Khi Nội các nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama dần định hình, chúng ta có thể thấy một số đường nét của những gì Nhà Trắng hy vọng sẽ thực hiện trong 4 năm tới.


Bằng việc đề cử Chuck Hagel và John Brennan, Tổng thống Obama phát tín hiệu ông sẽ bảo vệ các chính sách của mình.

Chủ đề chính là Obama đang sẵn sàng bảo vệ thành trì của mình. Đây là một Nội các với sức mạnh thiên về phòng thủ hơn là tấn công.

Không còn nữa các hy vọng của lưỡng đảng. Giờ đây là thời điểm thực sự bắt đầu cuộc chiến đảng phái. Obama sẽ không đẩy mạnh nhiều thay đổi bước ngoặt trong 4 năm tới song ông cũng không khiến cho phe Cộng hòa dễ dàng tấn công sâu vào những gì ông đã đạt được.

Trong 2 tuần qua, Tổng thống đã đưa ra các bổ nhiệm về an ninh quốc gia - Thượng nghị sĩ John Kerry làm Ngoại trưởng, Thượng nghị sĩ Chuck Hagel làm Bộ trưởng Quốc phòng và John Brennan làm Giám đốc CIA. Sau đó, ông chọn chánh văn phòng của mình, Jack Lew, làm Bộ trưởng Tài chính.

Bốn gương mặt trên cho thấy những ngụ ý quan trọng. Đây là một nhóm có kinh nghiệm và quan hệ sâu rộng ở Washington. Rõ ràng Obama, đã trở nên chín chắn và tỉnh táo hơn sau 4 năm sóng gió chống lại phe Cộng hòa ở Quốc hội, nhận ra rằng ông cần các nhân vật uy tín tại Quốc hội.

Về an ninh quốc gia, đây là một nhóm kinh nghiệm dày dạn có thể bảo vệ các chính sách hiện thời mà chính quyền đã lựa chọn. Obama chọn hai cựu Thượng nghị sĩ và cũng là cựu chiến binh, Kerry và Hagel, với hy vọng dùng quan hệ của họ với giới lập pháp cùng kiến thức của họ về các đường hướng và biện pháp của tiến trình lập pháp.

Mặc dù không thân từ Thượng viện, Brennan là một cựu chiến binh trong giới an ninh quốc gia, đã làm việc ở các cấp tình báo cao nhất kể từ thập niên 1990, và là một người mà Obama thấy sẽ hiệu quả trong việc bảo vệ chính quyền của ông.

Các gương mặt được chọn cũng phát đi một tín hiệu rằng Obama sẽ tiếp tục nhấn mạnh kiểu chương trình nghị sự diều hâu thực dụng mà ông theo đuổi ngay từ khi bắt đầu vào Nhà Trắng. Kể từ năm 2009, Obama nói chung đã theo khuôn khổ chính sách mà ông thừa hưởng từ người tiền nhiệm George W. Bush. Ông đã giữ cho hạ tầng an ninh ở nguyên vị trí, tiếp nối các kế hoạch của Bush ở Iraq và Afghanistan (rút quân ở Iraq và tăng viện, sau đó giảm bớt sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan), và vận dụng một cách chiến lược sức mạnh quân sự tấn công, chẳng hạn như tấn công bằng máy bay không người lái và ám sát các lãnh đạo al-Qaeda.

Không một ai trong số họ là một người chủ trương hòa bình. Kerry thường xuyên đồng ý dùng sức mạnh quân sự, trong đó có cuộc chiến chống ở Iraq. Hagel là một người Cộng hòa kiên định, ủng hộ dùng quân đội khi cần thiết. Brennan rút tên khỏi danh sách đề cử vào vị trí Giám đốc CIA trong nhiệm kỳ đầu của Obama bởi thông tin ông ủng hộ "các kỹ thuật thẩm vấn quá mức" nhằm vào tù nhân. Năm 2007, Brennan từng nói: "Có rất nhiều thông tin khai thác được từ các thủ thuật thẩm vấn này mà CIA đã dùng để chống lại những tên khủng bố khét tiếng".

Những gì ba nhân vật kể trên có chung là niềm tin rằng sức mạnh sẽ được triển khai chỉ khi hoàn toàn cần thiết, và rằng chiến tranh là một lựa chọn cuối cùng cần viện đến. Đây là một tầm nhìn mang tính chủ nghĩa quốc tế vốn đã dẫn dắt chính sách của Mỹ trong phần lớn khoảng thời gian sau Thế chiến II.

Với tất cả tranh cãi xoay quanh các lựa chọn này, những gì cần thấy ở cả ba gương mặt này là mức độ họ ủng hộ về cơ bản đối với những gì Obama đã làm trong nhiệm kỳ 1, và cũng quan trọng không kém, về phần lớn những gì ông Bush đã làm khi đương nhiệm.

Đây cũng là một Nội các với những tín hiệu sẽ tiếp tục thay vì có sự thay đổi ấn tượng.

Tại Bộ Tài chính, việc chọn ông Lew phát đi một tín hiệu có chút khác biệt. Cũng như các nhân vật được đề cử trong lĩnh vực an ninh quốc gia, Lew là người có bề dày kinh nghiệm ở Washington, từng đảm nhận nhiều vai trò trong các cơ quan hành pháp và lập pháp kể từ những năm 1970. Sự bổ nhiệm đối với ông này cho thấy một sự chuyển đổi trong mối quan tâm từ ngân hàng sang ngân sách. Việc chọn Lew, một người kỳ cựu về các cuộc chiến ngân sách kể từ những năm 1990, cho thấy ông Obama sẵn sàng đối đầu với phe Cộng hòa về cắt giảm chi tiêu và trần nợ, đặt một trong những nhà đàm phán hiệu quả nhất và tinh tường nhất của mình lên vị trí cao.

Tuy nhiên, Lew cũng là một người tiến bộ, tin tưởng sâu sắc rằng người giàu sẽ phải trả phần thuế công bằng, và an sinh xã hội cùng chương trình y tế Medicare phải được bảo vệ. Đây sẽ là một trong những vấn đề lớn nhất nằm ở trung tâm các cuộc chiến ngân sách sắp tới, và bằng cách lựa chọn Lew vào vị trí Bộ trưởng Tài chính, Obama đang phát đi tín hiệu rõ ràng rằng ông không định nhượng bộ về những chương trình này trong thời gian tới đây.

Những ai hy vọng về sự thay đổi lớn trong lĩnh vực an ninh quốc gia hoặc chính sách nội địa hẳn sẽ phải thất vọng. Hiện tại, còn quá sớm để khẳng định các quyết định đề cử của ông Obama thể hiện điều gì về các sáng kiến mới mà chính quyền có thể theo đuổi, chẳng hạn như cải cách nhập cư. Tuy nhiên, rõ ràng Tổng thống không định nhượng bộ về những chương trình đang có hiệu lực.

Các lựa chọn đó có thể gợi ý rằng chính quyền đang hướng tới đấu tranh để bảo vệ an ninh quốc gia và các chương trình xã hội then chốt khỏi các khoản cắt giảm ngân sách thay vì thực sự thúc đẩy những cải cách lớn. Bên cạnh đó, Obama đã lựa chọn một số trong những "chiến binh" cứng rắn nhất ở Washington, cho thấy nếu Đảng Cộng hòa muốn một sự thay đổi lớn thì họ sẽ phải tạo ra một nỗ lực khác thường để mong muốn ấy được thực hiện.

Thanh Hảo (Theo CNN)