Có quá nhiều tương đồng giữa Libya và Iraq. Cảnh vật khô cằn và bánh kếp đều mỏng. Nhà cửa tựa kiểu khổ hạnh Xpac-tơ và nhuốm mầu nâu xám. Vì lịch sử bị trừng phạt, và tính thất thường của giới lãnh đạo, người Libya và Iraq giống nhau ở chỗ đều hưởng lợi rất ít từ nguồn dầu mỏ dồi dào của đất nước. Cả hai đều gánh cảnh bị "bỏ quên".




Lực lượng đối lập vui mừng trước nghị quyết của LHQ

Hội đồng bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 1973 áp đặt vùng cấm bay và cho phép thực thi các biện pháp cần thiết bảo vệ thường dân. Ở Libya, điều đó đồng nghĩa với việc không kích vào lực lượng trên bộ của Đại tá Muammar Gaddafi nếu họ tiếp tục bắn phá các thành phố. Ngoài ra, đoàn tàu chiến của Libya cũng sẽ là mục tiêu nếu chúng được sử dụng cho các chiến dịch ném bom dân thường.

Người Pháp từng tuyên bố cứng rắn rằng, các cuộc không kích lực lượng Chính phủ Libya sẽ diễn ra trong vài giờ tới. Thủ tướng Anh David Cameron cũng loan báo các máy bay chiến đấu Tornado và Typhoon đang sẵn sàng chờ lệnh hành động ở Libya.

Phản ứng trước nghị quyết của LHQ, Chính phủ Libya tuyên bố ngừng bắn và kêu gọi ngừng tất cả các chiến dịch quân sự để tuân thủ bản nghị quyết vốn nhấn mạnh đến điều khoản bảo vệ thường dân. Điều đó có nghĩa thế nào thì vẫn cần phải đánh giá thêm vì cả Anh và Pháp đều muốn thấy hành động của Gaddafi chứ không phải lời nói của ông này. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn trong trừng mực nào đó cũng khiến phương Tây khó lấy cớ để không kích Libya.

Tháng 4/1991, Hội đồng bảo an đã phê chuẩn nghị quyết kêu gọi Iraq chấm dứt các hành động đàn áp dân thường. Mỹ, Anh và Pháp cũng đã áp đặt vùng cấm bay. Lúc đó đã quá muộn đối với những người Shi'ite ở miền Nam, thành trì của cuộc nổi dậy chống chính phủ. Hàng nghìn người đã bị giết dưới họng súng của Chính phủ Iraq, trong khi người Kurd ở miền Bắc vẫn an toàn.

Tương tự, quyết định của LHQ quá muộn đối với nhiều người Libya. Các thành phố miền Tây tan tác vì các cuộc phản công của lực lượng Chính phủ. Tuy nhiên, ở miền Đông Libya "dễ thở" hơn. Dù là sự thật hay tưởng tượng thì nỗi sợ hãi phải gánh chịu vũ khí hóa học của người dân miền Đông cũng phần nào được đẩy lùi. Các gia đình miền Đông từng lo sợ về một Halabja thứ hai, thị trấn bị máy bay MiG của Saddam Hussein rải khí độc hồi tháng 3/1988, giờ có thể thở phào.

Vùng cấm bay còn có ý nghĩa tạo thế cân bằng trong cuộc xung đột giữa Chính phủ và lực lượng nổi dậy ở Libya. Ở một đất nước rộng gấp 4 lần diện tích Iraq, không lực đóng vai trò then chốt trong ý đồ của lực lượng Chính phủ. Dù đóng quân ở căn cứ Bab al-Aziziya,  Gaddafi vẫn có chiều sâu chiến lược, chuyển quân và duy trì các đường cung ứng ngang qua xa mạc Sahara, chia rẽ đông và tây. Nhưng, nếu không có sức mạnh trên không, lực lượng trên bộ của Gaddafi cũng bị kéo căng ra chẳng khác gì lực lượng nổi dậy.

Trên chiến trường, sức mạnh không quân đã trao cho Gaddafi một lưỡi dao chiến thuật. Bất kể khi nào có giao tranh giữa lực lượng chính phủ và quân nổi dậy, sức mạnh không quân đóng vai trò quyết định. Trên địa hình cằn cỗi, bằng phẳng, quân Chính phủ dễ dàng xác định được các mục tiêu lộ thiên của lực lượng nổi dậy, và thậm chí dễ dàng bị phát hiện khi rút lui. Không kích còn ngăn chặn được những tay súng "nghiệp dư" tái hợp để tung ra đợt phản công mới.

Về mặt tâm lý, quyết định áp đặt vùng cấm bay của LHQ (một nghị quyết mà người Kurd ở Iraq chưa từng được hưởng) chính là ân huệ lớn đối với lực lượng nổi dậy ở Libya. Khi quân đội của Gaddafi tiến quân, và cộng đồng quốc tế dường như vẫn còn lung lay, thì nhiều người Libya vốn ủng hộ lực lượng chống đối đã bắt đầu nhụt chí. Ở Benghazi, nhiều doanh nhân từng treo cờ của lực lượng nổi dậy đã phải lặng lẽ hạ cờ. Những người trung thành thuộc ủy ban cách mạng của Đại tá Gaddafi đã xuất hiện trở lại trong các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát, yêu cầu cam kết trung thành...Các thủ lĩnh bộ lạc ở miền Trung Libya cũng tỏ vẻ trung lập. Tất cả như thể bức màn sợ hãi của Gaddafi chuẩn bị chụp xuống một lần nữa thì cam kết của cộng đồng quốc tế giúp đẩy nó lên.

Nguy hiểm vẫn rình rập ở miền Tây. Gaddafi có thể chưa phản ứng điên cuồng. Trong một lần phỏng vấn, ông ta đe dọa sẽ mạnh tay nếu bị lực lượng bên ngoài tấn công và Tripoli có thể đáp trả bằng các đợt không kích hoặc đánh vào tuyến hàng hải trên Địa Trung hải. Nhưng trường hợp Iraq trước đó lại chứng minh điều ngược lại. Saddam Hussein bị bó buộc bởi các điều khỏa cấm bay và để nguyên đội máy bay chiến đấu trên mặt đất vì không muốn liều mình lôi phương Tây vào sâu hơn xung đột có thể lật đổ chiếc ghế ông đang ngồi.

Bản thân vùng cấm bay không thể chấm dứt ngay xung đột hay ngừng hẳn bạo lực. Trên bộ hay trên biển - nhờ được cung cấp thuyền cao tốc từ Italia - quân đội được trang bị tận răng, đào tạo bài bản và trả lương hậu hĩnh của Gaddafi vẫn là một "lưỡi dao sắc nhọn". Họ đã giành quyền kiểm soát ở miền Tây, gần như toàn bộ miền Trung, và từ chiến tuyến Ajdabiya, tới cửa ngõ vào Benghazi, đồng thời tiếp tục phủ bóng đen lên các căn cứ miền đông của lực lượng nổi dậy và nhiều khu vực giàu dầu lửa. Về phần mình, lực lượng nổi dậy nhờ không phải lo nhiều đến các đợt không kích sẽ gia tăng nỗ lực tiến quân về Tripoli. Lệnh áp đặt vùng cấm bay sẽ mở rộng chiến sự trên bộ giữa các khu vực nhiều dầu mỏ và dọc các tuyến trên sa mạc. Nếu không có sự điều đình, Libya trên thực tế đã bị chia cắt giữa miền đông an toàn và miền Tây bão lửa sẽ ngày một rõ nét hơn.

Trần Kiên
(Theo Economist)