- Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chỉ vài ngày trở lại đây dường như đã lên tới mức nghẹt thở, tưởng chừng chỉ còn thiếu một cái cớ nữa là chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào.

{keywords}
Triều Tiên trưng bày tên lửa trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành hồi tháng 4/2012

Tháng 12 năm ngoái, Triều Tiên mở màn chuỗi căng thẳng bằng vụ phóng tên lửa tầm xa Unha-3 vào vũ trụ với lý do ‘hòa bình’ là đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Bất chấp kết quả của vụ phóng, cả Hàn Quốc, Mỹ và Nhật bị kích động mạnh. 

Hàng loạt các cuộc tập trận, rồi vũ khí, tên lửa bắn chặn được đặt trong tình trạng ‘sẵn sàng’ bắn hạ các mảnh vỡ, thậm chí cả tên lửa Triều Tiên nếu như vụ thử gây mất an toàn cho các nước láng giềng vốn là đồng minh của Mỹ. 

Các nước láng giềng và phương Tây chỉ có một biện pháp duy nhất đáp trả Bình Nhưỡng đó là siết chặt vũ khí ‘lệnh trừng phạt’ và các nghị quyết cấm vận.  

Triều Tiên lại lấy cớ đáp trả các ‘thế lực thù địch’ gây hấn với mình bằng một vụ thử hạt nhân lần thứ ba dưới lòng đất chỉ hai tháng sau đó. 

Căng thẳng quân sự không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà còn cả khu vực Đông Á một lần nữa bị đẩy lên một nấc khi mối đe dọa về khả năng Bình Nhưỡng có thể lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa tầm xa trở nên rõ ràng hơn. 

Kể từ khi đó, cả vùng biển lẫn vùng trời, đất liền khu vực bán đảo Triều Tiên không còn được bình yên vì các cuộc tập trận hải quân, không quân, bộ binh liên tục diễn ra với mức độ dày đặc, và quy mô kết hợp. 

Mức độ quy tụ khí tài cũng lên tới mức đáng sợ. 

Trong đợt tập trận đầu tháng Hai trước khi Triều Tiên thử hạt nhân, Mỹ đã điều các chiến hạm trang bị tên lửa đạn đạo tầm xa là tàu ngầm hạt nhân 6.800 tấn USS San Francisco (với tên lửa Tomahawk) và tàu khu trục Shilo 9.800 tấn có trang bị thiết bị phòng không Aegis. 

Phía Hàn Quốc triển khai 10 tàu chiến, tàu khu trục 7.600 tấn King Sejong có trang bị Aegis, tàu hộ tống và các tàu ngầm tối tân nhất của Seoul là Type-214, các tàu tuần tra cũng như các máy bay chống tàu ngầm P-3C và trực thăng Lynx. 

Không cần thống kê vũ khí hay quân đội, Triều Tiên đáp lại súng ống của Mỹ, Hàn bằng khí thế bừng bừng và quyết tâm dữ dội trong các đoạn tin trên hãng tin KCNA. 

Những lời lẽ cả đôi bên đưa ra không có chút mảy may khoan nhượng khiến cho cuộc chiến ngôn từ càng lúc càng quyết liệt.  

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Mỹ dẫn đầu càng cố siết chặt lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng bao nhiêu thì Triều Tiên lại phản kháng mạnh mẽ bấy nhiêu. 

Mỗi lần Triều Tiên đưa ra lời đe dọa, mức độ và cường độ lại nghiêm trọng hơn.

Bình Nhưỡng nói thẳng là sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ, gọi đích danh Hàn Quốc – nơi 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú, căn cứ Mỹ tại Nhật, tại Guam, thậm chí Hawaii và cả lục địa Mỹ. 

Washington hẳn nhiên không coi các lời đe dọa này là chuyện đùa nên đã cắt cử thêm các hệ thống đánh chặn ở Alaska và điều động các hệ thống phòng thủ cẩn trọng hơn. 

Trong khi không có một cơ may nào hạ nhiệt các ‘lò phản ứng’ trên bán đảo Triều Tiên, thì Mỹ và Hàn Quốc lại tiếp tục tập trận Đại bàng Non và Giải pháp then chốt song song với chuỗi các cuộc tập trận tấn công đơn lẻ khác. 

Đây là hai cuộc tập trận quy mô rất lớn kéo dài và quy tụ dàn vũ khí khủng nhất của Mỹ. Ngoài các chiến hạm hoàng tráng, Mỹ còn ‘gửi thông điệp’ tới Triều Tiên bằng các chuyến bay thị uy của pháo đài bay B-52 và máy bay ném bom tàng hình B-2 tối tân nhất của mình. 

Bình Nhưỡng cụ thể hóa sự tức giận của mình với các ‘kẻ thù truyền kiếp’ bằng các đoạn video giả tưởng tấn công thành phố của Mỹ, Nhà Trắng, hình ảnh Tổng thống Obama trong biển lửa và tấn công thẳng xuống Hàn Quốc chỉ trong ba ngày. 

Lời nói đi với việc làm. Bình Nhưỡng muốn chứng minh rằng các kế hoạch này hoàn toàn khả thi với binh hùng tướng mạnh của họ như đã thể hiện trong các cuộc tập trận bắn đạn thật đỏ lửa cả trên trời lẫn dưới đất. 

Tình trạng chiến tranh có nguy cơ trở lại khi Bình Nhưỡng đơn phương hủy hiệp ước đình chiến, cắt đường dây nóng chữ thập đỏ cũng như đường dây nóng quân sự.  

Triều Tiên thể hiện quyết tâm trên dưới đồng lòng ở cấp độ cao nhất, tên lửa sẵn sàng và pháo đã lên nòng như thể chỉ cần một viên đạn lạc hoặc một ‘thái độ’ không phù hợp là đối phương sẽ chỉ còn cách nhận lấy kết cục thảm khốc. 

Trong những nỗ lực nhằm làm Bình Nhưỡng thoái chí, Mỹ và Hàn cũng không chịu ngồi yên nhìn súng chĩa vào đầu mình. Washington quyết tâm bảo vệ đồng minh đến cùng khi tuyên bố sẽ dùng ‘ô hạt nhân’ để đỡ đạn cho Seoul. Vũ khí của Mỹ sẽ bảo vệ Hàn Quốc.

 Thêm vào đó, hai đồng minh đã ký mới một gói thỏa thuận trong đó cho phép Mỹ can thiệp vào tình hình ngay khi có những gây hấn nhỏ nhất, chứ không chờ đến khi chiến tranh toàn diện nổ ra mới tham chiến.

Khi Kim Jong Un lên thay cha và bà Park Geun-Hye lên nắm quyền, nhiều người từng kỳ vọng lớp lãnh đạo mới sẽ có thể thổi làn gió mới dịu mát hơn trên bán đảo Triều Tiên. 

Nhưng trên thực tế, cục diện bán đảo này lại lao theo vết xe cũ và đẩy chính sách ‘bên miệng hố chiến tranh’ lên tới cực điểm. 

Hòa bình mong manh có lúc khả dĩ dưới thời ‘chính sách ánh dương’ đã tiêu tan trước những họng súng đang chực xả vào nhau trên bán đảo Triều Tiên. 

Người duy nhất được kỳ vọng lúc này có thể gỡ ngòi nổ là Trung Quốc lại đóng vai trò mờ nhạt ngay từ ban đầu và cho tới giờ, hầu như không còn tiếng nói gì đáng kể. 

Câu hỏi cấp thiết nhất lúc này không phải là bao giờ chiến tranh sẽ nổ ra, mà là nhân vật nào sẽ đóng vai ‘cứu tinh’ trong thời khắc sắp chạm 'điểm bùng nổ'? 

Lê Thu

Các tin liên quan

Lãnh đạo Triều Tiên lệnh sẵn sàng tấn công Mỹ

Máy bay ném bom B-2 Mỹ đổ dầu vào chảo lửa Triều Tiên

Khói lửa đạn pháo rợp trời Triều Tiên

Mỹ 'kiên định' ủng hộ Hàn Quốc chống Triều Tiên

Triều Tiên cảnh báo Tổng thống Hàn Quốc 'ăn nói cẩn thận'

Triều Tiên 'sẵn sàng tấn công' Hawaii, Guam, Hàn Quốc

Pháo của Triều Tiên đã 'lên nòng'

'Chiến binh số' của Triều Tiên mạnh đến mức nào

Triều Tiên tung clip tấn công Hàn Quốc trong ba ngày

Triều Tiên dọa tấn công Nhật, Guam

Triều Tiên dọa tấn công hàng loạt căn cứ Mỹ