Chủ tịch Kim Jong-un của Triều Tiên đang khấy đảo cả thế giới bằng một loạt tuyên bố đe dọa chiến tranh nhằm vào Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Các tin liên quan

"Biển người" Triều Tiên mít-tinh ủng hộ Kim Jong-un

Lý giải động thái quân sự của Trung Quốc với Triều Tiên

Cận cảnh hệ thống phòng không của Triều Tiên


{keywords}
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang cố gắng chứng tỏ mình như một lãnh đạo cứng rắn

Là một nhân vật mới nắm quyền lực trong tay nhưng nhà lãnh đạo 30 tuổi của Triều Tiên đã có những lời lẽ chọc giận hầu hết các láng giềng của mình, dọa dạy cho tân chính phủ Hàn Quốc một bài học và thiêu rụi Manhattan của Mỹ.

Ông Kim Jong-un đơn phương tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận ngừng bắn liên Triều năm 1953, tái khởi động tổ hợp hạt nhân Yongbyon và cắt đứt mọi liên lạc với Seoul.

"Tình trạng chiến tranh" mà ông Kim Jong-un tuyên bố mới đây liệu có là một tiền tố của một cuộc chiến thật sự? Hay cũng giống như người cha Kim Jong-il, ông này đơn giản chỉ muốn thu hút sự chú ý của một thế giới đang bận dõi theo Syria và một Trung Đông nóng bỏng?

Nếu ở Hollywood, có lẽ đây sẽ là một câu chuyện giả tưởng. Nhưng thật không may, với 7 tỷ người bên ngoài Triều Tiên thì mối đe dọa đó thực sự hiện hữu.

Tuy viễn cảnh tồi tệ nhất có thể không xảy ra và chiến tranh sẽ không bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên, nhưng những người quan tâm vẫn muốn biết ông Kim Jong-un sẽ làm được gì và có thể đi đến đâu.

Dưới đây là một số góc nhìn giúp hiểu thêm về chính trị và hướng đi tương lai của cuộc khủng hoảng liên quan đến Triều Tiên.

Thứ nhất, Tổng thống Obama đã xử lý một cách hiệu quả cơn giận dữ bừng bừng của Chủ tịch Kim Jong-un. Ông đã bỏ qua các tuyên bố kích động của lãnh đạo Triều Tiên và tập trung phô trương sức mạnh cùng quyết tâm của Mỹ.

Bằng cách điều các máy bay F-22 đến yểm trợ các lực lượng mặt đất ở phía nam Khu vực Phi quân sự và hai máy bay B-52 đến tập trận hồi tuần trước, ông chủ của Nhà Trắng đã gửi đi một thông điệp duy nhất mà lãnh đạo Triều Tiên không thể không hiểu ra - chúng tôi giỏi hơn và có sức mạnh tinh vi hơn gấp nhiều lần, vì thế hãy ở yên tại chỗ của mình. Lời cảnh báo của ông Obama rất có thể sẽ có tác dụng nhưng chắc chắn ông Kim Jong-un sẽ vẫn tiếp tục những lời lẽ khoa trương.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy Trung Quốc không thể kiềm chế được Triều Tiên. Và một Trung Quốc không thể tác động, thậm chí bị làm bẽ mặt bởi một Kim Jong-un non trẻ và nóng nảy rõ ràng cho thấy nước này chưa thể dẫn đầu thế giới trong vị thế vươn tới quyền lực của mình.

Thứ ba, nếu nói Trung Quốc không thể kiềm chế Triều Tiên thì cả thế giới cũng vậy. Tuy Obama "phản đòn" Kim Jong-un một cách rất khéo léo trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Mỹ vẫn ở thế đang thua trận. Triều Tiên đã vi phạm tất cả các thỏa thuận mà nước này ký với các Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush. Chính quyền Bình Nhưỡng "bỏ túi" các nhượng bộ của Mỹ và công khai làm điều mà Washington yêu cầu họ đừng làm: tạo ra một sức mạnh vũ khí hạt nhân ở trung tâm châu Á.

Mỹ và Trung Quốc sẽ cần phải trở lại bàn đàm phán trong một thế giới mà sức mạnh khuếch tán hơn và bên mạnh không thể tìm ra cách để kiểm soát một đất nước như Triều Tiên.

Thứ tư, có một bài học lớn hơn mà nhiều người có thể rút ra trong cuộc tranh luận công khai về Triều Tiên. Những đe dọa mới nhất của ông Kim Jong-un gợi nhớ thực tế rằng Obama đã đúng khi đặt vấn đề không phổ biến hạt nhân lên ưu tiên hàng đầu ở Thượng viện Mỹ và giờ đây là ở Nhà Trắng. Các công nghệ gây chết người kết hợp với ý đồ xấu sẽ tạo thành mối đe dọa khốc liệt nhất đối với an ninh và hòa bình thế giới.

Thanh Hảo (Theo Global Post)