Trung Quốc đã thông qua một đạo luật yêu cầu con cái trưởng thành tới thăm cha mẹ già thường xuyên, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ bị kiện.

TIN BÀI KHÁC:


Đạo luật này không ghi rõ tần suất các chuyến thăm như thế nào nhưng cảnh báo rằng nếu ai sao lãng có thể bị đưa ra tòa.

Các báo cáo cho thấy ngày càng nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc bị con cái lờ đi hoặc bỏ rơi.

Đầu tháng này, phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về một bà lão 90 tuổi bị con trai bắt sống chung với một con lợn nái suốt hai năm.

Báo chí cũng tràn ngập câu chuyện tương tự như vậy hoặc những câu chuyện con cái cố gắng chiếm đoạt tài sản của cha mẹ hay những người già bị chết trong chính ngôi nhà của mình do không được quan tâm.

Tốc độ phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã phá hủy những gia đình mở rộng truyền thống tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

1/8 dân số Trung Quốc trên 60 tuổi và hơn một nửa trong số họ đang phải sống một mình khi con cái bỏ nhà đi làm ăn tại các trung tâm công nghiệp lớn.

Sự xáo trộn của các gia đình đã trở nên trầm trọng hơn do chính sách một con và sự tiến bộ đáng kể trong tuổi thọ của người Trung Quốc, từ 41 lên 73 trong vòng năm thập kỷ.

Dân số nhanh chóng lão hóa đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định kinh tế và xã hội của đất nước, khi gánh nặng hỗ trợ số lượng người cao tuổi ngày càng tăng đè lên vai những người trong độ tuổi lao động đang ngày càng thu hẹp và mạng lưới hỗ trợ xã hội vẫn còn kém.

Trung Quốc có gần 167 triệu người trên 60 tuổi và 1 triệu người trên 80. Tuy nhiên có rất ít sự lựa chọn để người cao tuổi có thể sống độc lập như lương hưu hay nhà dưỡng lão.

Sầm Hoa (Theo BBC/AP)