Thế giới tận thế, Putin thất bại, Obama chỉ có một nhiệm kỳ, Israel tấn công Iran... là những phỏng đoán hoàn toàn sai trong năm 2012.
Những tin đồn sửng sốt nhất 2012
Những kỷ lục Guinness ấn tượng năm 2012
2012 - Năm đẫm máu nhất đối với nhà báo
Những hình ảnh độc đáo và ấn tượng năm 2012
Ai sẽ là nhân vật của năm 2012?
Những người nổi tiếng qua đời trong năm 2012
Những phát minh sáng tạo nhất năm 2012
Châu Á 2012 qua những con số và xu hướng
Hình minh họa quả cầu tiên tri |
Đây là lời tiên tri khiến cả thế giới hoang mang trước khi đến ngày 21/12. Nguồn gốc của tiên đoán này là theo bộ lịch cũ của người Maya ở châu Mỹ, ngày 21/12/2012 là kết thúc của một chu kỳ, và mở ra một chu kỳ mới.
Ngày này đánh dấu sự chấm dứt của "Chu kỳ lớn" gồm các giai đoạn kéo dài
1.872.000 ngày. Nhưng lịch cổ này đã không còn sử dụng trong cộng đồng người
Maya hiện đại.
Tuy nhiên, đây lại không phải là lời tiên tri vô hại. Theo thăm dò của Ipsos
tiến hành trên 21 quốc gia, 8% người được hỏi đều có cảm giác lo sợ về lời tiên
tri này.
Tại Nga đã có một số trường hợp bị hội chứng 'kích động tập thể' về ngày này, rất nhiều người đã tích trữ lương thực trong trường hợp đại họa xảy ra.
Tại Trung Quốc, hơn 1000 thành viên của một nhóm giáo phái tận thế đã bị bắt
khi có những kế hoạch phi pháp cho ngày tận thế 21/12.
Dick Morris: Mitt Romney sẽ thắng vang dội
"Đây sẽ là ngạc nhiên lớn nhất trong lịch sử chính trị của Mỹ gần đây..." - Dick Moris, một bậc thầy về phân tích thăm dò dư luận của hãng Fox News đã nhận định rằng ứng viên Mitt Romney của Đảng Cộng hòa sẽ thắng cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 vừa qua.
Tuy nhiên, kết quả là ông Mitt Romney đã thua cuộc trước Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Barack Obama: Chỉ làm Tổng thống một nhiệm kỳ
"Mọi người biết đấy, mọi người bầu chọn cho tôi bốn năm... Và một năm sau
tính từ lúc này, tôi nghĩ mọi người sẽ chứng kiến những gì mà chúng tôi đang bắt
đầu sẽ có tiến triển. Nhưng vẫn còn đó những khó nhọc. Nếu tôi không thể hoàn
thành những việc này trong ba năm, thì đây sẽ là nhiệm kỳ duy nhất của tôi" -
Tổng thống Barack Obama phát biểu vào tháng 2/2009.
Có vẻ như Tổng thống Barack Obama đã đánh giá thấp sự kiên nhẫn của cử tri Mỹ
hoặc là kỹ năng chính trị của ông. Trên thực tế, người dân Mỹ và chính ông đã
quyết định nhiệm kỳ thứ hai cho Barack Obama.
Masha Gessen: Sự sụp đổ của Putin
"Với việc người Nga xuống đường để biểu tình trong các cuộc bầu cử quốc hội gần đây, Thủ tướng Nga Vladimir Putin bất ngờ trở thành một vị lãnh đạo quen thuộc. Ông có thể nghĩ rằng ông sẽ được bầu lại làm Tổng thống vào mùa xuân này - vị trí mà ông từng nắm giữ từ năm 2000-2008 và có thể tiếp tục đảm nhiệm vị trí này thêm 12 năm nữa. Nhưng tôi cũng như rất nhiều người Nga khác nghĩ rằng chế độ này sẽ sụp đổ sớm muộn trước kỳ bầu cử tháng Ba" - Masha Gessen đã viết như vậy vào ngày 22/12/2011.
Masha Gessen là nhà báo tại Moscow và là tác giả của cuốn sách "The Man Without a Face: The Unlikely Rise of Vladimir Putin".
Tuy nhiên, Gessen đã hoàn toàn sai khi đa số người dân Nga vẫn chọn Putin làm lãnh đạo kế tiếp.
Tờ Economist: Assad đã thua
"Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ khó lòng trụ nổi trong văn phòng đến hết năm sau khi mà đa số người Sunni bao gồm cả những quan chức quân đội cấp cao và doanh nhân quyết định rằng không thể duy trì sự cai trị của cộng đồng Alawite thiểu số của Tổng thống vốn chỉ chiếm 1/10 dân số" - Tờ báo Economist viết vào ngày 17/11/2011.
Tạp chí đáng kính của Anh có thể đã không sai khi dự đoán rằng chính quyền của Tổng thống Syria không thể trụ lâu hơn được nữa khi mà mới đây, các quan chức CIA nói rằng Damascus có thể sụp đổ trong vài tuần tới. Ngoại trưởng Nga cũng đã phải đề cập tới việc tị nạn của ông Assad.
Tuy nhiên, cái sai trong bài báo dự đoán "Thế giới 2012" của tờ Economist là về thời điểm, vì cho tới nay, chính quyền này vẫn tồn tại.
Bất ngờ tháng Mười của Thủ tướng Israel Netanyahu
"[Benjamin Netanyahu] được xác định là sẽ tấn công Iran trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ... Tôi nghi ngờ rằng ông Obama có thể nói bất cứ điều gì có thể thuyết phục Netanyahu trì hoãn vụ tấn công này" - phóng viên Alon Ben-David của kênh Channel 10 phụ trách quốc phòng nói 'như đinh đóng cột' về cuộc chiến Israel - Iran.
Phỏng đoán này của ông dựa trên các trao đổi với quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Israel.
Bầu cử Mỹ đã tiến hành xong, và Israel chưa tấn công Iran.
Thủ tướng Đức Angela Merkel: Chúng ta đã giải quyết xong vấn đề Hy Lạp
"Những người châu Âu chúng ta đã chứng tỏ thấy rằng chúng ta có khả năng đạt được các kết luật chính xác. Chúng ta đã đạt được thỏa thuận về một gói cứu trợ đầy đủ" - Thủ tướng Đức phát biểu hôm 27/10/2011.
Đây gần như là một nghi lễ đã được tập dượt rất nhiều lần. Các lãnh đạo châu Âu đã gặp gỡ để thảo luận về các biện pháp cần thiết để cứu trợ Hy Lạp và bảo toàn cho khu vực đồng tiền chung, họ tuyên bố rằng cuối cùng đã đạt được một bước đột phá, và sau đó vài tháng, họ lại nói lại câu này.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ về Hy Lạp nhiều đến như thế trong suốt cuộc đời mình" - bà Merkel nói.
Giải Nobel trao cho ai?
Mỗi năm, giám đốc của Học viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo - một nhóm cố vấn Na Uy - là Kristian Berg Harpviken lại đưa ra đề cử các gương mặt xuất chúng nhất cho giải Nobel Hòa bình.
Năm nào đánh giá của Kristian Berg Harpviken cũng khiến giới truyền thông chú ý với các dự đoán của ông. Và chưa năm nào ông đoán trúng, ngoại trừ năm 2007 với giải Nobel giành cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore.
Năm nay, Harpviken lại đưa ra đề cử phỏng đoán cho 5 năm nhân vật và không ai trong số đó giành giải. Thay vào đó, giải thưởng trao về cho Liên minh châu Âu.
Tờ Tấm gương của Đức: Olympic sẽ là một thảm họa
"London và Thế vận hội Olympic rõ ràng là không sinh ra để dành cho nhau. Các du khách sẽ cần quyết tâm, và trên hết là cần kiên nhẫn để tới được các địa điểm. Và đối với người dân địa phương, tất cả không thể kết thúc sớm sủa được" - trích bài báo trên tờ Tấm gương của Đức ngày 17/7/2012.
Tạp chí của Đức không phải là tiếng nói duy nhất nghi ngờ vào thành công của Thế vận hội Olympic khi nhìn vào thực tế u ám của kinh tế Anh, các lo ngại về an ninh, bất ổn về lao động và hệ thống hạ tầng nghèo nàn, và lo ngại rằng đó có thể trở thành một 'đống hổ lốn sũng nước'.
Tất nhiên, Thế vận hội tại London lần này là một chiến thắng gần như xuất sắc trên mọi tiêu chuẩn. Đây là sự kiện được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình, hạ tầng tốt, lo ngại an ninh chỉ là thổi phồng quá đáng và đội nhà đã rinh về rất nhiều huy chương.
- Lê Thu (theo FP)