Trong cuộc đời hơn ba chục năm làm giám định viên pháp y, ông Ngô Hường Dũng – Phó Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia không bao giờ quên vụ giám định án đầu độc chết xảy ra ở huyện Nam Sách tỉnh Hải Hưng cũ (nay thuộc tỉnh Hải Dương) vào khoảng những năm 1986-1987…

Sông sâu dễ dò, lòng người khó đo

Vào những năm đó, tại huyện Nam Sách có một gia đình chồng bộ đội, vợ nông dân, do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, người chồng phải đi chiến trường liên miên nên họ có con rất muộn. Khi cả hai vợ chồng sắp bước sang tuổi lục tuần thì đứa con trai họ mới được có 13-14 tuổi, sắp học hết cấp 2.

Lấy nhau trong thời chiến, sống khắc khoải trong cảnh chờ đợi nhau, lại có được mụn con cuối đời nên hai vợ chồng rất yêu thương nhau và thương con. Ông chồng tên V. tuy công tác ở Hà Nội nhưng cuối tuần nào cũng chịu khó đạp xe mấy chục cây số về thăm vợ, con. Người vợ có tiếng là khỏe mạnh, chăm chỉ ở thôn. Ngoài công việc gia đình, đồng áng còn hăng hái tham gia công tác ở Hội phụ nữ địa phương.

“Ở đời khó học được chữ ngờ” và câu này đã vận đúng vào gia đình họ bởi tuy yêu thương vợ con, nhưng cả tuần chỉ có duy nhất một ngày chủ nhật về thăm nhà còn lại cả 6 ngày cô đơn đằng đẵng, ông V. từ chỗ quen biết đã đem lòng yêu một người đàn bà góa chồng bán hàng tại Cửa hàng mậu dịch số 12 Bờ Hồ, trẻ hơn người vợ ở quê vài tuổi.

Ngày qua tháng lại càng nặng tình với nhau, cặp tình nhân này đều có suy nghĩ rằng tình cảm của họ không chỉ là thoảng qua nữa mà nhất định phải cưới, chung sống với nhau một nhà. Nhưng ông V. vẫn còn có vợ vì thế điều này là không thể (do điều kiện quân ngũ và nhận thức xã hội, pháp luật giai đoạn đó, ly hôn vẫn là một vấn đề khó khăn với nhiều người). Sau mấy ngày căng đầu suy nghĩ, ông V. đã tìm ra một cách…

Quyết định giết vợ sau khi đổ bể mưu sâu kế hiểm

Cuối tuần đó, ông V. về nhà rất sớm. Sau khi giúp đỡ vợ con vài việc vặt trong nhà, cơm nước xong xuôi, ông V. mời vợ nán lại bên bàn để nói chuyện. Biết tâm lý vợ mình luôn lo lắng cho con trai còn quá ít tuổi trong khi bố mẹ đều đã già, chuẩn bị hết sức lao động cả, ông V. vạch ra với vợ mình một viễn cảnh.

Đó là chỉ 1-2 năm nữa thôi ông sẽ đến tuổi nghỉ hưu và trước khi nghỉ hưu thể nào ông cũng sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ của quân đội sau bao năm phục vụ trong quân ngũ. Và điều ông V. nhắm tới là một căn nhà ở Thủ đô để cho tương lai cậu con trai được sáng sủa hơn.

Vừa vẽ ra viễn cảnh như vậy, nhưng ngay sau đó, ông V. lại sầu não tâm sự với vợ rằng ước mơ đó chỉ thành hiện thực nếu như bản thân ông còn độc thân và không có nhà ở quê. Và theo ông, con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu này là hai vợ chồng giả vờ ly dị nhau.

Nghe đến đây, bà vợ với tâm tính là gái quê thuần phát, lại công tác phụ nữ thấm nhuần tư tưởng hàn gắn gia đình là chính, đã giảy nảy lên không đồng ý. Nhưng rồi, sau một hồi nghe ông chổng thủ thỉ, dỗ ngon ngọt rằng ông đã tính kỹ lắm rồi nên chẳng có cách gì hơn, rồi là phải hy sinh vì tương lai của con thì người vợ đã xuôi xuôi, rồi cuối cùng cũng nhất trí với kế hoạch giả ly hôn của chồng.

Vốn xưa nay trong họ hàng làng xóm, vợ chồng họ có tiếng là thuận hòa, nên để hợp lý hóa chuyện ly dị, hai vợ chồng theo sự “đạo diễn” của người chồng đã dàn cảnh vài cuộc cãi vã, ném mâm đập bát để cho hàng xóm láng giềng nghe thấy và sang can ngăn.

“Cãi nhau” được ít hôm thì Tòa án huyện nhận được đơn xin ly hôn của người vợ với lý do không hợp để có thể tiếp tục sống chung. Hội phụ nữ địa phương khi biết được chuyện cơm không ngọt canh không lành của gia đình ông V. và nhất là chuyện người vợ đã nộp đơn ly hôn ra Tòa thì rất ngạc nhiên. Họ đã đề nghị Tòa tạm dừng giải quyết vụ ly hôn này để địa phương hòa giải. Vì xung đột của hai vợ chồng là ngụy tạo và không có thực nên chuyện hòa giải cũng nhanh chóng đạt kết quả, mọi chuyện gia đình lại trở lại êm ả như trước.

Thấy mưu kế không thành, trong khi đó nhân tình lại ngày ngày thúc giục chuyện cưới xin ông V. tức lắm. Ông quyết định để đạt được mục đích thì không còn con đường nào khác ngoài giết chết người vợ bao năm đầu gối tay ấp của mình!

Lộ mặt thật người chồng sát nhân

Quyết định là vậy nhưng ông V. cũng chưa biết làm cách nào để đạt được mục đích và tránh bị phát hiện. Đang suy tính thì ông V. nhận được tin báo của người nhà là bà vợ ốm vì đi làm đồng bị cảm. Một suy nghĩ lóe lên, ông V. vội vã xin nghỉ về quê ngay lập tức và không quên cầm theo mấy vỉ thuốc ngủ.

Về nhà, ông V. tỏ ra sốt sắng trong việc chăm nom vợ từ chuyện nấu cháo cho tới thuốc men. Yêu chồng, tin chồng người vợ đã chịu khó ăn hết bát cháo mà trong đó đã có tới 15 viên thuốc ngủ được người chồng nghiền nhỏ, trộn lẫn. Và điều mà ông V. “mong ước” đã đến khi người vợ qua đời trong giấc ngủ.

{keywords}

Để đóng cho tròn “vai kịch” người chồng thương vợ, ông V. đã tổ chức một đám tang rất to và ra vẻ khóc lóc lăn lội vì thương vợ yểu mệnh sớm lìa bỏ chồng con.

Nhưng ông V. có ngờ đâu chính “vai kịch” quá đạt đó của ông V. đã khiến những cán bộ trong cùng Hội phụ nữ nghi ngờ. Mối nghi ngờ của họ lại càng tăng hơn khi xâu chuỗi sự việc từ lá đơn ly hôn, rồi chuyện người vợ xưa nay rất khỏe mạnh lại bỗng dưng chết vì cơn cảm nhẹ thông thường và nhất là thái độ của ông V. ngay sau đám tang đã ở lì trên Hà Nội không về nhà, bỏ quên cả đứa con trai nhỏ…

Từ chỗ nghi ngờ Hội Phụ nữ quyết định phải làm rõ trắng đen sự thật cái chết hội viên của mình và đã nhất trí đệ đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại cái chết của người vợ.

Biết về mối nghi ngờ và lá đơn của Hội phụ nữ, người chồng táng tận lương tâm hiểu rằng trước sau gì thì sự việc cũng bị bại lộ và chi bằng ra tay chặn trước. Nghĩ là làm, ông V. ngay lập tức rời Hà Nội về quê và mời tất cả gia đình bên vợ đến để thưa chuyện. Ông V. đã thừa nhận với bên ngoại rằng chính ông gây nên cái chết của vợ nhưng là do ngộ sát, vô tình thiếu hiểu biết.

Vì thấy vợ kêu đau đầu, ông đã cho vợ uống mấy viên thuốc an thần nào ngờ làm cho vợ chết. Ông V. khóc lóc sụt sùi rằng tuy chỉ là vô tình nhưng tội ngộ sát thì vẫn phải đi tù, mẹ chết, bố đi tù, tương lai của cậu con trai còn quá nhỏ tuổi sẽ ra sao… Quả nhiên, mưu kế của ông V. đã thành công, thương cháu, lo cho tương lai của cháu, cả họ bên vợ ông V. tuyên bố sẽ bênh vực con rể đến cùng trước pháp luật.

Sau khi nhận được lá đơn và tổ chức điều tra, biết được mối quan hệ của ông V. với người phụ nữ bán hàng ở Cửa hàng số 12 Bờ Hồ, cơ quan điều tra đã đặt nghi vấn về một vụ giết vợ và quyết định khai quật mộ người vợ để giám định. Nhưng đoàn công tác bao gồm cả công an và cán bộ pháp y đã đi đi về về địa phương rất nhiều lần mà không sao khai quật được mộ nạn nhân.

“Lần đầu đoàn công tác về Nam Sách là sau khi người vợ qua đời được 8 tháng, khi đoàn ra mộ để tiến hành khai quật thì đã thấy tất cả những người phụ nữ họ hàng của nạn nhân đồng loạt nằm úp sấp phủ kín hết ngôi mộ như phủ lá chuối và kêu khóc váng trời. Vì không đủ lực lượng đối phó nên đoàn phải rút. Đến lần thứ hai, sự việc cũng diễn ra như vậy và đoàn lại phải tạm lui” – giám định viên Ngô Hường Dũng kể lại.

Phải đến lần thứ ba, tức là sau khi nạn nhân đã chôn được một năm, thời hạn đã không thể chần chừ được nữa để khai quật vì nếu không lục phủ ngũ tạng sẽ phân hủy hết khó lòng mà tìm thấy nguyên nhân cái chết, đoàn công tác hạ quyết tâm phải tiến hành.

Để đối phó với những người đàn bà nằm trên mộ, đoàn công tác đã huy động lực lượng rất đông. Cũng như mọi lần, thấy đoàn công tác chuẩn bị khai quật và chị em họ hàng nạn nhân lại ra mộ cản trở, kêu khóc, nhưng lần này do có sự chuẩn bị trước nên cứ hai chiến sĩ công an xốc nách một người phụ nữ đưa ra xa để đoàn làm việc.

“Khi khai quật lên thì may sao não của nạn nhân chưa bị phân hủy. Kết quả xét nghiệm cho thấy thành phần thuốc ngủ vượt xa liều lượng cho phép rất nhiều là lúc đó trước chứng có rành rành ông V. mới cúi đầu nhận tội giết vợ và chịu mức án 15 năm tù” – theo giám định viên Ngô Hường Dũng.

Thế mới biết đời lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó thoát, nhân quả nhãn tiền và đã làm việc ác thì trước sau gì cũng phải đền tội, dù có mưu sâu kế hiểm đến đâu.

(Theo PLVN)