân có nhu cầu. Điều đó cho thấy, người dân nếu đang sở hữu loại vàng này nên bình tĩnh, tránh giao dịch mua, bán, chuyển đổi vàng miếng tại các địa chỉ kinh doanh không đáng tin cậy để không bị ép giá làm thiệt hại đến quyền lợi; đồng thời, nên mua vàng miếng tại các địa chỉ có uy tín, chất lượng cao, có hóa đơn, chứng từ và có ghi số series của miếng vàng.

Ngoài ra, để đảm bảo các quyền hợp pháp của người dân đối với vàng miếng như mua bán, nắm giữ, được bảo đảm an toàn thông qua dịch vụ giữ hộ của các TCTD và việc mua, bán vàng miếng được diễn ra trên thị trường có tổ chức, NHNN sẽ khẩn trương tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng thông qua việc cấp phép cho các doanh nghiệp và TCTD đáp ứng đủ các điều kiện thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng với thị trường theo quy định hiện hành.

Yếu tố tâm lý?

Mặc dù giá vàng được quyết định bởi quan hệ cung cầu trên thị trường, vàng miếng không phải là loại hàng hóa do Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật nhưng để giá vàng SJC chênh khá cao do giá vàng các thương hiệu khác cũng có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Trong suốt thời gian qua, NHNN đã tích cực thực hiện công bố thông tin khá đầy đầy đủ và chính thóng về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Nhà nước.

Tuy nhiên, việc giải thích/khuyến cáo để người dân hiểu chính sách còn chậm và chưa rộng rãi, đặc biệt những vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết thân của từng người dân nắm giữ vàng như: Nhà nước công nhận quyền nắm giữ, mua, bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân, không có sự phân biệt đối xử và không hạn chế lưu thông các thương hiệu vàng miếng khác SJC, không có quy định nào bắt buộc phải chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC; chi phí chuyển đổi từ vàng miếng phi SJC đủ chất lượng 99,99%; vấn đề vàng miếng đưa vào gia công không đủ chất lượng, không đủ tuổi vàng...

Đây cũng là một trong những lý do khiến tâm lý một số người dân lo lắng, có cách ứng xử vội vàng và có lúc bị thiệt thòi.

Minh Nguyễn