- Tổng thiệt hại do nợ xấu gây ra ở Việt Nam ước 7 tỷ USD, bằng 5% GDP nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Việt Nam có thể giải quyết được, kể cả khi số nợ xấu gấp đôi số nợ công bố.

Thiệt hại 7 tỷ USD vì nợ xấu

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hôm 3/12, trưởng nhóm công tác Ngân hàng, đồng thời là Tổng giám đốc Standard Chartered Bank Việt Nam, ông Louis Taylor điểm lại: “Các ngân hàng thương mại của Việt Nam đưa ra con số 4,3% nợ xấu, Thống đốc NHNN Việt Nam nói là 8,8%. Còn các đồn đoán khác cho rằng, con số nợ xấu thực tế ở Việt Nam có thể gấp đôi”.

“Bản chất vấn đề xem ra vẫn chưa được diễn giải chính xác. Nhưng nếu chúng ta lấy con số của Thống đốc để tính toán thì lượng nợ xấu vào khoảng 12 tỷ USD. Nếu áp dụng tiền lệ ở các thị trường khác với tỷ lệ tổn thất thường vào khoảng 60% thì tổng thiệt hại do nợ xấu gây ra cho Việt Nam sẽ vào khoảng 7 tỷ USD. Con số này bằng 5% GDP Việt Nam”, ông Louis nhẩm tính.

Tuy nhiên, ông Louis Taylor trấn an rằng, con số trên vẫn nằm trong tầm kiểm soát, khi so với các cuộc tái cơ cấu ngân hàng ở các nền kinh tế khác. “Thậm chí, kể cả khi con số nợ xấu thực tế gấp đôi số Thống đốc công bố thì chúng tôi cho rằng, vẫn có thể giải quyết được vấn đề này ”, ông nói.

Trong tổng thể câu chuyện nợ xấu trên, một điều cần bàn theo ông Louis là các nhà chức trách Việt Nam phải có sự đồng nhất khi đánh giá vấn đề này, vì sự thật về nợ xấu chỉ có một.

Ngoài ra, một câu hỏi nhạy cảm khác được đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm về tổn thất nợ xấu? Một khoản nợ 100 đồng khi trở thành nợ xấu thì giá trị khoản nợ sẽ chỉ còn dưới 100 đồng. Giải quyết tổn thất này phải theo thời gian.

Song, chính ông Louis cũng bày tỏ ngay quan điểm, người chịu trách nhiệm chính phải là các chủ sở hữu của các ngân hàng đã tạo ra các khoản nợ xấu. Việc này có thể rất khó khăn cho các cổ đông. “Sẽ có các rủi ro đạo đức xảy ra nếu như các chủ sở hữu không bị mất giá trị vốn góp và họ cũng sẽ không có động lực để quản lý ngân hàng của mình thận trọng trong tương lai”, ông Louis cảnh báo.


Hoặc, chịu trách nhiệm về tổn thất có thể là Nhà nước hoặc sự kết hợp hai bên. Khi kết hợp lại, chi phí cuối cùng mà Nhà nước bỏ ra cho tái cơ cấu ngân hàng sẽ được giảm tối thiểu.

Lập hàng rào kiểm soát NH kém

Thảo luận về giải pháp, ông Brett Krause, Tổng Giám đốc Citi Bank đi thẳng vấn đề: “Từ thực tiễn ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng phải thành lập công ty quản lý và mua bán nợ, đồng thời, thiết lập quy trình tái cấp vốn có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân”.

Theo ông, các khoản nợ xấu của các định chế tài chính cần chuyển sang cho các công ty quản lý tài sản tập trung chịu trách nhiệm xử lý. Khi đó, ngân hàng có thể tập trung vào hoạt động chính. Trong mức nợ xấu nhất định, các ngân hàng cần có quyền tự quyết định giữ lại khoản nợ xấu nào hoặc bán đi khoản nợ xấu nào. Họ cũng cần được phép tự quyết định cơ cấu vốn của mình, đáp ứng yêu cầu quản lý.

Mô hình công ty mua bán nợ trên theo ông Brett, cần phải có những chuẩn mực như có thông số quản trị rõ ràng, có mục tiêu cụ thể, được kiểm toán thường xuyên, hoạt động theo nguyên tắc thị trường và phải minh bạch. Nhân sự phải có chuyên môn, kể cả thuê người từ bên ngoài.

“Một điều quan trọng khác là chúng ta cần quy định rõ ràng, thời gian tồn tại của công ty là bao lâu, sau khi sứ mệnh giải quyết nợ xấu hoàn thành.

Ông Brett cho rằng, công ty này chỉ nên hoạt động trong 5-7 năm. Nếu công ty tồn tại ngắn hơn thì sẽ không đảm bảo thanh khoản hệ thống, gây ra chi phí quá lớn cho hệ thống. Nếu tồn tại dài hơn sẽ làm chậm xử lý vấn đề ,tài sản trở nên kém chất lượng hơn nếu không được chuyển sang tư nhân.

Bổ sung thêm về kiến giải tái cấp vốn, ông Sumit Dutar, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ, trước tiên Chính phủ cần phân loại các ngân hàng.

Với nhóm những ngân hàng tốt, là ngân hàng chiến lược, quản lý chuyên nghiệp, nợ xấu thấp thì cần được tái cấp vốn với sự hỗ trợ của cổ đông hiện có, hoặc cổ đông mới.

Nhóm những ngân hàng yếu kém, không phải là chiến lược và cũng không có tương lai phát triển thì cần có hàng rào bao quanh lại, kiểm soát khắt khe. Họ cần được sát nhập với ngân hàng mạnh hơn hoặc đóng cửa.

Tuy nhiên, các ngân hàng tốt cần có vốn để mua các khoản nợ theo giá thị trường, như việc đưa ra trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu ưu tiên không cần biểu quyết. Trong 3 nguồn vốn cơ bản, nguồn lực của Chính phủ tham gia cần có điểm dừng, không nên dàn trải. Quan trọng hơn, việc tái cấp vốn phải đảm bảo các ngân hàng đủ vốn để tiếp tục tăng trưởng nhưng không lặp lại vết xe đổ trong quá khứ.

Ông Sumit Dutar kiến nghị thêm về việc NHNN phải thắt chặt, kiểm soát sở hữu chéo. Bởi theo ông, đây chính là nguồn gốc cho khủng hoảng.

Ví dụ như tiêu chuẩn quản trị ở các ngân hàng cần được rà soát. Vai trò và trách nhiệm của HĐQT, Ban điều hành cần được xây dựng, tránh tình trạng tập quyền vào tay một số người, nhóm người. Nếu vi phạm về cho vay, ngân hàng sẽ không được tăng trưởng hơn hoặc cắt lợi nhuận lại cho cổ đông, ông Sumit nói.

Trưởng nhóm các ngân hàng nước ngoài lạc quan nói rằng: “Tôi tin chắc Việt Nam cũng sẽ làm giải quyết được các vấn đề trong ngành ngân hàng. Tình hình ở Việt Nam chưa đến mức là một cuộc khủng hoảng thực sự như ở Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc 15 năm về trước hoặc gần đây hơn là ở các nền kinh tế châu Á. Việt Nam vẫn còn thời gian để hành động”.

“Nhưng, Chính phủ cần có những quyết định nhanh chóng và quyết đoán hơn trong xử lý nợ xấu. Sự minh bạch và tốc độ phản ứng của Chính phủ là nhân tố quan trọng để đảm bảo khả năng thành công , qua đó, giúp cho nền kinh tế có thể quay trở lại tăng trưởng lành mạnh”, ông Brett Krause nhấn mạnh.

Ông Đặng Thanh Bình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tỷ lệ nợ xấu đã có xu hướng tăng chậm lại kể từ quý II/2012 đến nay. Quý I, nợ xấu tăng bình quân 8-9%/tháng, quý III, đã giảm chỉ còn tăng bình quân 3-4%/tháng. Ước tính, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống còn 3% vào năm 2015.

“Đến nay, tình hình các ngân hàng thương mại yếu kém đã được kiểm soát, nguy cơ rủi ro mất an toàn đã được giảm thiểu. Một số ngân hàng thương mại đã và đang sát nhập, cơ cấu lại quản trị”, ông Bình nói.

Công ty quản lý tài sản AMC sẽ được thành lập. Đề án hiện đang tham vấn cơ quan liên quan trước khi trình Thủ tướng chính thức.
 

Phạm Huyền