Đây là thông tin mà ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP.HCM  về tình hình cho vay bất động sản và các giải pháp tăng trưởng tín dụng BĐS để giải phóng hàng tồn kho cho thị trường.

Tình trạng tồn kho của thị trường bất động sản trên địa bàn TP.HCM được Sở Xây Dựng thống kê với hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó các dự án chung cư là 37 dự án với giá trị khoảng 24.000 tỷ. Tiếp đến là 17 dự án thấp tầng với hơn 2000 tỷ, mặt bằng cho thuê tồn đọng 1.000 tỷ với 12 dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng đến việc lưu thông sản xuất bất động sản, các quỹ tín thác và quỹ nhà ở vẫn chưa được triển khai, cách điều hành tiền sử dụng đất chưa hợp lý. Tỷ lệ cung cầu chưa hợp lý.
 
Về góc độ nhà đầu tư thì đa phần còn nhỏ lẻ, không căn cơ, đầu tư manh mún làm hạn chế cho sự phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp chưa có mọt nguồn vốn mạnh mà phụ thuộc vào vốn vay. Vì vậy nên xem xét lại cơ cấu doanh nghiệp
 
Hiện nay không hạn chế nhưng vẫn không khuyến khích cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Trên địa bàn TP thì hiện tại cho vay phi sản xuất vẫn dành khoảng 14% trong đó tín dụng cho bất động sản là 10,6%, như vậy dư địa cho vay bất động sản vẫn còn. 


Cách tối ưu nhất là cần đẩy mạnh cho vay chuỗi lên kết giữa nhà đầu tư và nhà thầu xây dựng. Mối liên hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng gặp được nhau là cách cần giải quyết nhằm giải quyết hàng tồn trong bất động sản.
 
Ngoài ra đại diện Sở Xây dựng còn kiến nghị TP nên có chủ trương cho phép chuyển đổi mục tiêu các dự án nhà ở thành nhà cho thuê, nhà xã hội để tháo gỡ hàng tồn và chuyển đổi cơ cấu hàng hóa.
 
Ngân hàng cần có lãi suất hợp lý để nhà đầu tư dễ tiếp cận. Cần có chương trình vay ưu đãi đối với nhiều đối tượng mua nhà thu nhập thấp và nhà xã hội.
 
Nam Phong