Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay gần như thẳng thừng chỉ trích Mỹ vì đã làm căng thẳng tại châu Á - Thái Bình Dương leo thang khi Washington tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh trong khu vực. 

{keywords}
Trung Quốc gần như chỉ đích danh Mỹ làm cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương leo thang căng thẳng. Ảnh: Reuters

Bắc Kinh đưa ra bình luận này chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công du tới Trung Quốc để giải quyết vấn đề ở Triều Tiên.

Trung Quốc khó chịu với điều mà Mỹ gọi là 'tái cân bằng' lực lượng khi Washington rút khỏi cuộc chiến ở Afghanistan và xoay trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương.

Trung Quốc nói rằng, "chính xách này đã khuyến khích Nhật, Philippines ... trong các cuộc tranh cãi biển đảo kéo dài."

Trong sách trắng thường niên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng nước này đang đối mặt với 'nhiều mối đe dọa an ninh và phức tạp' cho dù tầm ảnh hưởng đang gia tăng, đồng thời nói thêm rằng chiến lược của Mỹ cũng nhằm 'thay đổi sâu sắc' khu vực này.

"Có một số quốc gia đang củng cố các liên minh quân sự của họ ở châu Á - Thái Bình Dương, mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực và thường xuyên khiến cho tình hình tại đây căng thẳng hơn" - bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra quan điểm trong tài liệu dày 40 trang, với ám chỉ rõ ràng nhằm vào Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng các động thái đó 'không phù hợp với các chiều hướng của mọi thời và không có lợi co việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực'.

Tờ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa còn đi xa hơn khi có bài bình luận vào hôm qua rằng "Trung Quốc cần tăng cường tiềm lực quốc phòng của mình để đối phó với các thế lực thù địch phương Tây đang hòng làm suy yếu Bắc Kinh."

"Các thế lực thù địch phương Tây đã tăng cường chiến lược để tây hóa và chia rẽ Trung Quốc, và đã phát triển mọi phương tiện có thể để kiểm soát và kiềm chế sự phát triển của đất nước chúng ta" - trích bài bình luận trên tờ Nhật báo.

Cũng trong hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bảo vệ chính sách đối ngoại của Mỹ trong chiến lược hướng Á khi ông có chuyến công du nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Một mặt, Trung Quốc nổi giận với hành động của phía Triều Tiên, mặt khác, Bắc Kinh cũng nói rõ rằng "việc Mỹ phô trương lực lượng nhằm đáp trả hành vi của Bình Nhưỡng chỉ làm tình hình tiến triển xấu hơn."

"Nhật Bản đang gây rối"

Tháng trước, Trung Quốc đã công bố mức tăng ngân sách quốc phòng đáng kể cho năm tới. Theo đó, năm 2013 Trung Quốc sẽ chi cho quốc phòng là 740,6 tỷ Nhân dân tệ (119 tỷ USD). Bắc Kinh cũng đang dính vào các tranh chấp biển đảo với một loạt vụ trên biển Đông và Hoa Đông.

Về vấn đề biển Hoa Đông, sách trắng Quốc phòng Trung Quốc có nói: "Một trong những vấn đề liên quan tới chủ quyền và quyền lợi biển đảo của Trung Quốc, một số quốc gia láng giềng đang có những hành động làm phức tạp hoặc trầm trọng thêm tình hình, và Nhật Bản đang gây rối trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư".

Tranh cãi với Nhật về quần đảo không người ở ở biển Hoa Đông đã leo thang nhiều tháng nay. Đã có lúc hai bên điều máy bay chiến đấu tới khu vực này. Hiện, Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang kiểm soát.

Mỹ chuyển hướng sang châu Á khi Trung Quốc tăng cường chi tiêu quân sự và xây dựng các tàu ngầm, tàu trên biển và các tên lửa đạn đạo chống hạm trong chương trình hiện đại hóa hải quân của mình.

Bắc Kinh đã thử nghiệm công nghệ nổi trội nhằm tiêu diệt các tên lửa vẫn đang trong hành trình bay.

Trung Quốc luôn nói rằng thế giới không có gì phải sợ trước việc Bắc Kinh chi tiêu cho quốc phòng và nói rằng việc này là cần thiết để hợp thức hóa các mục đích phòng vệ trong một thế giới phức tạp và nhiều biến động hiện nay. Bắc Kinh cũng nói rằng tổng thể các khoản chi cho quốc phòng của Trung Quốc so với Mỹ vẫn 'chẳng đáng là bao'.

Lê Thu (theo Reuters)

Các tin liên quan

Trung Quốc với chiêu 'không đánh mà thắng' trên Biển Đông

"Triều Tiên đang ‘nắn gân’ Trung Quốc"

Tại sao Trung Quốc buông lỏng Triều Tiên?

Trung mềm mỏng, Mỹ dịu giọng với Triều Tiên

Lý giải động thái quân sự của Trung Quốc với Triều Tiên