Các nhà lãnh đạo phương Tây đang bàn thảo liệu có nên đưa ra một phản ứng quân sự sau vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria tuần trước hay không.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Pháp và Đức - hai nước không ủng hộ cuộc xâm lược Iraq năm 2003 - gợi ý họ có thể sẽ tham gia. Nga tuyên bố bất cứ một sự can thiệp nào như vậy sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.


{keywords}
Tổng thống Barack Obama cho biết, một vụ tấn công khả năng bằng vũ khí hóa học ở Syria là "một sự kiện gây quan ngại lớn", đẩy nhanh khung thời gian cho việc quyết định một phản ứng của Mỹ.  (Ảnh: AP)

Mỹ

Ngoại trưởng John Kerry khẳng định các vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria, cáo buộc Tổng thống Bashar Assad phá hủy bằng chứng, đồng thời tuyên bố Mỹ có thông tin bổ sung về vụ tấn công và sẽ sớm công bố trước bàn dân thiên hạ.

Ông Kerry gọi vụ tấn công ở Syria là một "hành động vô đạo đức" khiến lương tâm thế giới phẫn nộ.

Pháp

Tổng thống Francois Hollande cho biết, thời gian đang hết dần đối với chính phủ Syria và các cuộc không kích là một khả năng.

"Mọi thứ sẽ xuất hiện trong cuộc chơi tuần này", ông Hollande nói với báo Le Parisien. "Đang có một số lựa chọn trên bàn làm việc, từ việc tăng cường các đòn trừng phạt quốc tế, các cuộc không kích tới việc vũ trang cho quân nổi dậy".

Theo Le Parisien, Tổng thống Pháp đã nói chuyện với người đồng nhiệm Mỹ hôm 25/8 và khẳng định rằng Pháp, cũng như Anh, sẽ ủng hộ ông Obama trong một chiến dịch can thiệp quân sự lựa chọn mục tiêu.

"Hiện vẫn còn quá sớm để nói thẳng điều gì sẽ xảy ra", Tổng thống Pháp được dẫn lời nói. "Các chuyên gia Liên Hợp Quốc sẽ sớm điều tra tại hiện trường. Chúng tôi cũng sẽ dành thời gian cho tiến trình ngoại giao. Nhưng không quá nhiều. Chúng ta không thể tiếp tục mà không có một phản ứng khi đương đầu với các vũ khí hóa học".

Ngoại trưởng Laurent Fabius thì nhấn mạnh rằng "mọi lựa chọn đều để mở. Lựa chọn duy nhất mà tôi không thể tưởng tượng ra là sẽ không làm gì cả".

Đức

Lần đầu tiên Đức gợi ý nước này có thể ủng hộ việc sử dụng vũ lực nếu một cuộc tấn công vũ khí hóa học ở Syria được xác nhận.

"Việc sử dụng đáng nghi khí độc trên quy mô lớn đã phạm vào một điều cấm kỵ trong cuộc xung đột Syria vốn đã ác nghiệt hết sức này", phát ngôn viên Steffen Seibert của Thủ tướng Angela Merkel bình luận. "Đó là một sự vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước Vũ khí Hóa học quốc tế, văn bản cấm sử dụng những vũ khí này. Hành động đó phải bị trừng phạt, không thể tiếp tục mà không có hậu quả".
 
Đức có "bằng chứng rất rõ rằng đây là một vụ tấn công vũ khí hóa học", ông Seibert nói thêm nhưng từ chối đưa ra suy luận phản ứng nào có thể được cần đến ở Syria. Tuy nhiên, phát ngôn viên này liên tiếp từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực.

Nga

Ngoại trưởng Sergei Lavrov quả quyết các nước kêu gọi hành động quân sự chống Syria không có bằng chứng chính quyền Assad đứng sau vụ tấn công đó. Ông nói rằng, những nước này đã tự nhận vai trò của "cả các thanh sát viên và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc" trong điều tra vụ việc.

"Họ không thể tạo ra bằng chứng, nhưng vẫn cứ khăng khăng rằng "giới tuyến đỏ" đã bị vượt qua và họ không thể chờ đợi thêm nữa", Ngoại trưởng Nga nói tại một cuộc họp báo ở Moscow.

Lavrov ví tình hình ở Syria hiện nay giống với thời điểm trước cuộc chiến Iraq năm 2003. Ông cảnh báo sự can thiệp quân sự của phương Tây ở Syria, nói rằng "việc sử dụng vũ lực mà không có một lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là một sự vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế".

Anh

Ngoại trưởng Anh William Hague nhấn mạnh, những bất đồng giữa 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an đã ngăn bất kỳ một hành động nào về Syria không được thực hiện quá lâu và "sự đoàn kết trọn vẹn" là không cần thiết để thực hiện một phản ứng.

"Ở thế kỷ 21, chúng ta không thể chấp nhận ý kiến rằng vũ khí hóa học có thể được sử dụng mà không bị trừng phạt", ông Hague tuyên bố.

Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng David Cameron cho biết, các nhà lập pháp Anh có thể được triệu tập để thảo luận bất kỳ một hành động tiềm tàng nào về Syria ngay trong tuần này, và Thủ tướng Cameron có kế hoạch gặp các cố vấn an ninh quốc gia trong ngày 28/8.

Theo phát ngôn viên của Thủ tướng Anh thì London luôn duy trì "khả năng hành động ngay lập tức nếu cần thiết".

Sau đó, Thủ tướng Cameron gọi điện cho Tổng thống Putin và nói với nhà lãnh đạo Nga rằng có rất ít nghi ngờ việc các lực lượng Syria đã thực hiện vụ tấn công và ngăn không cho Liên Hợp Quốc tiếp cận ngay hiện trường, "chứng tỏ họ có điều gì đó giấu diếm".

Cả hai bên nhất trí bất cứ việc sử dụng vũ khí hóa học nào sẽ đều sẽ phải chịu một phản ứng nghiêm túc từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, ông Putin khẳng định không có bằng chứng về việc liệu chúng đã được sử dụng ở Syria hay không, và nếu đã được sử dụng thì ai chịu trách nhiệm.

Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu cho biết nước ông sẽ tham gia vào một liên minh quốc tế chống lại chính quyền Assad nếu Liên Hợp Quốc không thể đưa ra các đòn trừng phạt đối với Syria vì sử dụng vũ khí hóa học.

Thổ Nhĩ Kỳ từng là một đồng minh thân cận của Syria nhưng đã trở thành một trong những nước chỉ trích ông Assad gay gắt nhất và là một nước hỗ trợ chính cho quân nổi dậy Syria.

Liên Hợp Quốc

Phát biểu với các phóng viên ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh, "nếu được chứng minh thì việc sử dụng vũ khí hóa học của bất kỳ ai trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và là một tội ác tàn bạo. Chúng ta không thể cho phép miễn trừ đối với những gì dường như là một tội ác xấu xa chống lại nhân loại".

Liên minh châu Âu (EU)

Người phụ trách chích sách đối ngoại của EU, Catherine Ashton, nói rằng một quyết định về việc can thiệp quân sự vào Syria vẫn chưa được đưa ra và sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an cho một hành động như vậy là "cực kỳ quan trọng".

Phát biểu với các phóng viên ở Tallinn, thủ đô Estonia, Ashton cho rằng thế giới "cần tìm ra một giải pháp chính trị" cho tình trạng máu đổ ở Syria. Theo bà, thật khó cho liên minh 28 thành viên ở châu Âu đạt được một kết luận chung, nhưng khối này đang cân nhắc "các lựa chọn khác nhau".

Israel

Tổng thống Shimon Peres kêu gọi Liên Hợp Quốc yêu cầu Liên đoàn Ảrập thành lập một chính phủ lâm thời ở Syria để ngăn chặn máu đổ.

Bình luận của ông Peres là của một quan chức Israel cấp cao nhất về sự can thiệp quân sự vào nước láng giềng Syria.

Ông Peres nói rằng "người nước ngoài sẽ không hiểu những gì đang diễn ra ở Syria", vì vậy Liên Hợp Quốc hãy giao trách nhiệm cho Liên đoàn Ảrập thành lập một chính phủ.

Thanh Hảo (Theo AP)