Triều Tiên dường như đang trong một cuộc chiến cân não với cả Mỹ và Hàn Quốc trước khi bước vào bàn đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.

Các tin liên quan

Khủng hoảng Triều Tiên bị 'bồi' thêm bê bối gián điệp

Bí ẩn quanh loại rượu Triều Tiên xuất sang Mỹ

Giải bài toán chiến tranh Triều Tiên

{keywords}
Tên lửa Musudan của Triều Tiên.

Các giả thuyết này được đặt ra khi Bình Nhưỡng bác bỏ các kêu gọi đối thoại mà Seoul và Washington đặt ra hồi đầu tuần, nhưng lại ra hai tuyên bố yêu cầu chấm dứt hành động thù địch như là biện pháp đầu tiên để bước vào đối thoại.

Hai cơ quan chịu trách nhiệm tiến hành đàm phán với Hàn Quốc là Ủy ban Quân sự Quốc gia và Ủy ban Thống nhất hòa bình Triều tiên (CPRK) đã đề cập tới khả năng đối thoại, thậm chí ngay cả khi trước đó Bình Nhưỡng kêu gọi ‘hành động quyết định’ nhằm vào nhóm hoạt động chống Triều ở Seoul.

Hai cơ quan này đã yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tập trận quân sự ngay lập tức, bao gồm cả các cuộc tập trận chống hạt nhân, để các bên có thể ngồi vào bàn đàm phán. Đồng thời, các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cũng phải thu hồi lại, và mọi phương tiện có thể dẫn tới xung đột hạt nhân phải rút ra khỏi bán đảo Triều Tiên mãi mãi.

Các nhà phân tích về Triều Tiên nói rằng hai tuyên bố trên có nghĩa là Bình Nhưỡng coi sự chấm dứt ‘các hành động thù địch’ là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ đối thoại nào trong tương lai.

Nhà nghiên cứu cấp cao Chang Yong-seok của Học viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất tại Đại học Quốc gia Seoul nói rằng một khi điều kiện này bao gồm cả cuộc tập trận Đại bàng non thì có khả năng là Bình Nhưỡng sẽ giảm bớt các lời đe dọa và sẽ nói ra những gì họ muốn.

“Thay vì khiến cho căng thẳng leo thang, có khả năng là Triều Tiên sẽ đổi hướng liên tục - từ kêu gọi đối thoại cho tới đưa ra hăm dọa (để khiến đối phương nhượng bộ)” – ông Chang nói.
Hai ủy ban này cũng nhắc lại rằng Triều Tiên không chấp thuận các điều kiện mà Seoul và Washington đưa ra để mở đường cho các cuộc đối thoại trong tương lai.

Ủy ban Quân sự của Triều Tiên nói rằng phòng thủ hạt nhân của họ là phương tiện để bảo vệ đất nước này và đóng vai trò là vũ khí phòng vệ trước mọi cuộc tấn công của Washington. Ủy ban này nói rằng việc kêu gọi Triều Tiên kéo dài gói thỏa thuận phi hạt nhân chỉ là yêu cầu nực cười.

Tổng thống Hàn Quốc nhắc lại rằng Seoul sẽ không chấp nhận một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Còn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng trừ khi có chứng cứ rõ ràng rằng Bình Nhưỡng có biện pháp từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, còn không thì Washington sẽ không tới bàn đàm phán hoặc cân nhắc viện trợ.

Thêm vào đó, Mỹ và Hàn cũng nói rằng họ sẽ không ‘thỏa mãn’ Triều Tiên như những lần trước để khiến Bình Nhưỡng bước vào đàm phán.

Hai nước đồng minh cũng nhất trí rằng giờ là lúc chấm dứt vòng tròn luẩn quẩn – đó là Bình Nhưỡng đẩy đến tình thế khủng hoảng và sau đó lại tới bàn đàm phán, và rồi đạt được các nhượng bộ bằng cách đưa ra những lời hứa mà rốt cuộc họ cũng không giữ lời.

CPRK nói rằng những bình luận như vậy về Triều Tiên là một sự lăng mạ đối với Bình Nhưỡng.

“Những lời lẽ đó là không thích hợp đối với một bên đang muốn tham gia đối thoại” – CPRK nói, ám chỉ rằng Bình Nhưỡng có thể không tham gia bất kỳ đàm phán nào chỉ xoáy vào việc bắt họ từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Thay vào đó, họ muốn tính đến các thay đổi tập trung vào việc điều chỉnh lại cấu trúc quan hệ với Mỹ, chẳng hạn như việc ký kết một hiệp định hòa bình để thay thế lệnh ngừng bắn sau cuộc chiến liên Triều (1950-1953).

Hơn nữa, ủy ban của Triều Tiên còn nói rằng họ không có kế hoạch đưa các tiềm lực phóng vệ tinh và phòng thủ hạt nhân của họ lên bàn đàm phán để đổi chác hay tranh cãi.

Họ nhấn mạnh rằng tất cả chương trình này đều là tài sản và ‘tự trọng’ quốc gia của họ. Bình Nhưỡng nói rằng chừng nào trên thế giới còn các mối đe dọa hạt nhân, họ sẽ không bao giờ từ bỏ quyền của mình.

Để thể hiện quan điểm này, Triều Tiên liên tục kêu gọi đối thoại không phổ biến và phi hạt nhân hóa trên toàn cầu, bao gồm cả với các cường quốc hạt nhân. Những lời kêu gọi này đều nằm ngoài tai Mỹ.

“Nếu các tuyên bố này của Triều Tiên được coi là các điều kiện tiên quyết cứng rắn để đối thoại trong tương lai thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian để có thể khởi động đối thoại, nhưng nếu như đây là các chủ đề có thể đề cập tới thì sẽ có cơ hội đạt được tiển triển” – ông Im Soo-ho, một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung nhận định.

Những nhà quan sát khác lại cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ theo hướng hạ nhiệt dần các căng thẳng sau vài tháng vừa qua.

Mặc dù vẫn cần phải hết sức kiên nhẫn, nhưng nếu như Triều Tiên không có hành động nào nữa nhằm thách thức các đối thủ của mình thì đó có thể coi là một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng có thể tham gia đối thoại để giải quyết thế bế tắc hiện nay.

Triều Tiên dường như có thể phóng tên lửa tầm trung Musudan vào tuần trước. Nhưng họ đã quyết định không làm như vậy.

Lê Thu (theo Yonhap)