Bộ Môi trường Trung Quốc dường như đã thừa nhận sự tồn tại của "những ngôi làng ung thư" sau nhiều năm dư luận bàn tán về tác động của ô nhiễm ở một số khu vực thuộc nước này.

TIN BÀI KHÁC:

Nguồn nước ô nhiễm tại một ngôi làng gần Trùng Khánh có thể là nguyên nhân khiến nhiều người bị ung thư và tử vong.

Trong nhiều năm, các nhà vận động cho biết, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở một số ngôi làng nằm gần các nhà máy và các hệ thống cấp thoát nước bị ô nhiễm tăng vọt. Tuy nhiên, cụm từ "làng ung thư" không phải là một định nghĩa chuyên môn và báo cáo của Bộ Môi trường Trung Quốc không đề cập một cách chi tiết đến thực tế này.

Trước đó đã có nhiều lời kêu gọi rằng Trung Quốc cần minh bạch hơn nữa về nạn ô nhiễm môi trường.

Báo cáo mới nhất từ Bộ Môi trường có tựa đề "Phòng chống và Kiểm soát các nguy cơ do hóa chất gây ra cho môi trường trong giai đoạn 5 năm lần thứ 12 (2011-2015)".

Báo cáo cho biết, nạn sản xuất và tiêu dùng tràn lan các hóa chất độc hại trong diện cấm ở nhiều quốc gia phát triển vẫn được phát hiện ở Trung Quốc. "Các hóa chất độc hại đã gây ra các tình trạng khẩn cấp về môi trường liên quan đến ô nhiễm nước và không khí", trích đoạn báo cáo.

Văn bản này tiếp tục thừa nhận rằng những hóa chất như vậy có thể gây ra một nguy cơ lâu dài đối với sức khỏe con người, tạo ra một mối liên kết trực tiếp đến "những ngôi làng ung thư".

"Có một số trường hợp nghiêm trọng về các vấn đề sức khỏe và xã hội như sự xuất hiện của các ngôi làng ung thư ở một số khu vực cụ thể", báo cáo cho biết thêm.

Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh và một số thành phố của Trung Quốc ở mức nguy hiểm.

Sự giận dữ của người dân Trung Quốc đang ngày càng tăng cao về tình trạng ô nhiễm không khí và rác thải công nghiệp do phát triển công nghiệp gây ra. Truyền thông cũng đưa tin rộng khắp về "các làng ung thư". 

Wang Canfa, một luật sư về môi trường đang phụ trách một trung tâm hỗ trợ về ô nhiễm ở Bắc Kinh, bình luận đây là lần đầu tiên cụm từ "làng ung thư" xuất hiện trong một tài liệu của Bộ Môi trường.

Tháng trước, Bắc Kinh và một số thành phố khác của Trung Quốc đã bị bao phủ bởi một màn khói bụi ở mức độ mà Tổ chức Y tế Thế giới coi là nguy hiểm. Tình trạng ô nhiễm nghẹt thở đã dẫn đến sự phản đối trong dân chúng và một cuộc tranh luận nóng bỏng về cái giá của phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc.

Thanh Hảo (Theo BBC)