- Kết quả tổng tuyển cử tại Nhật Bản ngày hôm qua cho thấy đảng đối lập bảo thủ đã giành phần thắng, điều này cũng đồng nghĩa lãnh đạo đảng là cựu Thủ tướng Shinzo Abe sẽ trở lại làm Thủ tướng Nhật Bản.

Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
Không còn lựa chọn nào khác

Kết quả bầu cử lần này phản ánh nỗi thất vọng của cử tri đối với chính quyền đảng DPJ. Cử tri đã không tiếp tục chọn đương kim Thủ tướng Yoshihiko Noda sau ba năm đảng của ông là Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) có các sai lầm trong chính sách, kinh tế không có tiến triển, thậm chí đang có nguy cơ chững lại trong những tháng qua.

Về đối ngoại, nổi cộm nhất là các vấn đề tranh chấp giữa Nhật với các quốc gia láng giềng về biển đảo thì chính quyền hiện thời chưa thấy có lối đi nào khả dĩ. Chỉ tỉnh riêng trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, các doanh nghiệp và công ty của Nhật Bản đã thiệt hại trên dưới 100 triệu USD do căng thẳng leo thang.

Trong khi đó, tranh chấp với Nga quanh quần đảo Kuril và  Hàn Quốc với quần đảo Dokdo/Takeshima Tokyo đều lép vế hơn khi mất quyền kiểm soát.

Trong bối cảnh căng thẳng do tranh chấp biển đảo leo thang, Triều Tiên mới đây phóng tên lửa, những chính trị gia có chủ trương cứng rắn như Shizo Abe và cựu Thị trưởng Tokyo trở nên có ưu thế hơn hẳn.

Thất vọng với DPJ, cử tri Nhật không còn lựa chọn nào khả dĩ hơn là trở lại với LDP.

Mặc dù giành phần thắng trở lại nhưng lãnh đạo LDP là ông Shinzo Abe nói rằng: "Điều này không có nghĩa là lòng tin dành cho LDP đã được khôi phục hoàn toàn".

"Tôi nghĩ rằng kết quả này có nghĩa là một lời nói 'không' đối với những bối rối về chính trị của đảng DPJ. Mọi người sẽ giám sát chặt chẽ nếu như LDP có khả năng khơi dậy lại các kỳ vọng".

Chuyên gia chính trị Tetsuro Kato tại Đại học Hitotsubashi nói rằng: "Kết quả này cho thấy cử tri thất vọng với DPJ suốt ba năm qua. Đây không phải là thắng lợi vang dội cho LDP nhưng lại là một thất bại nặng nề cho DPJ".

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã ngự trị trên chính trường Nhật Bản suốt nhiều thập kỷ. Shinzo Abe từng là người khiến LDP thất bại sau một loạt bê bối của nội các do ông đứng đầu năm 2007. Giờ đây, cũng chính ông là người đưa LDP trở lại với mục tiêu chấn hưng kinh tế và cứng rắn về ngoại giao cũng như quốc phòng.

Chủ nghĩa dân tộc

Shinzo Abe từng là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Nhật Bản khi lên nắm quyền vào năm 2006, hứa hẹn một làn gió mới cách tân cho nước Nhật già cỗi.

Ông từng giành được sự ủng hộ rất lớn của cử tri Nhật sau chuyến thăm Trung Quốc và Hàn Quốc ngay khi mới đắc cử. Điều nổi bật nhất trong các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Shinzo Abe là chủ nghĩa dân tộc.

Ông từng phê chuẩn luật giáo dục yêu nước. Và cũng chính ông là người đã nâng cấp Cục phòng vệ Nhật Bản thành Bộ Quốc phòng từ sau Chiến tranh Thế giới II.

Trong khi chính quyền ông Noda có chính sách ôn hòa hơn và chủ trương 'tránh' viếng thăm ngôi đền Yasukuni gây tranh cãi, thì Abe lại là người liên tục tới lui ngôi đền này. Động thái này luôn khiến các quốc gia có ân oán lịch sử với Đế quốc Nhật trong Thế chiến II như Trung Quốc và Hàn Quốc nổi giận. Ngoại giao vì thế mà cũng chịu lời qua tiếng lại.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi cầm quyền Shinzo Abe đã không thể tiếp tục các hứa hẹn như ban đầu khi nội các của ông ngập trong các bê bối. Chỉ trong vòng 9 tháng đã có bốn bộ trưởng từ chức và một bộ trưởng tự tử do bê bối tài chính đã giáng đòn vào uy tín của vị Thủ tướng trẻ. Năm 2007, Shinzo Abe từ chức.

Trở lại chính trường lần này, ông Abe hứa hẹn chỉnh sửa nền kinh tế ảm đạm sau nhiều năm giảm phát, và ngày càng yếu ớt hơn vì đồng tiền mạnh hơn đã làm hạn chế xuất khẩu.

Vị lãnh đạo 58 tuổi này nói ông sẽ cải thiện chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ và cân nhắc tới khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân sau sự kiện thảm họa Động đất - Sóng thần - Hạt nhân tại Fukushima vào năm ngoái.

Về đối ngoại, Shinzo Abe vẫn đẩy cao tinh thần dân tộc và chủ trương cứng rắn trong các xung đột, đặc biệt là với Trung Quốc.

Về chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, việc LDP thắng cử và Shinzo Abe trở lại cũng có nghĩa là căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh khó có cơ hội thuyên giảm.

Ông Abe đã dành ra các chiến dịch để hứa hẹn củng cố và thúc đẩy quốc phòng của Nhật và đứng lên trong cuộc xung đột chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

"Trung Quốc đang thách thức thực tế (quần đảo) là thuộc về lãnh thổ hiển nhiên của Nhật. Mục tiêu của chúng ta là chặn đứng thách thức đó" - ông Abe nói, mặc dù khẳng định rằng "Chúng tôi không có ý định làm quan hệ Nhật - Trung xấu thêm".

Lời nhắn mới tới 'người quen cũ'

Ngay sau khi LDP chiến thắng, Trung Quốc đã gửi 'thông điệp' rất rõ ràng cho cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Hãng tin Tân Hoa Xã đã kêu gọi Nhật nên định hình lại chính sách đối ngoại của mình.

'Thay vì cố thỏa mãn các quan điểm diều hâu trong nước và chọn cách chiến đấu với các nước láng giềng, lãnh đạo mới của Nhật nên có quan điểm mang tính lý trí hơn trong chính sách đối ngoại" - trích bài xã luận trên THX.

Bắc Kinh cảnh báo Tokyo về một 'nước Nhật nhược về kinh tế và giận giữ trong chính trị không chỉ tự làm hại chính mình mà còn ảnh hưởng tới cả khu vực và thế giới'.

Hiện nay, Trung Quốc đã vượt Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thứ nhất trong khu vực.

Trước khi tổng tuyển cử tại Nhật diễn ra vài ngày, Bắc Kinh liên tục điều tàu án ngữ lại quần đảo tranh chấp với Nhật tại Hoa Đông. Động thái gây bất ngờ nhất là lần đầu tiên Trung Quốc điều máy bay đi 'tuần tra' quần đảo này.

Quần đảo tâm điểm tranh chấp giữa hai bên là Senkaku/Điếu Ngư hiện đang trong quyền kiểm soát của Nhật Bản sau khi chính quyền trung ương quyết định quốc hữu hóa quần đảo này vào tháng Chín vừa qua.

Lê Thu