Bộ trưởng Kinh tế Tendai Biti cho biết quốc gia này chỉ còn 217 USD trong ngân sách công vào tuần trước sau khi trả lương cho công chức.

TIN BÀI KHÁC:


Tuy nhiên, ông Biti cho biết khoảng 30 triệu USD tiền thuế đã được nộp vào ngân sách ngay ngày hôm sau.

Trả lời phỏng vấn của BBC, Bộ trưởng Kinh tế nói rằng ông tiết lộ con số này nhằm nhấn mạnh rằng chính phủ không đủ khả năng để tài trợ cho các cuộc bầu cử.

Các cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức trong năm nay với đảng Zanu-PF của Tổng thống Robert Mugabe cạnh tranh với Phong trào cải cách dân chủ của Bộ trưởng Kinh tế Tendai Biti.

Zimbabwe cần khoảng 200 triệu USD để chi trả cho một cuộc trưng cầu dân ý về một hiến pháp mới cũng như các cuộc bầu cử.

Trước đó, ông Biti đã phàn nàn rằng các công ty khai khoáng kim cương không trả thuế cho chính phủ.

Từ khi lên nắm quyền từ năm 2009, chính phủ liên minh đã chấm dứt nhiều năm siêu lạm phát (2003-2009) bằng cách chuyển sang dùng đồng USD, tuy nhiên nền kinh tế nước này vẫn còn rất non nớt.

Tờ Herald do chính phủ Zimbabwe quản lý cho biết Bộ trưởng Kinh tế Tendai Biti và Bộ trưởng Tư pháp Patrick Chinamasa được giao nhiệm vụ huy động tiền từ các nhà tài trợ.

Theo các nhà phân tích, chính phủ liên minh đã ổn định được nền kinh tế ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cao đồng nghĩa với việc tiền thuế và thu nhập của nước này vẫn rất thấp.

Một số hình ảnh đất nước Zimbabwe thời kỳ siêu lạm phát, khi 100 tỷ đô-la Zimbabwe chỉ đổi được 1 USD.

16/1/2009, một ổ bánh mỳ đã leo thang lên 300 tỷ đô-la Zimbabwe.

Tờ tiền mệnh giá 10.000 và 20.000 đô-la Zimbabwe.

Ôm cả đống tiền mỗi khi đi mua sắm.

Mì tôm, bỏng ngô có giá lên tới chục triệu đô-la Zimbabwe.

Từng đó tiền có lẽ mới đủ cho một bữa nhậu đạm bạc.

Ở Zimbabwe, trẻ con cũng là "triệu phú".
Tờ tiền mệnh giá 100 tỷ đô-la Zimbabwe.

Mặc dù có nhiều tiền nhưng nhiều người dân Zimbabwe vẫn chết đói.

Sầm Hoa (Theo BBC)