Đại biểu cho rằng, hiện nay nhà nước chưa có đủ cơ sở pháp lý để quản lý vàng và cần thiết phải ban hành luật về quản lý vàng.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13. Quản lý thị trường vàng là một nội dung được đề cập tới.

Ở dự thảo trên, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, có ý kiến đại biểu cho rằng, hiện nay nhà nước chưa có đủ cơ sở pháp lý để quản lý vàng và cần thiết phải ban hành luật về quản lý vàng.

Về ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ngày 3/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bước đầu tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động quản lý nhà nước đối với thị trường vàng; dự thảo nghị quyết cũng đã đề ra các giải pháp liên quan đến việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động quản lý thị trường vàng.


“Trong thời gian tới, trên cơ sở tổng kết việc thi hành nghị định nêu trên, nếu thấy cần thiết, Quốc hội sẽ xem xét việc đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”, báo cáo cho biết.

Ngoài Nghị định 24/2012/NĐ-CP, việc quản lý thị trường vàng hiện nay còn có một văn bản pháp lý quan trọng là Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Trả lời trước Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý (với Nghị định 95 và Nghị định 24) là bước đi đầu tiên trong định hướng quản lý thị trường vàng thời gian tới. Bước tiếp theo là ngừng hẳn hoạt động huy động và cho vay bằng vàng, sau đó là chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua - bán.

(Theo Vneconomy)