Cuối tuần này, người tuýt còi Mỹ Edward Snowden sẽ trải qua tròn 4 tuần trú ngụ ở khu quá cảnh của sân bay Sheremetyevo, Moscow. Cách đó hơn 3.000km, ở nước láng giềng Kazakhstan, một người đàn ông trẻ đã sống suốt 4 tháng ở khu quá cảnh sân bay - và thừa nhận cảnh sống này sắp khiến anh phát điên.

TIN BÀI KHÁC:


{keywords}

Sân bay quốc tế Almaty của Kazakhstan là một phi trường nhỏ nên không có đủ chỗ để hành khách qua lại vui chơi thoải mái.

Đối với Mohammed Al Bahish, kẹt ở sân bay suốt 120 ngày quả là một thử thách khốn khổ. Anh thậm chí còn không thể tiếp cận các dịch vụ miễn thuế hay thậm chí cà phê giá cao. Người tị nạn Palestine 26 tuổi sinh ra ở Iraq này bị hạn chế ở "khu nghèo nàn" dành cho hành khách và các nhân viên sân bay và anh là người duy nhất không thuộc hạng nào.

Mohammed không có visa để vào Kazakhstan hay đi bất kỳ nước nào khác. Israel sẽ không cho phép anh tới các vùng lãnh thổ Palestine. Liên Hợp Quốc thừa nhận, do không còn thân nhân sống tại Iraq nên sẽ không an toàn choMohammed trở về đất nước nơi anh chào đời. 

Mỗi ngày, Mohammed bừng thức giấc bởi tiếng loa thông báo chi tiết về các chuyến bay, giờ đóng cửa và các quy định hải quan của Kazakh. 

"Tôi cảm thấy mình sắp điên rồi", anh bày tỏ. 

{keywords}

Mohammed bị giới hạn ở căn phòng khoảng 6m2 không cửa sổ bên trong sảnh đến. Trong phòng nồng nặc khói thuốc lá này có một chiếc giường ngủ, một sofa đã sờn và một chiếc bàn với cuốn kinh Koran trên đó. Qua cửa ra vào khép hờ, những dòng người mới đến rảo bước từ cửa hạ cánh tới khu kiểm soát hộ chiếu.

Hàng ngày, Mohammed được cấp những suất ăn dành cho hành khách của Air Astana, hãng hàng không quốc gia Kazakhstan và điều này càng làm tăng cảm giác như anh đang ở chốn lao tù.

"Họ mang thức ăn đến 3 lần mỗi ngày - những chiếc hộp nhỏ chứa salad và bánh", anh kể. "Trong suốt tháng 6 vừa qua tôi chỉ ăn thịt bò và nấm xốt. Tôi không nghĩ mình sẽ có thể lại ăn thịt bò được nữa".

An ninh sân bay kiểm soát mọi hành động của Mohammed bên ngoài căn phòng. Thỉnh thoảng anh được phép đi mua đồ uống hoặc dùng phòng tắm của các nhân viên ở ban hành lý. Nhưng dù anh đi đâu thì đều có cảnh sát hoặc bảo vệ đi kèm.

Cơ hội duy nhất để hít thở không khí tươi mới của Mohammed là dạo bộ tới khu vực hành lang nhìn ra đường băng. Tiếp xúc duy nhất của anh với thế giới bên ngoài diễn ra khi tín hiệu wifi miễn phí chập chờn xuất hiện và khi đó anh sử dụng Skype. 

"Tôi trò chuyện với anh họ của mình là Yaser, anh ấy sống ở Na Uy. Tôi không còn ai thân thích khác. Cha mẹ tôi chết ở Iraq khi tôi 16 tuổi và tôi không có anh chị em nào", Mohammed kể. 

{keywords}

Chính khát vọng tạo dựng một gia đình riêng cho chính mình đã đưa Mohammed tới Kazakhstan để sống cùng bạn gái của anh, Olesya Grishenko, người hiện đang mang bầu đứa con đầu lòng của họ. Cô gái Kazhakhstan này gặp Mohammed khi đi nghỉ ở Dubai, nơi anh đang làm việc như một nhà thiết kế nội thất.

Ở Kazakhstan, trong khi chuẩn bị đăng ký hôn nhân, Mohammed đã đánh mất giấy tờ tùy thân trong khi các visa Kazakhstan và UAE của anh đều hết hạn. Sau đó, Mohammed bay tới Thổ Nhĩ Kỳ với hy vọng xin được gia hạn visa Kazakhstan nhưng bị trả lại tại biên giới. 

"Tôi bị trục xuất khỏi Istanbul vì không có visa hợp lệ, và họ gửi tôi lại Almaty. Nhưng ở đây tôi cũng không có visa hợp lệ nên họ lại trả thẳng tôi sang Istanbul. Tôi bay đi bay giữa hai nước tổng cộng 4 lần liền", Mohammed kể.

Rốt cục là Mohammed kẹt ở khu quá cảnh của sân bay Kazakhstan, nơi về mặt pháp lý không được xem là lãnh thổ nước này. 

{keywords}

Tháng trước, các nhà chức trách Kazakhstan đã từ chối đơn xin tị nạn của Mohammed. Người đàn ông gốc Palestine này cho biết anh bị ám ảnh bởi một ý nghĩ duy nhất kể từ khi kẹt lại nơi đây: làm cách nào để trốn thoát. 

"Tôi nhớ ánh mặt trời. Tôi nhớ bên ngoài", anh tâm sự. "Tôi chứng kiến tất cả mọi người rời khỏi tòa nhà, và chỉ còn mình tôi kẹt lại đây. Tôi không thể đi đâu cả". 

Thanh Hảo (Theo BBC)