Đến nay đã có tổng thống của 3 nước Mỹ Latinh tuyên bố cho Edward Snowden một nơi ở an toàn, tránh xa tầm với của chính phủ Mỹ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


{keywords}
Edward Snowden hiện đang bị Mỹ truy nã gắt gao vì tiết lộ các bí mật quốc gia.

Nhưng Snowden vẫn đang trú tại sân bay Sheremetyevo ở Moscow. Có nhiều đồn đoán về bến đáp tiếp theo của anh ta nhưng không rõ anh ta sẽ đi đâu và làm cách nào tới được nơi muốn tới.

Đến nay đã có nhiều tuyên bố liên quan đến việc cho phép Snowden tị nạn, chủ yếu là từ những người thích lên án Mỹ. Nhưng ủng hộ việc làm của Snowden và muốn làm Chú Sam bẽ mặt không chỉ là một vế của phương trình mà còn rất nhiều các quan hệ thương mại và ngoại giao tham gia vào phương trình đó, theo Michael Shifter, Chủ tịch nhóm cố vấn Inter-American Dialogue ở Washington.

"Họ muốn nổi trội song tôi nghĩ họ cũng đang cân nhắc những hậu quả mà tôi cho là rất nghiêm trọng. Mỹ đã tỏ rõ điều đó rồi", ông Shifter nói.

Venezuela

Tổng thống Nicolas Maduro là lãnh đạo đầu tiên tuyên bố sẽ đón chào Snowden. 

Lợi: Maduro thường xuyên lên án chủ nghĩa đế quốc Mỹ, cáo buộc Washington gây bất ổn đất nước ông, và thậm chí cho rằng Mỹ đã đầu độc cố lãnh đạo Hugo Chavez. Chấp nhận một nhân vật quan trọng đang bị Washington truy nã sẽ giúp ông có thêm một cơ sở khác để chỉ trích Mỹ. Bên cạnh đó, khả năng này cũng sẽ củng cố sự ủng hộ dành cho Maduro trong phe trung thành với Chavez.

Hại:
Quan hệ với Mỹ đã dần tan băng sau cuộc bầu cử đưa ông Maduro lên nắm quyền hồi tháng 4. Tháng trước, mọi thứ tốt đẹp hơn khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Ngoại trưởng Venezuela Elias Jaua. Và điều này sẽ thay đổi nếu Venezuela đón nhận Snowden. Tuy căng thẳng nhưng quan hệ kinh tế giữa hai nước rất mạnh. Xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 56 tỷ USD năm ngoái. 

Bolivia

Tổng thống Evo Morales đang rất tức giận về những gì xảy ra tuần trước, với chiếc máy bay chở ông từ Nga về buộc phải hạ cánh ở Áo vì các nước châu Âu khác đóng cửa không phận và nghi ngờ Snowden có mặt trên đó. Giờ đây, Morales nói ông sẵn sàng cho Snowden tị nạn như một sự "phản đối hợp lý" về vụ việc đó.

Lợi: Tổng thống Morales từ lâu đã kịch liệt phản đối những gì ông gọi là chủ nghĩa đế quốc Mỹ, công kích Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ, đại sứ Mỹ và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ. Chấp nhận Snowden sẽ hợp với lập luận của Tổng thống Bolivia rằng đất nước ông sẽ tốt hơn nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ. Và về quan hệ với Washington, Bolivia không có nhiều để mất. 

Hại: Tuy vậy, giữa Mỹ và Bolivia vẫn có liên hệ kinh tế. Xuất nhập khẩu song phương đạt 2,4 tỷ USD năm ngoái. Dù ông Morales chỉ trích kịch liệt Mỹ và các nước châu Âu sau vụ máy bay chuyển hướng, vẫn chưa rõ liệu nhà lãnh đạo này có thực sự muốn Snowden tới Bolivia hay không, theo ông Shifter. 

Nicaragua

Tổng thống Daniel Ortega cho biết nước ông sẽ cho phép Snowden tị nạn "nếu hoàn cảnh cho phép".

Lợi: Giống như Maduro và Morales, Tổng thống Ortega là một người chỉ trích Mỹ lớn tiếng.

Hại: Xuất khẩu và nhập khẩu giữa Mỹ và Nicaragua đạt hơn 3,8 tỷ USD năm ngoái. Và Nicaragua nhận được nhiều ưu đãi thương mại từ Mỹ. Khi mối quan tâm về Snowden từ các lãnh đạo doanh nghiệp tăng cao, họ sẽ không làm ngơ với ông Ortega.

"Ortega có các mối quan hệ tốt với cộng đồng doanh nghiệp ở Nicaragua. Ông ấy là người rất thực dụng. Đôi khi ông lớn tiếng đối đầu nhưng đằng sau đó ông đang thỏa thuận", ông Shifter nhận xét.

Ecuador

Snowden đã "nhắm" Ecuador ngay từ đầu sau khi rời Hongkong ngày 23/6. Tổng thống Rafael Correa đã liên tục lên án Mỹ về vấn đề này hồi đầu tháng song chính phủ của ông vẫn đang cân nhắc và nói rằng không thể hành động chừng nào Snowden có mặt trên lãnh thổ Ecuador.

Có ý kiến cho rằng chính việc Ecuador chưa thể hiện rõ lập trường đã khiến Snowden gửi thư xin tị nạn ở hàng chục nước khác.

Lợi: Năm ngoái, Ecuador đã cho Julian Assange, người sáng lập trang web WikiLeaks, tị nạn và bênh vực đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy đất nước Nam Mỹ này bảo vệ nhân quyền. Cho Snowden tị nạn sẽ mang lại các nhà chức trách một cớ nữa để lặp lại điều đó.

Các quan chức cứng rắn ở Ecuador tháng trước tuyên bố họ sẽ không nhượng bộ trước áp lực của Mỹ trong vụ Snowden, thề sẽ từ chối các lợi ích thương mại nên các nhà chức trách Mỹ không thể thao túng họ.

Hại: Khi giới chức Ecuador tuyên bố không cần ưu đãi thương mại Mỹ, các lãnh đạo doanh nghiệp nước này đã lập tức phản hồi: Đừng vội thế!

Với một nửa xuất khẩu của Ecuador hướng sang Mỹ và thương mại giữa hai nước đạt 16 tỷ USD năm ngoái, Tổng thống Correa có thể sẽ phải cân nhắc thận trọng những lời lẽ của mình.

Sau cuộc hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước, ông Correa chấp nhận một giọng điệu vừa phải hơn. "Chúng tôi phải hành động thận trọng, nhưng với sự can đảm và không đi ngược lại các nguyên tắc của mình và tất nhiên cả sự thận trọng, trách nhiệm và tôn trọng đối với Mỹ, và cũng tôn trọng sự thật".

Thanh Hảo (Theo CNN)