- Trước xu hướng tìm mua thực phẩm ở quê, chất lượng đảm bảo gia tăng khiến những mặt hàng này lúc nào cũng đắt như tôm tươi, nhiều người đã chớp cơ hội làm ăn, đổ xô buôn hàng quê kiếm lời.
Rau muống, cải, ngót mất an toàn nhất
Sợ đồ bẩn, rau dại cá đồng bán chạy
Thích rau xấu, quả sâu: Mốt tiêu dùng thời nhiễm độc
Đổ xô buôn thực phẩm quê
Gần một năm nay, tại khu chợ dân sinh gần bệnh viện E, sạp bán thịt lợn của vợ chồng anh Dương Văn Kiểm (Mê Linh, Hà Nội) đã trở thành điểm bán hàng tin cậy của nhiều bà nội trợ ưa dùng thực phẩm sạch.
Theo lời anh Kiểm, thịt lợn ở sạp của anh là thịt còn mới, luôn được giết mổ và bán hết ngay trong ngày. Vợ chồng anh tìm mua lợn thịt của những hộ quanh làng, tự làm và vận chuyển vào nội thành bán. Trung bình một ngày, hai vợ chồng bán hết veo trên dưới 1 tạ thịt. Làm đến đâu bán đến đấy nên vợ chồng anh Kiểm không mấy khi phải mang hàng ế về, nhất là vào thời điểm thực phẩm quê đang được ưa chuộng.
"Ngày trước, vợ chồng tôi chỉ bán ở chợ quê, ngày bán được nửa con là may, bây giờ khó khăn, ở quê sức mua ít lắm nên vợ chồng tôi chịu khó mang hàng xuống Hà Nội bán lẻ. Thịt tươi ngon nên mọi người cứ mách nhau đến mua, giờ bán toàn khách quen là đủ lãi rồi", anh Kiểm bộc bạch.
Cũng giống như vợ chồng anh Kiểm, từ ngày người dân ở phố chuyển sang xu hướng chuộng rau quê, cá đồng thì chị Thân (xã Tiền Yên, Hoài Đức, HN) cũng chịu khó đi mấy chục cây số chở rau lên bán tại khu vực chợ Đồng Xa. Chị cho biết, trước mang được sọt rau ra chợ bán thì toàn bị chê xấu, rau sâu hoặc không mỡ màng, nhưng giờ thì bán nhanh lắm. Thi thoảng mà có buồng chuối hay mớ cá, mớ ốc bắt được thì mọi người còn tranh nhau mua.
Vì là hàng quê, không phải lúc nào cũng sẵn nên nhiều bà nội trợ nhiều khi muốn mua còn dặn trước. Khi có hàng gọi họ đến lấy, giá có cao hơn cũng vẫn chấp nhận. Thời thực phẩm bẩn tràn lan nên rau xấu quả sâu ở quê cũng được tin tưởng hơn, chị Thân chia sẻ.
Dân công sở cũng tham gia
Với nhiều chị em làm việc công sở, ban đầu chỉ là nhờ người thân ở quê mua hàng rồi gửi lên dùng trong gia đình. Thế nhưng lâu ngày, thấy nhiều chị em có nhu cầu mua thực phẩm sạch nên một số người đã nảy ra ý định buôn hàng quê, không những mình dùng mà còn có thể bán kiếm thêm thu nhập.
Chị Thúy Nga, làm việc tại công ty truyền thông trên đường Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ: "Nhà mẹ chồng mình ở ngay Dục Tú, Gia Lâm nhưng hai vợ chồng làm ngoài này nên cứ cuối tuần về thăm nhà là lại khuân sang đủ các loại rau, dưa, gà, trứng, thịt... đủ dùng trong một tuần. Rau thì toàn mẹ trồng, gà nuôi trong vườn đấy rồi nên thứ gì cũng an toàn cả. Biết nhà mình có nguồn cung sạch các chị em trong cơ quan mỗi lần về lại nhờ mua hộ một ít. Vài lần như thế mình nảy ra ý định kinh doanh mặt hàng này luôn".
Chị Nga kể: "Mình thông báo cho bạn bè, người quen trên mạng, ai có nhu cầu mua những mặt hàng nào thì lên danh sách và đặt vào đầu tuần, cuối tuần về quê mình mang ra. Bà không phải lụi cụi mang rau ra chợ quê bán nữa mà chỉ cần chuẩn bị để cuối tuần mình về lấy hàng thôi. Tuy không phải nghề chính nhưng thu nhập cũng thêm thắt được chút ít, giá cao hơn hẳn mẹ đi bán lẻ hàng ngày".
Nhiều chị em lúc đầu chỉ tưởng làm ăn cò con, kiếm thêm đồng ra đồng vào nhưng không ngờ thu nhập còn cao hơn lương đi làm nhà nước. Thế nên, nhiều người đã mở rộng hơn các mặt hàng, vài ba người mạnh dạn còn rủ nhau hợp tác để mở cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch.
Trên trang mạng dành cho các bà mẹ, những topic bán các mặt hàng nông sản quê cũng họat động không kém phần sôi nổi. Các chị em văn phòng chỉ cần ngồi một chỗ, xem hàng và gọi điện là một lúc sau hàng đã được mang đến tận nơi, mặc dù giá đắt hơn nhưng chất lượng khiến chị em rất hài lòng. "Mình thích dùng trứng gà mua ở quê, gà thả vườn nên ăn thơm ngon chứ không như ăn trứng vịt nuôi bằng cám ở đây", chị Thuận, kế toán một công ty dịch vụ vận tải ở phố Nguyễn Tuân cho biết.
Chính vì thế, nhiều chị em khi làm ăn lâu dài, giữ được chữ tín thì vẫn "đắt hàng như tôm tươi".
"Mình bán hàng trên diễn đàn lamchame.com được gần một năm nay rồi, mọi việc đều tiến triển rất tốt. Quan trọng là phải luôn đảm bảo cung cấp thực phẩm quê chính gốc, sạch nên các mẹ rất yên tâm. Ngoài rau, mình còn bán thêm cá, tôm, tép khô, miến dong, nem nắm, tép moi... tất cả là của nhà nên mọi người thích lắm. Hàng bán được nên ngoài giờ làm tranh thủ đi giao hàng, mệt nhưng mình vẫn thấy vui vì thu nhập tăng thêm đáng kể", Hoa Mai, bán hàng trên diễn đàn, nói.
Trước đây, một tuần một lần chị Mai nhận hàng từ quê ra, nhưng nay thì chỉ 2-3 ngày là chị lại gọi về quê đặt thực phẩm một lần. "Nhà mình rộng, bố mẹ ở quê có cả đầm lớn để thả cá, gà thả vườn nuôi hết lứa này đến lứa khác, mỗi lúc vài chục con nên lúc nào cũng sẵn. Còn rau, củ, quả thì nhà chú thím trồng được. Gửi hàng từ Nam Định lên đây cũng không khó khăn gì nên nhà mình luôn đảm bảo lúc nào cũng có hàng tươi ngon để bán cho khách".
Tin nhau là chính
Hầu hết các nguồn cung cấp thực phẩm quê kể trên đều do người bán quảng cáo và người mua tự kiểm chứng chất lượng bằng mắt nhìn chứ không hề qua cơ quan kiểm định chất lượng như hàng hóa bày bán trong siêu thị.
Vì thế, việc buôn bán thực phẩm quê chủ yếu dựa trên lòng tin giữa người bán với người mua. Các bà nôi trợ mỗi khi đặt hàng thường rỉ tai nhau những mối hàng quen mà nhiều người đã tin tưởng đặt hàng trước đó.
"Một lần, mình được cô bạn mời chào mua hàng ủng hộ chị cùng cơ quan của bạn. Đặt hàng vài lần, thấy chất lượng an tâm nên giờ mình là khách quen luôn, thi thoảng có ai cần mình vẫn giới thiệu mua của chị ấy" - chị Xuân, Xuân La, Tây Hồ cho biết.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, có không ít người lợi dụng tâm lí chuộng thực phẩm quê, trà trộn bán những sản phẩm chỉ gắn "mác" quê để kiếm lợi từ túi tiền của các bà nội trợ, nhiều sạp ở chợ người mua đi qua đều được giới thiệu hàng quê, sạch và an toàn.
Nguồn thực phẩm quê đang rầm rộ đổ về thành phố bằng nhiều đường khác nhau. Tìm được những nguồn cung cấp thực phẩm quê đáng tin cậy, các bà nội trợ sẽ an tâm hơn trong việc chăm chút bữa cơm cho gia đình.