Đồng loạt lên án Tổng thống Libya Muammar Gaddafi đã thẳng tay trấn áp người biểu tình song các nhà lãnh đạo trên thế giới gần như chưa có hành động gì để ngăn chặn tình trạng đổ máu ở nước này. 

TIN LIÊN QUAN:

"Đích thân Gaddafi ra lệnh vụ khủng bố Lockerbie"
Libya "giải phóng" nửa đất nước
Libya đầy xác chết, nghìn người tháo chạy
Biểu tình dậy sóng Libya, Gaddafi "quyết tử"

Người Libya chuẩn bị mộ để chôn nạn nhân của làn sóng biểu tình chống chính phủ tại Tripoli. (Ảnh: Getty)

Trong những bình luận công khai đầu tiên về bạo lực ở Libya, Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ trích các vụ tấn công nhằm vào người biểu tình ở quốc gia Bắc Phi là "không thể chấp nhận được" và "vô nhân đạo".

Những gì xảy ra ở Libya đã cướp đi hàng trăm nhân mạng trong vòng 10 ngày qua và đẩy giá dầu lên tới mức đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. 

Tuy nhiên, dường như có rất ít sự đoàn kết và cấp bách trong phản ứng của thế giới, ngay cả khi Washington và Brussels tuyên bố khả năng áp đặt cấm vận chống lại nhà lãnh đạo cầm quyền hơn 40 năm ở Libya. 


"Điều cấp thiết là các nước và dân chúng trên thế giới phải cùng một tiếng nói", Obama nói với các phóng viên ở Nhà Trắng trong lời bình luận công khai đầu tiên của ông về Libya sau 10 ngày bất ổn. "Nỗi đau và cảnh máu đổ rất khủng khiếp", ông nói.

Các hoạt động xuất khẩu dầu mà Gaddafi sử dụng nhằm tránh sự cô lập của thế giới trong những năm qua đã giúp ông có sức mạnh chống lại số phận của lãnh đạo hai nước láng giềng Tunisia và Ai Cập. 

Ngoại trưởng Italy nói rằng, khoảng 1.000 người có thể đã thiệt mạng ở Libya. Các thông tin chưa xác nhận nói binh sĩ và lính đánh thuê đang bắn thẳng vào người biểu tình ở đất nước đóng góp 2% vào sản lượng dầu thế giới này.

Giống như ở nhiều khu vực khác thuộc thế giới Ảrập, động cơ chính khiến người biểu tình Libya đổ ra đường là tâm trạng thất vọng trước sự đàn áp về chính trị và nghèo khó về kinh tế.

Gaddafi đã lãnh đạo Libya bằng sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân túy và kiểm soát gắt gao kể từ khi lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1969.

Trước sức ép hiện nay, ông vẫn kiên quyết bám trụ và các lực lượng dưới quyền ông dường như vẫn kiểm soát được khu vực phía tây nhiều sa mạc của đất nước. Các vùng phía đông, nơi tập trung phần lớn dầu mỏ, giờ đã về tay phe đối lập, với lực lượng an ninh đào ngũ để tham gia cùng người biểu tình.

Chưa rõ Gaddafi sẽ trụ được bao lâu.


Hàng nghìn người nước ngoài, từ bác sĩ cho tới nhà thầu dầu mỏ, đã bỏ chạy khỏi Libya qua các cảng và biên giới. Một lao động Anh đang kêu gọi chính phủ nước mình cứu hàng chục công dân đang mắc kẹt trong các trại trên sa mạc, nói rằng người dân có vũ trang đã cướp mất xe và đồ dự trữ của họ.

Ở các thành phố khác như Benghazi và Tobruk, quân đội và cảnh sát hoặc rút lui hoặc tham gia các nhóm đối lập đảm bảo an ninh và cung cấp một số dịch vụ.

Ở Tripoli, người dân địa phương mô tả đường phố vẫn yên tĩnh. Tuy nhiên, họ không dám đi ra ngoài vì sợ trúng đạn của những người ủng hộ chính phủ.

"Tôi không nghe thấy tiếng súng, không như mấy ngày qua", một người sống cạnh Quảng trường Xanh ở trung tâm thành phố, cho biết. Ông này nói rằng, những người trung thành với Gaddafi đã tập trung ở quảng trường. "Đa số là thanh niên trẻ, nhưng cũng có một số phụ nữ lớn tuổi hơn". 

Sức mạnh dầu mỏ đã biến Libya trở thành một nhà đầu tư quan trọng vào các nền kinh tế phương Tây và mang về cho Gaddafi nhiều đồng minh tiềm năng trong các diễn đàn như Liên Hợp Quốc. Sự khác biệt giữa các nước lớn về cách thức "dấn tiếp" khiến cho triển vọng về một hành động quốc tế tức thời nhằm vào chính phủ Libya bị hạn chế. 

Pháp và Đức thúc ép các nước EU xem xét cấm vận và họ đã đạt được sự đồng thuận sẽ xem xét vấn đề. Một số chính phủ, trong đó có Italy, cảnh báo về nhiều vấn đề kinh tế nếu như các nguồn cung dầu và khí đốt bị phá vỡ.

Trong một thông báo, Hội đồng Bảo an nhất trí kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Libya. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng chưa thể có ngay một nghị quyết chính thức đòi Liên Hợp Quốc hành động.

Thanh Hảo (Theo Reuters)