Buổi trưa một ngày đầu tháng 10/2012, nhân viên bộ phận kinh doanh vàng của một ngân hàng nói trên điện thoại: "Đầu A đã tạm ngưng mua vì giá lên nhanh quá, tới 48,4 triệu đồng/lượng rồi. Coi chừng đến chiều giá sẽ rớt".

Đến tầm 13h30 - 14h chiều, các tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn, bên hông chợ Bến Thành, quận 1, TPHCM đồng loạt niêm yết giá bán dưới 48 triệu đồng/lượng. Giá đã giảm 500.000 - 600.000 đồng/lượng trong chưa đầy 100 phút.

Trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TPHCM, trước cửa trụ sở công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), dòng chữ trên bảng điện tử cũng niêm yết giá như các tiệm vàng.

Vậy ai là người quyết định giá vàng?

SJC không quyết định được giá vàng

Hai tháng trước, giá vàng còn ở 42 triệu đồng/lượng, nay đã tăng 6 triệu đồng/lượng. Người dân, nhà đầu tư, nhà đầu cơ mang vàng ra bán chốt lời.

Đại diện SJC xác định, có tình trạng người dân bán vàng nhiều hơn mua. Tuy nhiên, theo đại diện SJC, đơn vị không tùy tiện hạ giá vàng.

"Chúng tôi điều chỉnh theo giá thị trường, mà giá thị trường do cung cầu quyết định. Chúng tôi làm sao một mình ấn định được giá", đại diện SJC nói.

SJC đã nói thật. Công ty được Nhà nước nắm giữ 100% vốn, có doanh số kinh doanh vàng lớn nhất nước, sở hữu thương hiệu vàng SJC, nhưng không phải người quyết định giá vàng trong nước.

Cũng như nhiều doanh nghiệp vàng quốc doanh, cổ phần hay TNHH khác, SJC phải đảm bảo trạng thái vàng của mình: mua được bao nhiêu, bán ra bấy nhiêu và ngược lại. Để có tiền mua vàng, ngay cả vàng móp méo nhằm gia công lại, SJC phải vay ngân hàng và chịu lãi suất như mọi pháp nhân khác trong nền kinh tế.


Một doanh nhân gắn bó lâu năm với ngành vàng, quan sát giới kinh doanh vàng ở Việt Nam từ thời ông Nguyễn Hữu Định, người manh nha ý tưởng tạo thương hiệu vàng miếng SJC và sau đó xí nghiệp chế tác vàng bạc của SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai bắt đầu đưa ra thị trường những lượng vàng miếng đầu tiên, nhận xét: "SJC sản xuất nhưng không sở hữu vàng, giống như anh nông dân Hai Lúa làm ra hạt gạo nhưng không quyết định được giá bán". SJC hiện chỉ là người được thuê, gia công vàng miếng, làm sao đủ sức can thiệp thị trường, quyết định giá vàng.

Hệ thống buôn sỉ vàng quyết định giá trên thị trường

Thông thường, các tiệm vàng mở cửa muộn và giá giao dịch thực sự trong ngày chỉ có từ khoảng 9h trở đi. Trước đó, vào 8h sáng, SJC và một số ngân hàng đã niêm yết giá vàng nhưng mang tính chiếu lệ. SJC thường căn cứ vào giá vàng đóng cửa ngày hôm trước và giá quốc tế để đưa ra giá lúc 8h.

Từ 6 tháng nay, mỗi khi chênh lệch giá nội - ngoại bớt đi, trên dưới 2 triệu đồng/lượng, các ngân hàng lại đẩy mạnh mua vào nhằm đóng trạng thái vàng. Sức cầu từ các ngân hàng được giới buôn bán nắm rõ và họ không thể không tận dụng.

Hệ thống buôn sỉ vàng trên thị trường rất chằng chịt, liên kết chặt chẽ với nhau. Chính hệ thống này quyết định giá vàng trên thị trường. Một khi giá đã phát đi, lập tức theo chân rết, giá đến các tầng trên rồi lan dần xuống các tầng dưới, đều đặn và không có chuyện phá rào.

Những nhà buôn vàng sỉ không định giá tùy tiện như một số ý kiến suy luận. Giá được xác định theo cung cầu và cung cầu dựa chủ yếu vào thông tin.

Thí dụ, biết được tin tức một ngân hàng trong ngày hôm đó phải trả cho khách hàng 1.000 lượng vàng tiết kiệm đến hạn mà chưa có ngay vàng vật chất, giá sẽ được đẩy lên. Tuy nhiên, sang ngày hôm sau, khi nhu cầu ấy không còn, giá lập tức trở về mức cũ.

Hoặc có thông tin ngân hàng cần bán vàng để giải quyết thanh khoản tiền đồng, giá sẽ giảm bởi người mua chủ yếu là các đầu mối bán sỉ tập trung. Ngân hàng không thể bán lẻ hết lượng vàng cần bán cho người dân chỉ trong một ngày. Tương tự khi mua, ngân hàng phải mua từ các đầu mối bán sỉ lớn, không thể đợi người dân đến bán hoặc mua gom từ các tiệm vàng.

Trung tâm kinh doanh vàng lớn nhất nước nằm ở TPHCM, Ở đây tập hợp những nhà buôn vàng lớn, song không nhất thiết phải có nhiều vốn. Họ đồng thời là những môi giới chuyên nghiệp, lâu năm, lấy chữ tín làm đầu. Họ có thể giao vàng trước mà chưa cần nhận tiền ngay. Điều kiện tiên quyết giúp họ các định giá là các mối quan hệ gắn bó, từ đó biết được nơi nào cần mua, cần bán.

Giới kinh doanh vàng ngân hàng không ít thì nhiều đều có quan hệ với các nhà buôn sỉ. Tuy nhiên, tại sao, các ngân hàng - vừa có tiền, vừa có vàng và có uy tín không kém gì các nhà buôn sỉ vàng - lại không thể quyết định giá vàng? Câu trả lời nằm ở hệ thống tổ chức, phân phối đa cấp mà từng tổ chức tín dụng không thể tạo dựng.

Hiện nay, với sự độc quyền vàng miếng SJC, chủ trương chấm dứt huy động và cho vay vàng, chuyển sang quan hệ mua bán vàng mà Ngân hàng Nhà nước đang từng bước thực hiện, vai trò của hệ thống phân phối, thu gom càng nổi bật. Phải nhìn thẳng vào hệ thống tổ chức, phân phối đó, thì mới nắm được quyền chủ động quyết định giá vàng và kiểm soát, quản lý, điều hành thị trường vàng.

(Theo TBKTSG)