Các nhà chức trách Mỹ tuyên bố Syria đã trang bị khí độc thần kinh Sarin và nhiều vũ khí hóa học khác cho hàng chục quả bom mà có thể được sử dụng chưa đầy 2 giờ đồng hồ sau khi Tổng thống Bashar al-Assad ra lệnh.

TIN BÀI KHÁC:


Phía Mỹ nói Syria đã chất vũ khí hóa học lên xe đợi lệnh. 
Những quả bom này đã được đưa lên xe gần các căn cứ không quân Syria, theo thông tin mà các nhà chức trách Mỹ báo lên Tổng thống Barack Obama hồi cuối năm ngoái. Thông tin này vừa được tiết lộ cho tờ New York Times và giải thích tại sao ông Obama lại đột ngột cảnh báo chính quyền Assad hồi đầu tháng 12.

Thông điệp của ông Obama - trong đó nói rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học nào cũng sẽ gây ra "nhiều hậu quả" và rằng "thế giới sẽ hành động" - đã kéo theo nhiều thông điệp riêng gửi tới các nhà chức Syria từ Nga và các nước láng giềng, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, rằng họ sẽ "đích thân phải chịu trách nhiệm".

Những thông điệp kể trên, mà các nhà ngoại giao nói với tờ báo trên là đã được phối hợp từ khắp các thủ đô của Mỹ, châu Âu và Ảrập, dường như đã đủ mạnh để ngăn chính quyền Assad đưa số vũ khí này lên các máy bay của họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã lên tiếng một tuần sau đó khi nói rằng những lo lắng tồi tệ nhất đã qua.

Liệu Damascus có thể sử dụng vũ khí hóa học hay không đã trở thành một trong những vấn đề tranh cãi nhất quanh cuộc khủng hoảng ở Syria. Phát ngôn viên của Syria, Jihad Makdissi, tuyên bố hồi tháng 7 rằng chính quyền sẽ không dùng đến các vũ khí hóa học đó "trừ khi Syria bị xâm lược từ bên ngoài".

Bản thân ông Makdissi đã biến mất - và được cho là đã đào tẩu sang Mỹ - ngay trước khi Tổng thống Obama đưa ra cảnh báo.

Chính quyền Assad và những người chỉ trích chính sách phương Tây cáo buộc các thông tin về vũ khí hóa học chỉ là bịa đặt, so sánh điều này với những cáo buộc cách đây một thập niên về "vũ khí hủy diệt hàng loạt" của Saddam Hussein ở Iraq.

Tuy nhiên, Rami Jarrah - một nhà hoạt động Syria tại Cairo - nói rằng các nguồn tin bên trong chính phủ Syria đã tiết lộ với đồng nghiệp rằng chính phủ đã sẵn sàng sử dụng vũ khí ở các khu vực Aleppo và Idlib.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nhân đạo đang tác động đến hàng triệu người tị nạn Syria càng trở nên tồi tệ hơn với thời tiết giá rét bao phủ các trại tạm trên khắp khu vực.

Việc câu trộm điện để sưởi ấm trong các lều bạt tại một trại thuộc tỉnh Sanliurfa ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gây hỏa họa và khiến 2 trẻ nhỏ tử vong. Một cuộc bạo loạn đã nổ ra tại trại Zaatari trên sa mạc phía bắc Jordan, nơi có 50.000 người tị nạn tạm trú sau khi bão lũ cuốn trôi nhiều lều bạt.
Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 600.000 người tị nạn bên ngoài Syria, cùng với nhiều hơn con số đó phải di dời bên trong đất nước này.

Chương trình Lương thực thế giới cho biết, tổ chức này chỉ có thể tiếp cận được 1,5 triệu trong tổng số 2,5 triệu người dự định để cung cấp thực phẩm trong tháng này, khiến 1 triệu người còn lại rơi vào cảnh đói khổ.

Thanh Hảo (Theo Telegraph, Independent)