- Chiều nay, TAND TP Hà Nội tuyên phạt chung thân bị cáo Phạm Thanh Hải (SN 1966, ở quận Hà Đông, nguyên là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty IDT, chủ trang mạng Học làm giàu) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, sau một thời gian hoạt động trên mạng internet không hiệu quả, Phạm Thanh Hải huy động vốn cho cá nhân, nhưng giới thiệu, quảng bá thu hút nhà đầu tư thông qua danh nghĩa công ty IDT.

Trong các buổi hội thảo, Hải quảng bá IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây “tỷ đô” và đưa ra các hợp đồng với lãi suất từ 40- 50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Huy động vốn được thể hiện dưới dạng hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp đồng ủy thác đầu tư… 

{keywords}
Bị cáo Phạm Thanh Hải tại tòa

Chỉ trong 1 năm (tháng 10/2014-10/2015), Phạm Thanh Hải huy động số tiền hơn 2.700 tỷ đồng của 2.574 người với tổng số 8.303 hợp đồng. Số tiền này Hải sử dụng phần rất nhỏ là hơn 100 tỷ đồng để góp vốn vào một số công ty, dự án với danh nghĩa cá nhân và cho vay cá nhân 22,9 tỷ đồng.

CQĐT xác định, tổng số bị hại là 508 người, tổng số tiền các bị hại đã nộp là hơn 476 tỷ đồng. Có những người được triệu tập đến Tòa với tư cách là người bị hại, nhưng tại tòa họ không nhận là bị hại và cho rằng bị cáo Hải không lừa đảo chiếm đoạt tiền của họ.

Luật sư của bị cáo cho rằng, Hải không phạm tội, cơ quan pháp luật đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Luật sư đặt câu hỏi: Nếu bị cáo phạm tội, tại sao không xác định hơn 2.000 nhà đầu tư (với số tiền nộp là hơn 2.700 tỷ) là bị hại mà chỉ xác định hơn 500 người là bị hại...

Các luật sư bào chữa cho Hải cho rằng, bị cáo đã tạo ra môi trường sinh thái thịnh vượng của thời đại 4.0, cần vốn lớn để làm dự án. Khách hàng tin tưởng giao cho bị cáo nên bị cáo có quyền điều tiết linh hoạt nguồn vốn.

Đại diện VKS thì cho rằng, mô hình kinh tế nào thì cũng phải phục vụ con người, không xâm phạm lợi ích của người khác. Ở đây, bị cáo đã xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của người khác.

Sau khi bị bắt, nhà đầu tư mới biết tiền vào túi cá nhân bị cáo và được dùng vào việc riêng, chỉ dùng phần nhỏ góp vốn vào các công ty khác. Hành vi của bị cáo gian dối ngay từ đầu...

Tại sao số người bị hại là hơn 2.000 người với hơn 2.700 tỷ nhà đầu tư đã nộp, nhưng cơ quan pháp luật chỉ đề cập đến hơn 500 người, theo đại diện VKS, bị cáo có hành vi gian dối, nhưng các nhà đầu tư không hợp tác với CQĐT. Một số người còn lưỡng lự chưa biết theo bên nào.

Nhiều người nghe theo người khác dụ dỗ, lôi kéo, tỏ ra không hợp tác, không nhận bồi thường. Do thời hạn điều tra đã hết, cơ quan tố tụng quyết định sẽ xem xét đối với những trường hợp chưa có có yêu cầu ở giai đoạn 2 của vụ án. Vì vậy, chỉ xác định số tiền chiếm đoạt là hơn 400 tỷ đồng của hơn 500 bị hại.

Nhận định của HĐXX

Qua nghe ý kiến của 2 bên buộc tội và gỡ tội, HĐXX đưa ra nhận định cho rằng: Để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, bị cáo đã huy động vốn. Nhiều hợp đồng chưa tất toán của hơn 2.000 người với tổng số tiền hơn 2.700 tỷ đồng để huy động là số tiền lớn, bị cáo đã có những hành vi gian dối để chiếm đoạt.

Tiền được bị cáo dùng để quay vòng trả lãi đến hạn, chỉ dùng hơn 157 tỷ trên tổng số hơn 2.700 tỷ đồng với danh nghĩa cá nhân Hải góp vốn vào các công ty khác không có lãi gì. Hải còn dùng tiền cho vay và đến nay khó có khả năng thu nợ.

CQĐT gọi hơn 2.000 nhà đầu tư để làm việc, nhưng chỉ hơn 500 người hợp tác. Có người không hợp tác, hoặc bị người không hợp tác lôi kéo nên chưa xử lý được.

HĐXX cho rằng, đủ cơ sở kết luận Hải phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người, gây hoang mang lo lắng trong nhân dân; bị cáo thành khẩn khai báo nhưng phạm tội với nhiều tình tiết tăng nặng.

Trong vụ án này, có nhiều đối tượng tham gia tụ tập đông người, lập các trang mạng kêu gọi mọi người chống đối cơ quan pháp luật, buộc người bị hại làm theo yêu cầu bất lợi cho chính bị hại. Họ là ai? Là người đang được hưởng lợi hay bị Hải lừa? Vấn đề này, HĐXX cho rằng cần được CQĐT làm rõ để xử lý kịp thời, lập lại trật tự.

Một tờ báo có bình luận cho rằng Hải không phạm tội, có nhiều bài báo bình luận, phỏng vấn vợ Hải với mục đích định hướng lệch dư luận xã hội, người bị hại, khi cơ quan pháp luật chưa chứng minh được 2.700 tỷ Hải để đâu?; gia đình Hải đang cầm giữ bao nhiêu?; Tiền được sử dụng mục đích gì? Tờ báo này có vi phạm pháp luật không? Ai chịu trách nhiệm? cần kiến nghị CQĐT làm rõ.

Cho rằng số tiền bị cáo chiếm đoạt đặc biệt lớn, bị cáo thành khẩn khai báo, nhưng chưa tỏ ra ăn năn hối cải, HĐXX tuyên phạt Hải án tù chung thân.

Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo bồi thường cho 508 người bị hại có danh sách kèm theo. Trong đó, những người tại tòa không yêu cầu bồi thường thì tòa không quyết định. Tổng số tiền bị cáo phải bồi thường cho người bị hại là hơn 387 tỷ. Ngoài ra bị cáo còn phải bồi thường cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan số tiền hơn 47 tỷ đồng.

Sau khi nghe tòa tuyên án, nhiều người la ó, quây chặt cổng tòa với biểu ngữ: "Doanh nhân Hải không lừa đảo chiếm đoạt tiền...".

Hàng trăm bị hại dự tòa vụ tiến sĩ lừa tỷ đô

Hàng trăm bị hại dự tòa vụ tiến sĩ lừa tỷ đô

Tòa phải mất cả buổi sáng để kiểm tra căn cước của hàng trăm bị hại trong vụ án này.

Đại gia Khải Thái lừa hơn 700 người bị đề nghị án chung thân

Đại gia Khải Thái lừa hơn 700 người bị đề nghị án chung thân

Cho rằng nguyên TGĐ công ty Khải Thái là người chủ mưu, cầm đầu lừa đảo hơn 700 người, đại diện VKS đề nghị xử phạt đại gia này mức án tù chung thân.

Ngã ngửa với trò lừa tỷ đô của ông tiến sĩ tự xưng

Ngã ngửa với trò lừa tỷ đô của ông tiến sĩ tự xưng

Với mức lãi suất do Hải “vẽ” ra, đã có 2.574 cá nhân góp 2.725 tỷ đồng cho “tiến sĩ làm giàu” Phạm Quang Hải.

T.Nhung