Dự án bất động sản chào bán la liệt, giá sụt giảm, tỷ lệ mua không nhiều so với bán nhưng thị trường đang có tín hiệu giao dịch thành công đang nhiều lên.

Khủng khoảng kinh tế đang làm giá trị tài sản nói chung suy giảm, trong đó có bất động sản. Trước áp lực mạnh về những khoản nợ đáo hạn, nhiều chủ dự án đã phải tính đến việc cơ cấu lại danh mục đầu tư. Trong đó, phương án bán toàn bộ dự án hoặc liên kết đang nổi lên là xu hướng chủ đạo.

Những thương vụ nhỏ lẻ

Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Sohovietnam, đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng hiện giá chào bán các dự án bất động sản sụt giảm khoảng 35-40% so với trước đây. Và cũng có nhiều đối tác nhận thấy đây là thời điểm phù hợp để mua các tài sản giá rẻ, nên giao dịch thành công cũng tăng lên.

Những thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản gần đây thường là những dự án nhà ở. Có khoảng 6 dự án đã giao dịch thành công từ đầu năm 2012 đến nay, đặc biệt trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 8/2012.

Có thể kể đến các thương vụ như thương vụ C.T Group 95% cổ phần của GS Củ Chi với giá 24 triệu USD để sở hữu dự án sân golf 36 lỗ và khu biệt thự tại Củ Chi; Công ty Hoàng Quân cũng đã mua lại dự án Võ Đình tại quận 12 với quy mô 208 căn hộ vào tháng 6/2012;

Tháng 8/2012 C.T Group thực hiện thành công giao dịch thứ 2 khi mua lại một dự án (Sunview3 và Behome2) từ Thiên Lộc với giá 14,4 triệu USD. Trong thương vụ này Đất Xanh Group tham gia mua lại toàn bộ phần căn hộ Sunview3 với giá 300 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 8/2012 Hoàng Quân thực hiện thương vụ thứ 2 khi hợp tác với Công ty thương mại Hóc Môn để phát triển dự án Hóc Môn Plaza và được đổi thành dự án Cheery3.

Và gần đây nhất, tháng 10/2012 Đất Xanh Group bỏ ra 250 tỷ đồng để mua lại dự án Sunview5.

Nhìn chung những thương vụ mua bán dự án nhà ở diễn ra nhiều tại Tp.HCM, và được công bố khá rõ ràng. Tuy nhiên, việc thông tin mua bán dự án còn rất “mù mờ” và ít được biết đến. Từ trước đến nay, thông tin về các giao dịch liên quan đến dự án BĐS trên thị trường Hà Nội gần như không phổ biến. Mặc dù cũng đã có khá nhiều dự án đã đổi chủ.

Chẳng dự án như dự án Tây Hồ Tây trước đây có đến 5 đơn vị của Hàn Quốc tham gia đầu tư, trong đó có Deawoo nhưng đến nay Tập đoàn Deawoo đã thâu tóm dự án này. Hay như dự án Khu tổ hợp N04 có 4 đơn vị tham gia chủ đầu tư nhưng đến nay phần lớn UDIC đang sở hữu. Dự án Khu nhà ở Đại Thanh trước do Hải Phát làm chủ đầu tư, sau đó chủ đầu tư khu đô thị Xa La mua lại 50% nhưng đến nay thì toàn bộ dự án đã thuộc sở hữu của Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu…

Bên cạnh dự án nhà ở, hoạt động M&A ở những dự án khu thương mại, văn phòng cũng khá sôi động. Giao dịch đáng chú ý gần đây nhất là Vina Properties Development Group đã mua lại dự án Novotel Phan Thiết Ocean Dunes and Golf Resort, Tỉnh Bình Thuận gồm 123 phòng từ Indochina Capital, giá trị giao dịch không được công bố.

Hay tháng 9/2012 chủ đầu tư Phillipine, Ayala công bố trích một phần trong quỹ đầu tư 30 triệu USD để hợp tác với Satra (tổng công ty thương mại Sài Gòn) để phát triển một dự án tại quận 6. Hay như Deawoo chuyển nhượng lại khách sạn Deawoo cho đối tác Việt Nam là Hanel.

Thương vụ chuyển nhượng dự án văn phòng nổi bật trong năm 2012 là tòa nhà Saigon Tower, Quận1, TP.HCM, và dự án khu văn phòng Crown Plaza tại Mỹ Đình của Viettel từ Công ty TNHH Trần Hồng Quân.

Thị trường M&A dự án BĐS: Bán la liệt, mua nhỏ giọt (1)
Chuyển nhượng dự án đang trở nên sôi động hơn trong bối cảnh bất động sản khó khăn.

Tỷ lệ mua dưới 10%

Cho dù thời điểm này đang là cơ hội cho nhiều người mua tài sản giá rẻ, số lượng giao dịch thành công từ các thương vụ chuyển nhượng dự án cũng sôi động lên khá nhiều. Tuy nhiên, do kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, tài sản đảm bảo là bất động sản tại các tổ chức tín dụng chiếm tới trên 50% dư nợ tín dụng dẫn đến một áp lực quá lớn cho các DN, con số nợ xấu cũng không ngừng tăng lên.

Chính điều nay đã khiến rất nhiều chủ dự án phải tính đến phương án chuyển nhượng dự án để cơ cấu lại dòng tiền. Do đó, số lượng dự án bất động sản chào bán trên thị trường đang áp đảo số lượng người có nhu cầu hỏi mua.

Theo ông Phan Xuân Cần, chỉ tính riêng Công ty Sohovietnam hiện nay đã tiếp nhận đến hơn 100 dự án bất động đang có nhu cầu bán. Nhưng số lượng người có nhu cầu hỏi mua thông qua công ty ông thì chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10% so với người bán.

“Những dự án bán được thì phải là những dự án hồ sơ pháp lý rõ ràng, những dự án có vị trí đép và giá cũng phải “rất mềm mại”. Nhưng đó cũng là một tín hiệu tốt bởi hiện cũng đang có khách hàng quyết liệt mua, có ý định mua rõ ràng hoàn toàn khác so với 6 tháng trước đây.” Ông Cần nói.

Hiện hình thức phổ biến trong giao dịch mua bán dự án là hợp tác đầu tư, bên mua sẽ là người trả một phần tiền mặt, bên bán có thể trả cho bên mua một phần bằng sản phẩm mà giá chỉ ngang với giá thành.

Do điều kiện vay vốn hiện nay rất khó vì vậy giữa người mua và người bán đang phải giúp nhau để vượt qua khó khăn, và chỉ bằng cách “bắt tay” với nhau mới có thể giải quyết khó khăn chứ ngân hàng sẽ không giúp gì được trong thời điểm hiện nay. Do đó, xu hướng mua bán dự án hiện nay là xu hướng hợp tác, liên kết.

(Theo TTVN)