- Mới đây, báo Nga đưa tin Bắc Kinh đã điều động quân đội lên biên giới Triều Tiên. Cùng với hàng loạt xe tăng, xe bọc thép canh giữ các chốt còn có các chiến cơ tuần tra trên bầu trời giữa hai nước.
Binh sĩ Trung Quốc được điều động lên biên giới giáp Triều Tiên
Mặt khác, Bắc Kinh lại không có vẻ gì là sốt ruột hay ra sức kiềm chế Bình Nhưỡng trước các đe dọa tấn công, tiêu diệt Mỹ và Hàn Quốc và đẩy chính sách bên miệng hố chiến tranh lên cao độ.
Cách đây chưa lâu, Trung Quốc còn cảm thấy căng thẳng và như bị Mỹ ‘dồn nén’ với chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á – Thái Bình Dương của Washington.
Bắc Kinh liên tục chỉ trích chiến lược này là nhằm vào mình, nhất là những thời điểm Mỹ công bố 60% hải quân nước này sẽ chuyển về tây Thái Bình Dương.
Nhưng ngay cả khi Lầu Năm Góc điều các loại siêu cơ tối tân nhất bay qua bán đảo Triều Tiên, điều tàu chiến tới biển Hoàng Hải, Trung Quốc cũng không tỏ vẻ gì nao núng. Thậm chí, Bắc Kinh nói rằng chính Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm về việc đẩy căng thẳng leo thang tới mức đó.
Trước kia, Trung Quốc hay lo sợ người láng giềng kiêm đồng minh thân cận ‘khó đoán’ của mình hay có phát ngôn và hành động bốc đồng, khiến uy tín của mình bị ảnh hưởng.
Thì nay, khi mà mọi việc ngoài tầm kiểm soát của tất cả các bên, Trung Quốc cũng thể hiện rằng họ chẳng còn cách nào kiềm chế được sự việc và đã cố gắng hết sức có thể.
Bắc Kinh tán thành nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng, cũng không gây khó dễ gì cho Mỹ hay Hàn Quốc đối phó với người hàng xóm nóng tính của mình. Và dù các màn trình diễn đầy khói lửa và súng ống này có quy mô và cường độ thế nào, uy tín quốc tế của Trung Quốc cũng chẳng vì thế mà sứt mẻ một li một lai nào.
Chính vì sự ‘lạnh lùng’ này của Bắc Kinh, nên câu hỏi sẽ được đặt ra trong việc quân đội Trung Quốc được điều động lên biên giới phải chăng chỉ là: một mặt ra vẻ phản đối Bình Nhưỡng, mặt khác Bắc Kinh vẫn ‘ngấm ngầm’ hậu thuẫn cho đồng minh?
Thực tế cách Trung Quốc cho phép dư luận trong nước phản ứng mạnh-mẽ-có-chừng-mực với các động thái của Triều Tiên cho thấy, Bắc Kinh muốn chứng tỏ sự không đồng tình với Bình Nhưỡng trong việc đẩy bán đảo Triều Tiên vào tình thế cheo leo này.
Còn cho quân lên áp sát biên giới, thực chất không phải Bắc Kinh muốn ủng hộ Bình Nhưỡng trước quân đội tinh nhuệ và khí tài sắc bén của Mỹ và Hàn Quốc.
Lo ngại của Bắc Kinh vào thời điểm này chính là những diễn biến bất thường có thể xảy đến trên đường biên giới dài 1300km với Bình Nhưỡng.
Trong khi khí thế chiến tranh ở Triều Tiên đang cao ngút trời thì nguy cơ người dân nước này tị nạn hoặc tràn qua biên giới Trung Quốc là hoàn toàn hiện hữu.
Viễn cảnh đó là một mối đe dọa tàn phá vùng đông bắc còn nghèo nàn như Liêu Ninh, Cát Lâm, Hoắc Long Giang của Trung Quốc. Những hệ lụy sau đó sẽ còn đeo đuổi Trung Quốc nhiều năm sau nữa.
Đó có thể là lo lắng duy nhất của Trung Quốc vào thời điểm này và cũng chính vì vậy mới phải động binh. Còn nhìn thái độ của Trung Quốc lúc này không có vẻ gì là họ đang ‘phát sốt’ lên với nguy cơ chiến tranh toàn diện, thậm chí là cục bộ, ở bán đảo Triều Tiên.
Không phải vô cớ mà Bắc Kinh có vẻ điềm tĩnh và tự tin trước các lời tuyên bố và khí thế chiến tranh rầm rập của Triều Tiên. Bởi – như các học giả và chuyên gia Trung Quốc phân tích – sẽ không có chuyện chiến sự xảy ra.
Hai kịch bản tồi tệ nhất mà Trung Quốc luôn sợ xảy ra với Triều Tiên đó là chiến tranh xảy ra và kinh tế quốc gia đồng minh của họ sụp đổ.
Đối với kịch bản chiến tranh, nếu Triều Tiên thua, Trung Quốc sẽ mất đi vùng đệm then chốt cả về mặt địa chính trị cũng như ý thức hệ. Chưa kể, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt trực diện với ít nhất 28.500 binh sĩ Mỹ đóng ở Hàn Quốc.
Còn nếu Triều Tiên thắng, Trung Quốc cũng chẳng vui, vì điều đó đồng nghĩa với việc thống nhất một dải Triều Tiên - sự thống nhất của một nền kinh tế có sự phát triển thần kỳ và quân đội hùng mạnh thứ tư thế giới.
Trung Quốc cũng không tin rằng vũ khí mà Mỹ năm lần bảy lượt khoe lần này nhằm vào mình. Và họ càng đoan chắc rằng các bên sẽ không cần tới vũ khí.
Bởi Trung Quốc không khó nhận ra sự kiềm chế trong các phát ngôn từ phía Mỹ. Dù những lời lẽ hăm dọa rất đáng sợ nhưng không bên nào muốn mình là người nổ súng trước.
Cho tới lúc này, Mỹ vẫn để ngỏ phương án với Triều Tiên khi Ngoại trưởng Mỹ vừa nói rằng ‘phương án đó chính là ngồi vào bàn đàm phán và tập trung vào người dân’ Triều Tiên. Một thông điệp mới lồ lộ ra lúc này chính là: gác súng, đàm phán và viện trợ (sau loạt ‘thông điệp’ hùng hồn và áp đảo từ các pháo đài bay B-52 và B-2 cùng với chiến cơ Raptor F-22).
Triều Tiên từng đe dọa về khả năng tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân. Nhưng một viễn cảnh có thể nghiệm ra là chỉ đôi ba hôm nữa, không khí tươi vui chào đón kỷ niệm 101 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành sẽ tưới mát bầu không khí trên đất nước này căng thẳng sẽ hạ nhiệt nhanh chóng.
Hãy cùng chờ xem người hiểu Binh pháp Tôn tử nhất là Trung Quốc có lý hay không.
Lê Thu