Muammar Gaddafi nói ông sẵn sàng chết như một "người hy sinh vì nghĩa" ở Libya
và tuyên bố sẽ dẹp bỏ làn sóng biểu tình phản đối chính quyền điều hành nhiều
chục năm ở quốc gia này.
TIN LIÊN QUAN:
Bất ổn Libya thêm dữ dội, hàng trăm người chết
Libya "nguy cơ nội chiến"
Thêm máu đổ ở Trung Đông và Bắc Phi
Trung Đông "sốt" biểu tình, có thêm người chết
Toàn cảnh khủng hoảng Ai Cập
Xuất hiện trên truyền hình, Muammar Gaddafi tuyên bố không bao giờ từ bỏ
quyền lực ở Libya. (Ảnh: Mirror)
Trong bối cảnh biểu tình lan khắp các khu vực
phía đông và tràn tới thủ đô Tripoli, ông Gaddafi đã xuất hiện trên truyền hình
quốc gia, từ chối rời nhiệm như những lời kêu gọi từ chính một số bộ trưởng dưới
quyền, từ các binh sĩ và người biểu tình.
"Tôi sẽ không rời đất này. Tôi sẽ chết ở đây như một người vì nghĩa", Gaddafi
kiên quyết.
Mặc dù ở Ai Cập và Tunisia, các nước láng giềng của Libya, các tổng thống đã
phải từ nhiệm trước sức ép của lực lượng biểu tình nhưng ông Gaddafi tuyên bố sẽ
không hành động tương tự.
"Tôi sẽ tiếp tục ở đây chống cự", trích lời ông Gaddafi, người đã cầm quyền ở
đất nước phần lớn là sa mạc bằng sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân túy và thắt chặt
kiểm soát kể từ khi lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1969.
Người biểu tình bắt đầu đổ ra đường phản
đối chính quyền từ ngày 16/2, đòi chấm dứt 42 năm cầm quyền của Tổng thống
Gaddafi. Các cuộc trấn áp biểu tình của lực lượng an ninh Libya đã làm dấy lên
lo ngại từ Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Ảrập và nhiều nước khác.
Từ New York, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án việc sử dụng bạo lực và yêu
cầu những người chịu trách nhiệm trong các vụ tấn công dân thường phải lĩnh tội.
Bất ổn ở Libya, nước đóng góp gần 2% sản lượng dầu của thế giới, đã khiến giá
dầu thô Brent lên trên 108 USD/thùng và khiến Phố Wall hứng chịu ngày tồi tệ
nhất kể từ tháng 8 do các nhà đầu tư bán hạ cổ phiếu.
Nhà Trắng kêu gọi cộng đồng quốc tế phải chung một tiếng nói khi phản ứng về
"bạo lực kinh hoàng" ở Libya. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Mỹ sẽ
thực hiện "những biệp pháp thích hợp" đúng lúc. Tuy nhiên, Washington có rất ít
ảnh hưởng tới Libya, nước vốn là kẻ thù của Mỹ trong hầu hết thời gian Gaddafi
cầm quyền tới khi nước này nhất trí từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt năm 2003
và giải quyết những yêu cầu liên quan vụ đánh bom Lockerbie năm 1988.
Trong bài phát biểu dài 75 phút, Tổng thống Gaddafi gọi người biểu tình là "đê
tiện và hám lợi, đáng lĩnh án tử hình". Ông kêu gọi dân chúng "dọn sạch Libya
từng nhà một" cho đến khi lực lượng biểu tình đầu hàng.
Gaddafi yêu cầu người dân hãy xuống đường thể hiện lòng trung thành. "Tất
cả những ai yêu quý Muammar Gaddafi hãy ra đường, bảo vệ đường phố, đừng sợ
chúng... Đuổi chúng đi, bắt lấy chúng, giao nộp chúng", ông nói.
Hãng thông tấn chính thức của Libya dẫn lời nhà lãnh đạo này nói với Thủ tướng
Italy Silvio Berlusconi rằng "Libya ổn cả, người dân nước này đang... nắm giữ an
ninh". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh William Hague đánh giá "có nhiều dấu hiệu cho
thấy cấu trúc nhà nước đang sụp đổ ở Libya".
Hiện Anh và các nước châu Âu khác đang tiến hành sơ tán công dân của mình ra
khỏi Libya bằng máy bay.
Tripoli, thành phố ven biển Địa Trung Hải có 2 triệu dân, là chìa khóa nắm quyền
kiểm soát Libya. Tuy nhiên, nhiều vùng miền khác ở nước này giờ không còn dưới
quyền kiểm soát của chính phủ nữa.
"Toàn bộ các khu vực phía đông không còn nằm trong tay Gaddafi... Người dân và
quân đội đang cùng nhau ở đây", trích lời cựu thiếu tá quân đội Hany Saad
Marjaa.
Ở Sabratah, cách thủ đô 80km về phía tây, quân đội Libya đã triển khai "một số
lượng binh lính lớn hơn" sau khi người biểu tình phá hỏng hầu hết các văn phòng
dịch vụ an ninh, báo điện tử Quryna đưa tin.
Trong khi đó, nhiều bộ trưởng và đại sứ đã quay lưng lại với Tổng thống Gaddafi.
Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younes al Abidi trở thành nhân vật cấp cao mới
nhất từ bỏ chức vụ, theo tin từ Đài Truyền hình Al Jazeera. Đài này phát sóng
cảnh Abidi ngồi tại ghế kêu gọi quân đội ủng hộ dân chúng và "các yêu sách hợp
pháp của họ".
Chiều qua, Liên đoàn Ảrập (AL) thông báo họp khẩn để thảo luận về các vụ đụng độ
chết người ở Libya. Tổng thư ký AL Amr Moussa
kêu gọi chấm dứt cảnh bạo lực ở Libya, nhấn mạnh rằng "các yêu sách của người
Ảrập về cải cách, phát triển và thay đổi là hợp pháp, và các nước Ảrập phải đoàn
kết trong thời khắc quyết định này trong lịch sử khu vực".
Thanh Hảo (Tổng hợp)